Nhận diện diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó với thiên tai

22/05/2019 06:11

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, việc nhận diện diễn biến của thời tiết nhằm chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo đánh giá của Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum, hiện nay hiện tượng El Nino đang có xu thế yếu dần; trong thời kỳ chuyển mùa này; diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, mưa dông có kèm theo tố, lốc, sấm sét, mưa đá rất dễ xảy ra. Mùa mưa năm nay đã bắt đầu và có khả năng kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đối với khu vực phía Tây Nam, giữa và phía Nam tỉnh; giữa tháng 11 đối với khu vực phía Đông và Đông Bắc tỉnh. Bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện muộn, tập trung vào thời kỳ giữa và cuối mùa; khả năng có khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Kon Tum gây ra các đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, xuất hiện vào thời gian từ tháng 8 đến đầu tháng 11. Tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay có thể đạt từ 1.400 – 1.800 mm, cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum cho biết: Trong mùa mưa, dự báo có khoảng 4 đợt mưa vừa với lượng mưa đạt từ 75 – 150mm/3 ngày liên tục và 3 đợt mưa to với lượng mưa đạt từ 100 – 250mm/2 ngày liên tục và diễn ra trên diện rộng, gây thiên tai nguy hiểm. Từ giữa tháng 5, mực nước và lưu lượng nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh bắt đầu có xu thế tăng dần; cuối tháng này và đầu tháng 6 sẽ xuất hiện một vài trận lũ sớm trên các sông suối nhỏ thuộc địa bàn các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy với biên độ lũ đạt từ 1,20 – 1,70 mét trong khoảng thời gian từ 12 - 24 giờ.

Thông tin dự báo mùa của Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum cho thấy, từ tháng 7 -11 là những tháng cao điểm của mùa mưa bão nên tình hình mưa lũ rất phức tạp và mức độ ảnh hưởng đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng lớn hơn. Theo đó, trên các sông, suối thuộc lưu vực các sông Pô Kô, Sa Thầy, Đăk Psi sẽ có từ 5 – 6 trận lũ; trong đó, khoảng 3 trận lũ có mực nước đỉnh lũ đạt cao hơn mức báo động cấp II đến cao hơn mức báo động cấp III. Trên lưu vực sông Đăk Bla có khả năng xảy ra từ 4 – 5 trận lũ; trong đó, có khoảng 2 trận lũ có mực nước đỉnh lũ đạt cao hơn mức báo động cấp II đến xấp xỉ mức báo động cấp III.

“Vào tháng 7, tháng 8; trong các đợt mưa dài ngày liên tục, các đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, tại các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Tô, Tu Mơ Rông có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các suối nhỏ, khu vực đất dốc. Sang tháng 9, tháng 10, do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với các nhiễu động thời tiết khác có thể xuất hiện các đợt mưa to diện rộng gây lũ lớn trên các sông, lũ quét ở các suối nhỏ và sạt lở đất ở khu vực đất dốc, ngập úng ở vùng trũng thấp trên phạm vi toàn tỉnh. Tháng 11, bão và mưa muộn rất có khả năng xảy ra ở khu vực các huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông và thường gây lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm ” – ông Nguyễn Văn Huy cho biết thêm.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra các hồ đập mùa mưa bão. Ảnh: Văn Nhiên

 

Nhìn nhận một cách toàn diện, cụ thể về những diễn biến của thời tiết trong những tháng mùa mưa bão là điều cần thiết để các cấp, các ngành chủ động xây dựng phương án phòng tránh thiên tai nhằm hạn chế những thiệt hại.

Hiện nay, các ngành, địa phương đang tiến hành xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết,  sẵn sàng huy động các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ người, tài sản và công trình khi có thiên tai; chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra...

Bên cạnh sự chủ động của tỉnh, ngành chức năng, một trong những yếu tố quan trọng không kém là người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động theo dõi thông tin thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình khi xảy ra thiên tai.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác