19/08/2020 06:32
Là lớp cháu con, trưởng thành trong những năm đổi mới hôm nay, chúng ta biết đến Cách mạng Tháng Tám qua những trang lịch sử, qua những trang hồi ký, qua di tích lịch sử, qua những người cao tuổi... Ngày ba tôi còn sống, ông thường hay kể cho tôi nghe những năm tháng sôi động khi tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia Cách mạng Tháng Tám.
Theo lời kể, trước Cách mạng Tháng Tám một vài năm, ba tôi tốt nghiệp yếu lược (tương đương lớp 5 bây giờ) được xem là người có học trong làng. Ngoài học chữ quốc ngữ, ông còn học chữ Hán, chữ Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, của Mặt trận Việt Minh, ông là người rất nhiệt tình tham gia dạy bình dân học vụ.
Như chúng ta biết, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng là lúc nước ta rơi vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” bởi phải đối phó với 3 loại giặc lúc bấy giờ là: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vì thế, ngay sau những ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ và đưa ra những kế sách quan trọng đối với nhà nước còn non trẻ. Trong đó, việc ban hành quyết định thành lập Nha bình dân học vụ (8/9/1945) được xem là một quyết định vô cùng sáng suốt và thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với nền giáo dục nước nhà.
|
Chúng ta đều biết rằng, khi nước nhà độc lập, trình độ dân trí rất thấp bởi có tới 95% dân số của chúng ta mù chữ. Với cương vị là người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì thế, nhiều sắc lệnh về việc xóa nạn mù chữ được ban hành ngay những ngày đầu đất nước tuyên bố độc lập.
Tinh thần học của các cụ khi đó là học để biết chữ, học để khai trí, học để làm người, học để kiến quốc, xây dựng quê hương, đất nước. Nhờ vậy, mặc dù hồi đó việc học gặp nhiều khó khăn như thiếu giấy, ban ngày đi làm, ban đêm không có đèn điện như bây giờ, chỉ thắp đèn bằng dầu lờ mờ, nhưng trong làng tôi từ thiếu niên đến người lớn tuổi, các hội đoàn thể theo lời hiệu triệu của Bác Hồ ai nấy đều thi nhau đi học và đều biết chữ.
Từ thân phận nô lệ, Cách mạng Tháng Tám đưa người dân trở thành người làm chủ. Song, niềm vui không được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng tôi khi đó cũng như bao thôn làng khác sẵn sàng kháng chiến. Nhà tôi, nằm giữa triền đồi, được các cụ chọn làm trung tâm khu địa đạo.
Từ vườn nhà tôi, dân làng đào hầm kiên cố sâu trong lòng đất đi đến nhiều ngõ ngách trong làng. Các đường hầm bí mật hiện vẫn còn. Ngày còn nhỏ, tôi thường chui vào đường hầm. Tuy nhiên, đường hầm ẩm, rắn rết nhiều, chúng tôi không dám vào sâu. Qua nhiều năm, nắng mưa làm đường hầm sạt lở, bây giờ không còn ai dám vào hầm. Điều muốn nói, với cuốc xẻng, với công cụ lao động thô sơ, nhưng với sự đoàn kết đồng lòng, với ý chí quyết tâm chống giặc, người dân đào được công sự sâu, dài trong lòng đất thật đáng khâm phục.
|
Lại nói, Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng những ngày tháng yên bình sau Cách mạng Tháng Tám không nhiều, bởi sau đó, Pháp trở lại xâm chiếm nước nước ta và tiếp đến là sự can dự của đế quốc Mỹ. Cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh mới để giành độc lập, thống nhất đất nước.
Ở miền Nam sau năm 1954, mặc dù dưới quyền kiểm soát của ngụy quyền, nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám, những lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào... gieo vào lòng người một niềm tin, một lẽ sống. Sau này, dù trải qua nhiều những biến động của thời cuộc, nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng. Tuy nằm trong vòng kiểm soát của ngụy quyền, nhưng cũng như nhiều người, ba tôi vẫn giữ được lòng kiên trung, không lùi bước trước cường quyền. Ông sống thủy chung và lấy nghĩa nhân làm trọng cho đến cuối cuộc đời.
Cách mạng Tháng Tám và ánh sáng của Đảng làm thay đổi nhận thức cả dân tộc. Chính vì vậy, ở miền Nam sau này mặc dù chịu sự kìm kẹp của Mỹ - ngụy, nhưng phần lớn người dân vẫn kiên trung, vẫn hướng về cách mạng.
Các đảng viên, cán bộ Mặt trận Việt Minh hay nhiều người ở miền Nam được ánh sáng Cách mạng Tháng Tám, được Đảng giác ngộ không ngại hy sinh, gian khổ, sau này đều trở thành những cán bộ cốt cán, có những hy sinh, đóng góp to lớn, lãnh đạo nhân dân miền Nam tiếp tục kháng chiến, góp phần đưa cuộc kháng chiến thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Đào Nguyên