23/10/2020 06:06
2h sáng, tại nhà anh Đặng Mậu Quý (thôn 6, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum), nhiều người vẫn tích cực lau lá, thái thịt, chẻ lạt, nhóm bếp để nấu bánh tét. Vừa làm, họ vừa cập nhật tin tức trên mạng, nắm tình hình bão lũ tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh.
“Nhìn thấy nhà người dân chìm trong biển nước, nhà nhà bị chia cắt, chúng tôi xót xa lắm. Chúng tôi chỉ mong gói bánh tét thật nhanh, kịp gửi về để chia sẻ với người dân”- vừa bỏ bánh vào nồi, ông Nguyễn Văn Quốc (thôn 6, xã Đăk Cấm) vừa chia sẻ.
|
Anh Quý cho biết, 3 hôm nay anh đi kêu gọi, vận động người dân trong xóm cũng như các “mạnh thường quân” ai có gì góp nấy để nấu bánh tét gửi ra kịp thời cho bà con nơi “rốn” lũ. Theo lời kêu gọi, bà con tích cực hưởng ứng, có hộ, cả gia đình nghỉ việc, túc trực, góp công, góp sức cùng làm. “Cả làng, cả xóm đều ủng hộ. Người góp củi, người góp lá, người góp nếp, góp thịt, góp mì tôm cùng các nhu yếu phẩm khác. Bà con nơi đây chủ yếu làm công nhân cao su nhưng ai cũng ngồi gói bánh đến 1-2h sáng rồi về kịp giờ đi cạo mủ cao su. Tính đến bây giờ, chúng tôi gói được hơn 600 đòn bánh tét. Chúng tôi chỉ mong góp chút tấm lòng thành giúp bà con vùng lũ vượt qua hoạn nạn” – anh Quý chia sẻ.
|
Không riêng người dân thôn 6, xã Đăk Cấm hướng về miền Trung như mệnh lệnh của trái tim, tại chùa Thanh Trung (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum), từ 6h sáng, gần 100 người dân, phật tử đã tập trung gói bánh, sắp xếp hàng hóa, quần áo, nhu yếu phẩm để chuẩn bị gửi ra cho người dân tại Quảng Bình và Quảng Trị. Bà Đặng Thị Điền (72 tuổi, phường Ngô Mây) nghẹn ngào: “Nhìn thấy cảnh người dân ngồi trên nóc nhà chờ cứu hộ, tôi không cầm được lòng. Tôi không làm được việc nặng, nhưng tôi có thể lau lá, cắt lá, xếp lá để mọi người cùng gói bánh. Cầu mong trời ngưng mưa để người dân sớm vượt qua bão lũ”.
|
Vừa liên hệ xe, vừa đốc thúc mọi người khẩn trương làm, Đại đức Thích Nhuận Thông - trụ trì chùa Thanh Trung vừa liên hệ nắm thông tin tại “rốn” lũ để việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Thầy cho biết, qua vận động, bà con, phật tử, mạnh thường quân nhiệt tình ủng hộ, góp công, góp của, góp sức cùng làm. “Chúng tôi phải chia thành 4 điểm để nấu khoảng 3.000 chiếc bánh tét. Hiện tại, đoàn đã liên hệ được xe, dự kiến trong ngày thứ 7, đoàn sẽ xuất phát đi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình” – Đại đức Thích Nhuận Thông chia sẻ.
Vốn là người miền Trung, hiểu cảnh khó khăn và gian khó khi bị chìm trong bão lũ, mấy ngày nay, anh Trần Thanh Tính – chủ nhà xe Phúc Ngân đã quyết định hỗ trợ các chuyến xe miễn phí giúp các đoàn từ thiện về với miền Trung. Anh cho biết, dẫu nắm tình hình thời tiết, đường sá đi lại khó khăn, tuy nhiên anh vẫn quyết cùng với các đoàn từ thiện về với miền Trung. “Trong vài ngày tới, tôi sẽ tổ chức chở 2 đoàn ra Huế và Quảng Nam. Hiện tại, cũng có nhiều nhà xe khác tổ chức chuyến xe không đồng hỗ trợ cho các đoàn từ thiện tiếp cận, hỗ trợ giúp bà con vùng lũ. Chúng tôi sẽ di chuyển cẩn thận để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả đoàn từ thiện” - anh Tính cho biết.
|
Còn với thầy và trò Trường THCS Lý Tự Trọng, ngay từ đầu tuần, hơn 1.000 giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường đã chủ động quyên góp được hơn 31 triệu đồng, cùng với Công đoàn ngành Giáo dục có việc làm thiết thực để giúp bà con vùng lũ. “Theo kế hoạch, trong ngày 20/10 nhà trường sẽ tổ chức cho giáo viên đi dã ngoại, tuy nhiên, trước tình hình bão lũ, nhà trường đã hủy và dùng toàn bộ kinh phí của chương trình để ủng hộ. Sau bão lũ, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động giáo viên, học sinh quyên góp sách vở, quần áo…, cùng với cả nước giúp người dân miền Trung vượt qua gian khó” - Hiệu trưởng Trần Ngọc Lâm cho biết.
“Lá lành đùm lá rách”, mỗi người một việc làm, một cách làm nhưng chung tình yêu thương, ai nấy đều hướng về miền Trung với tất cả tấm chân tình. Hy vọng rằng, với sự tương thân, tương ái, đồng sức đồng lòng của người dân phố núi nói riêng, cả nước nói chung, người dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh… sớm vượt qua khó khăn.
Hoài Tiến