Nhiệt huyết, sức trẻ đưa ta vươn tới

13/08/2023 06:17

Trong lịch sử dài đằng đẵng, nhiều thăng trầm, đã 110 năm trôi qua, kể từ năm 1913, vùng đất thân yêu của chúng ta ở Bắc Tây Nguyên được “định danh” là Kon Tum, với tư cách là một đơn vị cấp tỉnh.
Đô thị Kon Tum. Ảnh: NB

 

Ngày 29/10/1975, UBND Cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Pleiku.

Sau 15 năm “chung nhà”, ngày 12/8/1991, Kon Tum trở lại vị trí vốn có- đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đến nay, trải qua 32 năm nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Kon Tum đã và đang đặt những bước tiến mạnh mẽ trên hành trình hướng tới tương lai.

Khi chia tách, Kon Tum được “thừa hưởng” một “di sản” nghèo nàn với hạ tầng kinh tế lạc hậu; các nhóm ngành thể hiện “đẳng cấp” phát triển như công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ gần như là con số không.

Ngay cả thị xã Kon Tum, trung tâm tỉnh lỵ, cũng chỉ có vài ba con đường nhựa, vàng vọt ánh điện về đêm. Hồi ấy, Kon Tum giống như “ốc đảo” bởi “cụt đường”.

Ấy là chưa kể đến hàng loạt những rào cản xuất phát từ cách thức sản xuất lạc hậu, từ địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đến khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp.

Trong bộn bề gian khó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu tối thượng là phát triển Kon Tum giàu mạnh.

Phát huy truyền thống kiên cường, dũng cảm, linh hoạt, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, tìm tòi hướng đi mới, phát triển sản xuất - kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân; thử nghiệm cách làm mới, tư duy mới trên nhiều lĩnh vực.

Thu ngân sách tăng từng năm. Năm 1992, tức một năm sau ngày tách tỉnh, thu ngân sách nhà nước mới đạt 24,6 tỷ đồng. Bắt đầu sau đó là chuỗi bứt phá: Năm 2000 đạt 80,5 đồng, tăng 3,27 lần; năm 2005 đạt 278,8 tỷ đồng, tăng 11,3 lần.

Năm 2010 để lại ấn tượng với dấu mốc quan trọng: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng “nghìn tỷ”- đạt 1.287,2 tỷ đồng, tăng 52,3 lần.

Liên tục các năm sau đó, thu ngân sách đạt và vượt dự toán giao, kể cả những năm gian khó nhất. Từ đó đảm bảo cân đối các nhiệm vụ chi theo dự toán được phê duyệt, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,8%, đứng thứ 22/63 tỉnh thành trên cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Các lĩnh vực xã hội phát triển vượt bậc. Năm 1991, khi mới tách tỉnh, bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 295 kg, thu nhập bình quân đầu người 88,6 USD; tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Hệ thống giáo dục còn sơ khai, thiếu thốn, với 110 trường các cấp, 108 làng trắng về giáo dục, tỷ lệ người mù chữ lên tới 17,7%; hệ thống y tế vừa thiếu, vừa yếu, chỉ có 855 giường bệnh với 49 bác sĩ.

Đến hết năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 52,44 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,86%, hộ cận nghèo còn 6,03%. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi học phổ thông đều được đến trường; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; toàn tỉnh có 189 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học.

102/102 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ; 100% xã đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới.

Điện về vùng sâu. Ảnh: TH

 

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng "cánh đồng lớn", phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đang phát huy hiệu quả. Sự hiện diện của các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất dược liệu tập trung càng khẳng định ưu thế phát triển của nông nghiệp.

Năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần “phục vụ và đồng hành”. Quản lý nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.

Vóc dáng một Kon Tum mới, một Kon Tum đang phát triển mạnh mẽ, năng động đã hình thành rõ nét.

Những tuyến giao thông trọng yếu như Quốc lộ 14- đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Kon Tum thành điểm sáng trong bản đồ giao thương khu vực.

Mạng lưới đô thị dần hình thành diện mạo mới, với nhiều công trình, các khu đô thị mới, khu dân cư, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dân cư giữa đô thị và nông thôn theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với cải tạo và xây dựng mới các đô thị.

Trong đó, là 1 trong 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh và là đô thị trung tâm, thành phố Kon Tum ngày càng được đầu tư khang trang và mở rộng. “Lên thành phố” tháng 4/2009, đạt đô thị loại II trực thuộc tỉnh tháng 1/2023, thành phố Kon Tum đang phát triển theo mô hình “Thành phố xanh mới” hiện đại, xứng tầm trung tâm văn hóa, giáo dục, chính trị, khoa học kỹ thuật và vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Sự vận dụng một cách thông minh và sáng tạo quy hoạch xây dựng, phát triển vùng, cũng như tinh thần sẵn sàng đón nhận những vận hội mới giúp định hình nên một Kon Tum hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tiến trình này bước đầu ghi nhận khi một số nhà đầu tư uy tín đã đặt chân tới đây, như Tập đoàn FLC, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn TH.

Vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đã có chuyển biến khá toàn diện và mạnh mẽ về diện mạo và đời sống người dân. Ảnh: TH

 

Vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đã có chuyển biến khá toàn diện và mạnh mẽ về diện mạo và đời sống người dân, thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; sự triển khai quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt là 2 năm qua, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, với sự vào cuộc tích cực và đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân, đã có 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, tự lực vươn lên thoát nghèo; có 6.115 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo.

Dù rất muốn, nhưng không thể đưa ra hết những số liệu thống kê. Và dù những số liệu thống kê ấy khá khô khan, nhưng là minh chứng cụ thể và rõ nét nhất cho sự phát triển.

Và trong quá trình phát triển, kinh nghiệm và bài học gần dân, sát thực tế, đối thoại và đồng hành với cơ sở cũng được thực hiện nghiêm túc, trở thành hành trang vô cùng thiết thực thời đổi mới, phát triển và hội nhập.

Trong những ngày này, mỗi khi đi trên các tuyến phố khang trang, sạch đẹp, ngắm người xe tấp nập, những công trình giao thông, xây dựng mang dấu ấn của sự phát triển, tôi thấy ngập tràn niềm tự hào và tin tưởng.

Tôi tin rằng, mỗi người dân Kon Tum đều có chung niềm tự hào và tin tưởng ấy. Tự hào vì 32 năm qua, chúng ta đã bằng những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Tin tưởng vì thế và lực mới sẽ là nền tảng để chúng ta vững bước vào tương lai.

Một “tuổi mới” không ít thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội đã đến. Biết vượt qua thử thách sẽ tạo ra những "xung lực mới" cho quá trình phát triển và tiếp tục mở ra cơ hội.

An ninh trật tự xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững, cải cách hành chính được đẩy mạnh và từng bước phát huy hiệu quả chuyển đổi số, chính quyền số là những yếu tố chính tạo nền tảng cho một chặng đường phát triển mới, cao hơn, bền vững hơn.

Bước vào hành trình mới, chúng ta cần tiếp tục đoàn kết, nỗ lực khơi dậy tiềm năng và ý chí phát triển, tìm kiếm cơ hội mới, và nỗ lực nắm chắc cơ hội. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn ngoại lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Kiên trì thực hiện các chính sách nhằm tăng cường các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô; linh hoạt về nguồn lực đầu tư nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp, nông thôn; lĩnh vực xuất khẩu.

Nhân dân mong muốn Đảng bộ, chính quyền quyết liệt trong việc làm trong sạch bộ máy, loại trừ những nhân tố gây phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của địa phương, nhất là sự quan liêu, trì trệ, tham nhũng trong bộ máy.

Mỗi cán bộ, đảng viên đặt sang một bên những do dự và ngần ngại, khắc phục sự tụt hậu về khoa học kỹ thuật; sự ì ạch, chậm chạp trong cơ chế vận hành; sự thiếu quyết liệt trong triển khai chính sách.

Kinh nghiệm trong nhiều năm qua đã cho thấy, và khẳng định, sức mạnh niềm tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là cội nguồn sức mạnh để chúng ta đưa quê hương ngày càng phát triển và đi đến thịnh vượng.

Đón “tuổi mới” trong vận hội mới. Nhiệt huyết và sức trẻ sẽ đưa ta vươn tới. Sắc thắm của cờ Tổ quốc, nét tươi tắn trên mỗi gương mặt đang lan tỏa niềm tin về cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Thành Hưng

Chuyên mục khác