Nhiều giải pháp ổn định dạy và học trước “bài toán” thiếu giáo viên

09/10/2023 13:06

Năm học 2023 – 2024 đã diễn ra được hơn 1 tháng, nhưng toàn tỉnh vẫn còn thiếu 836 giáo viên khiến nhiều người băn khoăn, lo ngại. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác dạy học, ngành Giáo dục đã chủ động đề ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
 
Trước “bài toán” thiếu giáo viên, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn của tình trạng này. Ảnh: TH

 

Năm học này, toàn ngành giáo dục có 359 trường học; trong đó, bậc mầm non có 133 trường, bậc tiểu học có 84 trường, Tiểu học – Trung học cơ sở (THCS) có 61 trường, THCS có 47 trường, Trung học phổ thông (THPT) có 25 trường và 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên. Toàn tỉnh có 167.005 học sinh.

Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ năm 2020 đến năm 2023, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao tăng 215 chỉ tiêu (trong đó bao gồm cả 391 chỉ tiêu giao bổ sung trong năm học này). Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nan giải, diễn ra ở tất cả các bậc học.

Cụ thể, toàn ngành Giáo dục còn thiếu 836 giáo viên, trong đó, cấp mầm non thiếu 437 giáo viên; cấp tiểu học thiếu 237 giáo viên; cấp THCS thiếu 140 giáo viên; cấp THPT thiếu 22 giáo viên. Một số địa phương thiếu số lượng nhiều là thành phố Kon Tum (thiếu 113 giáo viên,) huyện Đăk Hà (thiếu 104 giáo viên), huyện Đăk Tô (thiếu 127 giáo viên), huyện Đăk Glei (thiếu 139 giáo viên), huyện Ia H’Drai (thiếu 100 giáo viên).

Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên, theo lý giải của bà Phạm Thị Trung, là quy mô học sinh tăng hằng năm, trong khi đó, việc giao bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, từ năm học 2020 -2021 đến nay, toàn tỉnh tăng 4.239 học sinh, tuy nhiên chỉ được bổ sung 215 chỉ tiêu biên chế.

Một số quy định mới ban hành làm thay đổi các tiêu chuẩn, điều  kiện về trường lớp, đội ngũ theo hướng nâng cao hơn. Các chính sách của Trung ương về thu hút, tiền lương, phụ cấp, tuyển dụng đối với đối tượng đào tạo theo địa chỉ cử tuyển và đối với đội ngũ nhà giáo là người địa phương dạy trẻ em người DTTS, đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS còn những bất cập, trong khi tỉnh ta chưa có chính sách thu hút đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng khó khăn.

Quá trình triển khai tuyển dụng tại một số đơn vị còn chậm, nguồn giáo viên tham gia dự tuyển thấp hơn nhu cầu tuyển dụng. Một số địa phương thiếu giáo viên như Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, Kon Plông chưa chủ động về nguồn tuyển- chưa triển khai đăng ký đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP (ngày 25/9/2020) quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Để đảm bảo công tác dạy học trong điều kiện thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo  Phạm Thị Trung chia sẻ: Ngành Giáo dục đã chủ động đề ra nhiều giải pháp nhằm tổ chức tốt các hoạt động giáo dục theo quy định. Trong đó, đẩy mạnh tổ chức sắp xếp lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng quy mô, góp phần sử dụng hiệu quả số lượng người làm việc được giao. Từ năm học 2020 – 2021 đến nay, toàn tỉnh sắp xếp 40 trường, trong đó, chủ yếu là các trường tiểu học và trường trung học cơ  sở trên cùng địa bàn, thành trường tiểu học – trung học cơ sở.  Đồng thời, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, thành lập được 24 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Một trong các giải pháp quan trọng đã được ngành Giáo dục triển khai là đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, bố trí, điều hòa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên địa bàn từng huyện, từng trường để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương. Bố trí giáo viên cấp THPT giảng dạy một số tiết ở các môn còn thiếu cấp THCS, giáo viên THCS dạy một số tiết ở các môn còn thiếu cấp tiểu học; phân công giáo viên dạy liên trường ở các trường gần nhau, giao thông thuận lợi, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên đối với số lượng còn thiếu và chưa tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo sinh viên sư phạm theo địa chỉ tuyển dụng được 32 chỉ tiêu, trong đó, năm 2021 là 14 chỉ tiêu, năm 2022 là 18 chỉ tiêu. Dự kiến, tháng 6/2024 khóa sinh viên đầu tiên theo chính sách này tốt nghiệp, góp phần bổ sung cho đội ngũ giáo viên còn thiếu của tỉnh.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Trung, về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học tương ứng với quy mô học sinh tăng hàng năm; không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục tỉnh Kon Tum. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có quy mô nhỏ; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại địa phương. Giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên từ nguồn học sinh, sinh viên tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là học sinh người DTTS để tuyển dụng theo địa chỉ, đảm bảo sự ổn định đội ngũ giáo viên công tác lâu dài và chủ động nguồn tuyển đối với các bộ môn và địa bàn khó thu hút. Tổ chức tuyển dụng hết số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.

Nỗ lực giải quyết phần nào những khó khăn của “bài toán” thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh của ngành Giáo dục đã góp phần tạo sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh; đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.    

Thùy Hương

Chuyên mục khác