“Nhất nghệ tinh” hay bằng đại học?

07/05/2023 06:35

Cháu sẽ quyết vào đại học chứ không đi học nghề đâu- cháu tôi nói vẻ kiên quyết. Trong khi bố cháu ngồi đó với vẻ mặt lo lắng.

Tôi thật sự cảm thông với nỗi lo lắng của anh. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu rõ hoàn cảnh gia đình anh chị cũng như lực học của cháu mình.

Trước đó, anh cũng đã từng chia sẻ với tôi về những trăn trở, lo lắng về việc quyết định cho cậu con trai đầu đăng ký dự tuyển vào một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nói thật- anh rủ rỉ- với lực học của cháu thì có thể sẽ đậu vào một trường đại học nào đó. Nhưng sau đó thì sao? Tiền học phí, tiền ăn, tiền thuê nhà, tiết kiệm đến mấy thì một tháng cũng tốn 5-6 triệu đồng ấy chứ. Rồi sau này ra trường lại lo kiếm việc làm. Mà điều kiện nhà anh thì chú biết rồi đấy.

Vâng, tôi biết chứ. Chính vì biết nên cũng thấy lo lắng cho anh.

Anh quần quật với "nghiệp" phụ hồ, nay đây mai đó, chị thì đầu tắt mặt tối với ít ruộng rẫy, thu nhập bấp bênh, nhà lại đông con nên cuộc sống cũng khá khó khăn. Cũng đỡ là mấy đứa nhỏ đều ngoan ngoãn, biết giúp đỡ bố mẹ và bảo ban nhau học hành.

Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT. Ảnh: T.H

 

Năm nay, con trai đầu của anh chị tốt nghiệp THPT. Và ước mơ của cháu là vào đại học “cho bằng bạn bằng bè. Xét đến cùng, với học lực “trên bình thường” của cháu, việc vào một trường đại học “cỡ trung” là không khó. Nhưng có câu "liệu cơm gắp mắm". Sau ước mơ ấy là bộn bề nỗi lo.

Nếu cháu nó vào được đại học cũng tốt, vừa đúng với ước mơ của nó, cũng là hoàn thành tâm nguyện của cha mẹ, gia đình. Nhưng với điều kiện kinh tế gia đình mình thì thật sự là khó khăn đấy- tôi ướm lời.

Thì đấy, tôi cũng khuyên cháu nó đi học một trường nghề nào đấy- anh kể- nhưng 2 mẹ con chỉ muốn được vào đại học cho "bằng anh bằng em". Mẹ cháu còn kêu ca “những đứa bạn học còn kém hơn mà vẫn dự tuyển đại học, con mình học được sao không cố một chút? Khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ quyết tâm cho con học đại học để sau này đời chúng đỡ cực nhọc. Đời mình vì ít học nên khổ nhiều rồi”. Ơ hay, chẳng nhẽ chỉ có học đại học ra mới khá? Tôi nghĩ vậy, nhưng nhìn con buồn bã vì sợ không được đi học đại học lại không nỡ khuyên ngăn nữa.

Cũng vì thế mà vô hình chung lựa chọn của bố lại “xung đột” với với mơ ước của con trẻ. Điều này làm cho anh băn khoăn, trăn trở rất nhiều.

Anh cũng từng trực tiếp dẫn con đến dự các buổi tư vấn hướng nghiệp, với mong muốn cháu sẽ hiểu và không còn muốn vào đại học bằng mọi giá. Thấy con có ý chuyển, anh cũng mừng.

Nhưng sau đó, mẹ cháu lại phản đối, giữ nguyên ý muốn cho cháu vào đại học. Thế là cháu ngả theo mẹ. 

Tôi không trách những bậc cha mẹ dù nghèo nhưng luôn khát khao, luôn hy vọng con mình sẽ bước chân vào ngưỡng cửa đại học và luôn hy sinh để đạt được hy vọng ấy.

Với những ông bố bà mẹ ấy, học đại học là cánh cửa duy nhất để con cái họ thoát nghèo và ngẩng mặt với đời. Họ quyết liệt chấp nhận tất cả để nuôi con vào đại học.

Tôi cũng ủng hộ những bạn trẻ luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập và dám ước mơ và phấn đấu để thực hiện ước mơ vì một tương lai tươi sáng hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đồng tình với suy nghĩ rằng: Chỉ có vào đại học mới có thể “đổi đời”, hay vào đại học là “cánh cửa” duy nhất để kiếm sống và thành đạt.

Báo chí đã nói nhiều về chuyện những cử nhân thất nghiệp “dài dài”; nhiều cử nhân đành cất kỹ tấm bằng tốt nghiệp đại học vào đáy rương để đi làm tiếp thị, công nhân, bán hàng rong, bán hàng đa cấp, thậm chí lại quay về quê… làm ruộng.

Nói đâu xa, ở đối diện nhà tôi có một bạn trẻ học đại học chuyên ngành kế toán, ra trường đã mấy năm, chật vật mãi, ở nhà "ăn bám" bố mẹ mãi mới xin được làm kế toán ở một xã vùng ven, hàng tháng cố gắng lắm cũng chỉ dành dụm được vài trăm nghìn phụ bố mẹ nuôi em ăn học. Như thế vẫn còn được tính là may mắn, vì có việc "nhà nước".

Người ta có thể tính được trong 4 năm học đại học chi hết bao nhiêu, cũng có thể tính được mất bao nhiêu tiền khi "xin việc", nhưng ai có thể tính hết mồ hôi, nước mắt của những người bố, người mẹ nuôi con ăn học?

Ấy là chưa kể, mấy năm sau, với tấm bằng đại học trong tay, liệu những người con ấy có thể tìm được việc làm để nuôi thân, nuôi bố mẹ, đền đáp sự hy sinh lớn lao. Khó nói lắm.

Cách đây 3 năm, tôi tình cờ gặp gỡ, trò chuyện và "phục lăn" một bạn trẻ đã quyết định từ bỏ ước mơ bước vào ngưỡng cửa giảng đường đại học để đi học nghề.

Lý do ư? Đây nhé: Em không muốn bố mẹ em phải vất vả quá sức để lo cho em học đại học. Nên bây giờ, cứ học nghề rồi đi làm nuôi thân, cất đi gánh nặng cho bố mẹ đã, rồi sau này có nhu cầu, có điều kiện sẽ đi học tiếp cũng không sao mà.

Giờ ngồi nói chuyện với anh, tôi lại nhớ đến bạn trẻ ấy, bây giờ đã là chủ một cửa hàng chuyên về công nghệ thông tin. Cậu cũng đã tính đến chuyện đi học đại học rồi, vì đã có thể tự lo chi phí học hành, và cũng chẳng lo không tìm được việc, bởi học ngành mà cậu đang hoạt động.

Thực tế cho thấy “nhất nghệ tinh” rất có thể sẽ tốt hơn là một tấm bằng đại học.

Vì vậy, nếu có ai hỏi có nên học đại học bằng mọi giá, câu trả lời của tôi sẽ là không nên!        

Thành Hưng

Chuyên mục khác