20/12/2018 06:51
Thông tư 25/2018/TT-BCT nêu rõ, các trường hợp cho sinh viên và người lao động (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình) có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101-200kwh (1.858 đồng/kwh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
|
Ngoài ra, nếu chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà, căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của các cơ quan công an quản lý địa bàn.
Theo đó, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính 1/4 định mức, 2 người được tính 1/2 định mức, 3 người được tính 3/4 định mức, 4 người được tính 1 định mức.
Khi có sự thay đổi về người cho thuê, chủ nhà có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Thông tư đã nêu rõ, phương tiện thông tin phổ biến rộng rãi, thế nhưng, thực tế hiện nay nhiều nhà trọ vẫn áp giá thu tiền điện không theo quy định. Nhiều chủ nhà trọ vẫn thu từ 3.000-3.500 đồng/kwh điện.
Ở trọ tại một địa chỉ trên đường Đinh Công Tráng, em Đậu Thị Xuân Mai cho biết, 3 năm nay, giá tiền điện trong khu trọ vẫn ở mức 3.000 đồng/kwh, không thay đổi. Đặc biệt, dù bản thân biết và thấy giá điện không hợp lý nhưng em vẫn không có ý kiến với chủ trọ. Bởi, theo em, ở đây, các dãy trọ đều thu giá điện như nhau.
“Có nơi nhiều bạn ý kiến, chủ trọ có giảm tiền điện nhưng lại tăng tiền nước, em thấy cũng như nhau nên thôi. Hơn nữa, chúng em là sinh viên nên tiêu thụ điện ít, các hộ gia đình mới phải chi trả nhiều” – Mai nói.
Tương tự, tại một dãy trọ trên đường Đào Duy Từ, chị Nguyễn Trâm Anh cho biết, 2 năm nay, chủ nhà trọ vẫn áp giá thu tiền điện 3.000 đồng/kwh. Với mức giá trên, bình quân 1 tháng gia đình chị phải đóng khoảng 300 ngàn tiền điện.
“Mình có biết về giá bán điện theo Thông tư mới nhưng ở đây không ai ý kiến nên mình cũng thôi. Mình chủ động cắt giảm sử dụng các vật dụng không cần thiết để tiết kiệm điện” – chị Trâm Anh cho hay.
Người đi thuê dẫu biết về giá bán điện theo Thông tư 25 có lợi cho bản thân nhưng vì e ngại, sợ chủ nhà trọ tăng tiền trọ hoặc tăng các khoản khác nên không nói. Còn các chủ nhà trọ, khi được hỏi, đa số đều cho rằng: chưa nắm được giá bán điện theo Thông tư mới.
Đơn cử như chủ một dãy 10 nhà trọ tại đường Duy Tân cho biết, mấy năm trở lại đây, gia đình ông vẫn áp giá thu tiền điện 3.000 đồng/kwh.
“Ở đây mỗi phòng đều có công tơ riêng nên việc tính tiền điện rất rõ ràng. Chúng tôi áp giá thu 3.000 đồng/kwh là rẻ rồi, nhiều chỗ còn thu 3.500 đồng/kwh” – ông nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ trọ tại đường Phạm Ngọc Thạch cho thuê trọ được hơn 10 năm nay. Trước đây, bà lấy giá 3.000 đồng/kwh điện, tuy nhiên, khi biết được việc thu tiền điện theo Thông tư mới, bà quyết định hạ xuống còn 2.500 đồng/kwh.
“Xung quanh đây các chủ nhà trọ toàn thu 3.500 đồng/kwh chứ ít người giảm xuống. Mình biết thì thực hiện theo thôi” - bà Thanh cho hay.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Kim Chiến – Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, trước khi Bộ Công thương ban hành Thông tư 25, đơn vị đã tổ chức phối hợp với Sở Công thương và Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố đi kiểm tra việc áp giá thu tiền điện. Thực tế, có những nơi thu đúng nhưng cũng có những nơi thu với giá rất cao, trên 3.000 đồng so với mức quy định. Sau khi Bộ Công thương ban hành Thông tư 25, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng như các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức tuyên truyền cho các chủ nhà trọ phải áp giá theo giá bán điện sinh hoạt bậc thang của Nhà nước.
Hiện nay, Công ty Điện lực Kon Tum đã tập huấn cho các đơn vị điện lực, những người trực tiếp làm công việc kinh doanh điện và giao tiếp để giải thích, trả lời những thắc mắc của khách hàng về giá bán điện của khu nhà trọ. Đồng thời tuyên truyền cho các chủ nhà trọ về biện pháp xử phạt đối với những trường hợp không bán giá điện theo quy định.
Dự kiến trong tháng 12, Công ty Điện lực Kon Tum sẽ phối hợp với Sở Công thương áp giá thu tiền điện theo quy định. Trong trường hợp thu sai, đơn vị sẽ kiến nghị với Sở Công thương có hình thức xử phạt và truy thu, thối hoàn cho người thuê nhà, thuê trọ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Kim Chiến nhấn mạnh, đối với các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện không đúng hoặc cao hơn so với mức quy định của Nhà nước, người thuê trọ có thể phản ánh tại quầy giao dịch điện lực, tại Phòng Kinh doanh của Công ty Điện lực Kon Tum hoặc có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Trung qua số điện thoại: 1900 1909. Khi nhận được phản ánh, đơn vị sẽ điều chuyển thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước để có hình thức xử phạt cũng như truy thu.
Bài và ảnh: Bình An