Nhiều mô hình thiết thực

02/10/2021 13:02

Triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhiều đơn vị, địa phương đã triển khai các mô hình cụ thể, phù hợp, từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất.

Trước đây, cũng như nhiều người dân trong thôn, trong xã, anh A Măng, thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông chưa biết cách trồng cỏ voi, dự trữ rơm để chủ động nguồn thức ăn cho trâu. Thời gian trở lại đây, được cán bộ xã hướng dẫn, anh mạnh dạn xin giống từ người quen về và tiến hành trồng 1 sào cỏ voi.

Chỉ về phía đồng cỏ xanh tốt, anh phấn khởi cho biết: “Cỏ phát triển nhanh lắm mà trâu cũng thích ăn cỏ voi. Nay, ngoài thời gian chăn thả, chiều về, mình cắt cỏ cho trâu ăn thêm. Nhờ đám cỏ, đàn trâu có thức ăn thêm nên nhanh lớn, mập mạp”.

Đặc thù thời tiết vùng Đông Trường Sơn, thường hay có những đợt lạnh kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc. Do đó, những năm trước, nhiều nơi xảy ra tình trạng trâu chết. Hiểu được điều đó, để mang lại hiệu quả trong chăn nuôi, ngoài diện tích đang trồng, anh A Măng tập trung trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho đàn trâu. “Có cỏ, khi trâu sinh sản, thay vì chăn thả, mình vẫn có nguồn thức ăn đảm bảo. Thấy mình trồng hiệu quả, vừa qua, có 2 hộ trong thôn đến xin giống, mình đã cho và hướng dẫn họ trồng theo” – anh Măng nói.

Không riêng hộ anh Măng, bà Nguyễn Thị Hằng – Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng cho biết, để thay đổi nhận thức trong chăn nuôi của người dân, ngoài việc hướng dẫn làm chuồng trại sạch sẽ, làm cây rơm, ủ phân chuồng…, xã đã hướng dẫn cho 4 hộ trồng cỏ voi. Đến nay, cỏ voi hợp khí hậu, phát triển tốt, giúp người dân chủ động trong chăn nuôi.

Lần đầu tiên người dân thôn Plei Jơ Lơng, xã Đăk Cấm trồng giống lúa RVT. Ảnh: H.T

 

Nếu ở Đăk Tăng, chính quyền xã hướng dẫn người dân trồng cỏ voi, thì tại xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum), chính quyền đã triển khai hiệu quả mô hình trồng lúa RVT cho đồng bào DTTS tại thôn Plei Jơ Lơng.

Theo anh Nguyễn Xuân Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Cấm, trước đây người dân không chú trọng về nguồn giống (đa số lấy hạt lúa thu được từ các vụ trước để làm giống). Năm nay, được vận động, 25 hộ dân tại thôn Plei Jơ Lơng đã chuyển sang sử dụng giống RVT để sản xuất.

Để giúp người dân, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố hỗ trợ giống lúa, đồng thời vận động người dân thực hiện cùng xuống giống, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch. Ông A Đih, thôn trưởng thôn Plei Jơ Lơng cho biết, đây là năm đầu tiên ông triển khai trồng giống lúa RVT. Cũng như các hộ dân khác, khi được hướng dẫn canh tác, ông chú ý và thực hiện theo.

Ông A Đih phấn khởi: “Tất cả 25 thành viên đều phấn khởi khi được hỗ trợ giống và kỹ thuật. So với các loại giống khác, lúa RVT có chất lượng và năng suất cao hơn, tuy nhiên, những năm trước, quen với việc sử dụng giống cũ nên bà con chưa dám áp dụng. Nay, nhờ được hỗ trợ, bà con mình cũng bước đầu triển khai theo cánh đồng mẫu lớn”.

Không chỉ tập trung chăm sóc theo hướng dẫn, ông Đih nói rằng, trong thời gian đến, các hộ dân sẽ tìm hiểu để mua giống năng suất, chất lượng, phục vụ gieo trồng. 

Mỗi nơi một cách làm, nếu người dân ở Plei Jơ Lơng đang mong chờ một vụ mùa bội thu, ấm no thì các đoàn viên người DTTS ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà cũng từng bước sử dụng nguồn hỗ trợ để tăng nguồn thu cho gia đình.

Đoàn viên A Nghiêm chăn nuôi gà, trồng rau để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Ảnh: HT


Như A Nghiêm, ở thôn Mnhuo Mreang (xã Đăk Ui) là một ví dụ. Vừa qua, được Huyện đoàn Đăk Hà hướng dẫn cách làm vườn rau, hỗ trợ gà giống và hạt giống rau, ngoài việc giúp bố mẹ làm việc đồng áng, các bạn đã biết dành thời gian để trồng rau và nuôi gà. A Nghiêm nói rằng, chỉ mất chút ít thời gian chăm sóc, vườn rau đã cung cấp rau sạch cho cả gia đình. “Mình vừa tiết kiệm được một khoản kinh phí, vừa cải thiện bữa ăn. Hiện tại, đàn gà cũng đang phát triển, mình cố gắng gây giống để có thêm nguồn thực phẩm an toàn” - A Nghiêm nói.

Không riêng A Nghiêm, thực hiện Cuộc vận động Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Huyện đoàn Đăk Hà đã hỗ trợ cho 9 hộ thanh niên khác tại xã Đăk Ui giống rau và giống gà. “Qua việc hỗ trợ, chúng tôi mong muốn đoàn viên biết cách cải tạo vườn, trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Xuất phát từ việc nhỏ để thay đổi nếp nghĩ của đoàn viên, từ đó dần dà có những hoạt động thiết thực trong sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế của gia đình” – chị Trần Thị Yến – Bí thư Huyện đoàn Đăk Hà cho biết.

Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị sẽ có những cách làm khác nhau để giúp người dân. Những mô hình cụ thể, phù hợp là minh chứng thiết thực thể hiện Cuộc vận động đã và đang đi vào thực chất. 

Hoài Tiến

Chuyên mục khác