Nhớ mãi lần đầu đến vườn sâm quý

21/06/2023 13:14

Gần 25 năm trong nghề làm báo, tôi đã đi khắp các vùng miền trong và ngoài tỉnh. Mỗi chuyến đi là những kỷ niệm, ấn tượng giúp tôi thêm những kinh nghiệm thực tế và thêm những trải nghiệm quý giá. Trong những chuyến đi ấy, đến nay, dù đã hơn 10 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in chuyến đi lần đầu tiên đến với vườn sâm quý - sâm Ngọc Linh nằm ở trên đỉnh Ngọc Linh ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông).

Sáng một ngày đầu tháng 7/2011, từ thành phố Kon Tum, chúng tôi vượt gần 100km lên Măng Ri để thăm vườn sâm quý của Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Đây là lần đầu tiên Trần Hoàn công bố với bàn dân thiên hạ về vườn sâm quý này.

Chúng tôi bỏ xe lại ngoài đường, bắt đầu hành trình... cuốc bộ lên vườn sâm- nằm chót vót trên độ cao hơn 2.000m, thuộc xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông. Để đến được vườn sâm, chúng tôi phải đi bộ khoảng 4 tiếng đồng hồ vượt dốc, xuyên qua những cánh rừng già trên dãy Ngọc Linh hùng vĩ. Gần 12 giờ trưa, chúng tôi mới có mặt tại trại sâm của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nằm ở độ cao từ 1.800m đến 2.300m so với mực nước biển, dưới những tán rừng già, không khí quanh năm ẩm mát.

Lần đầu tiên lên thăm vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.P

 

Sau quãng đường cực nhọc băng rừng, vượt núi, mặc cho mọi người tò mò, sốt ruột, nhưng Trần Hoàn vẫn lặng lẽ leo núi, không hé lộ thêm bất cứ thông tin gì. Rồi cũng đến giây phút mọi người được thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình khi Trần Hoàn bất ngờ nói: Đến rồi. Mọi người ào tới, reo lên trong ngạc nhiên và bất ngờ, thích thú. Nếu không được nhìn thấy, được dạo bước giữa 2 luống sâm, được sờ lên lá sâm thì không thể tin được. Dưới tán rừng già là bạt ngàn sâm Ngọc Linh ở nhiều độ tuổi đang vươn lá xanh tươi. Vượt qua sự truy lùng, tận diệt, ngay trên đỉnh Ngọc Linh, một “vương quốc” sâm đang hiện diện, “sống” yên ổn bởi sự chăm sóc, nâng niu của Trần Hoàn và những cộng sự của mình. Anh bạn đồng nghiệp của tôi cứ thì thầm trong miệng: Thật không ngờ, không ngờ. Đúng là vô giá; cả với nghĩa về giá trị kinh tế và nghĩa về giá trị khoa học, xã hội. Sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi “cửa tử” nhờ nỗ lực của một người hết lòng với sâm.

Tận mắt được nhìn, được sờ và đi trên những luống sâm xanh tốt đang trong thời kỳ trổ hoa cứ len lỏi, trải dài hết cánh rừng này đến cánh rừng khác ai cũng ngạc nhiên và thán phục. Ngay cả đồng chí Đào Xuân Quý (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ) cũng tỏ ra ngạc nhiên về vườn sâm quý này trên đỉnh Ngọc Linh. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà báo và các đồng chí lãnh đạo tỉnh được tận mắt chứng kiến một vườn sâm quý lên đến cả trăm héc ta.

Du khách thích thú với du lịch trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: VP

 

Theo tiết lộ của người quản lý “vương quốc”, khi ấy có khoảng 140ha sâm được trồng ở đây. Gọi là trồng nhưng thực chất cây sâm sinh trưởng và phát triển trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. Ban đầu, củ sâm giống được trồng, chăm sóc, sau đó ra hoa, kết hạt; khi hạt rụng, cây con mọc lên. Sau này, khi đã nhiều rồi, công nhân sẽ gom hạt, gieo ươm sâm giống. Tuyệt đối không có sự can thiệp của “công nghệ” vào quá trình sinh trưởng của sâm. Như vậy, sâm ở đây vẫn giữ nguyên giá trị y, dược học của mình.

Theo Trần Hoàn, trong suốt hành trình gian nan đã qua, anh luôn biết kết hợp giữa việc giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của rừng Ngọc Linh với việc trồng sâm dưới tán rừng già. Để làm tốt việc giữ rừng và trồng sâm, anh đã giúp đỡ, vận động hàng trăm người dân địa phương từ bỏ việc phá rừng làm rẫy mà tự nguyện lên rừng để trồng và chăm sóc, canh giữ sâm Ngọc Linh như những công nhân thực thụ.

Trần Hoàn lý giải cho quyết định của mình: Tôi cho rằng mình phải công bố để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trước vấn nạn sâm Ngọc Linh giả; để chứng minh rằng, sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi sự tuyệt chủng và đang dần phát triển trở lại ở “thủ phủ” của mình; để bảo vệ uy tín của tỉnh trước dư luận cho rằng Kon Tum không bảo vệ được loài cây quý. Và hơn hết, tôi muốn kêu gọi mọi người, hãy bắt tay vào bảo vệ sâm Ngọc Linh bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ trông chờ vào người khác.

Những mong muốn của Trần Hoàn giờ đã thành hiện thực. Chỉ riêng vườn sâm của công ty anh giờ đã phát triển gấp hơn 10 lần (khoảng 1.700ha) so với ngày anh công bố vườn sâm này với bàn dân thiên hạ. Điều mừng nữa là nhờ nguồn sâm giống của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum mà giờ đây đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông, Đăk Glei đã và đang phát triển mạnh diện tích sâm Ngọc Linh. Đây được coi là loại cây không chỉ giúp người dân xóa nghèo bền vững mà có thể vươn lên làm giàu. Thương hiệu sâm Ngọc Linh giờ không chỉ được cả nước biết đến là “Quốc bảo” của Việt Nam mà còn vươn tầm ra thế giới.

Kể từ lần đầu tiên đến với vườn sâm quý ấy, tôi đã nhiều lần về thăm lại vườn sâm này. Giờ đây, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị đưa vườn sâm là một trong những sản phẩm để phục vụ du khách đến với Kon Tum.

Văn Phương

Chuyên mục khác