Nhà ở xã hội

22/07/2023 06:22

Nhà ở xã hội, theo Luật nhà ở 2014, là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên. Tuy nhiên, việc được thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng không dễ dàng.

Những ngày qua, thông tin được khá nhiều người quan tâm tìm hiểu là việc cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại chung cư Nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla thành phố Kon Tum.

Theo Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng (trực thuộc Sở Xây dựng)- đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành chung cư Nhà ở xã hội nói trên- dự án nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh được xây dựng với quy mô khối nhà 9 tầng, tổng diện tích sàn 8.856,5m2, với 96 căn hộ, được phân thành các loại: A1 (65m2/căn); A2 (68,5m2/căn); A3 (70m2/căn); B1 (52,5m2/căn); B2 (59,5m2/căn); B3 (49m2/căn).

Trong 96 căn hộ, đơn vị quản lý cho thuê 24 căn hộ tại tầng 2, tầng 3 (chiếm 25% tổng số căn hộ); cho thuê mua 72 căn hộ tại các tầng còn lại (chiếm 75% tổng số căn hộ).

Mới đây, khi đọc được thông tin cơ quan quản lý bắt đầu nhận hồ sơ thuê, thuê mua nhà ở xã hội, tôi đã vội vàng gọi điện thông báo cho Thắng- một người em đang rất trông chờ dự án nhà ở xã hội đưa vào khai thác.

Hiện nay giá nhà hay đất đều quá cao so với thu nhập của vợ chồng em, nên không có khả năng mua. Em hy vọng khi dự án đưa vào khai thác sẽ là cơ hội để những viên chức nhà nước như em có thể được sở hữu ngôi nhà của mình. 

Khu chung cư nhà ở xã hội ở Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla (thành phố Kon Tum). Ảnh: H.L

 

Thắng là viên chức tại một trung tâm thuộc sở. Sau khi học đại học, Thắng theo anh họ lên Kon Tum xin việc, sau đó lập gia đình. Từng ấy năm cậu ta đều ở nhà thuê. Nên hoàn toàn dễ hiểu khi cậu ta rất háo hức chờ ngày nộp hồ sơ thuê mua dự án nhà ở xã hội.

Tôi tưởng tưởng rằng Thắng sẽ rất vui mừng khi được thông báo. Nhưng không, cậu ta ỉu xìu: Em có chuẩn bị hồ sơ rồi, nhưng căng lắm anh ạ. Ban đầu định thuê mua, nhưng giá cao, tìm hiểu hình thức thuê thì thấy cũng chẳng thấp gì. Không lẽ em cứ phải ở nhà thuê mãi.

Không chỉ có Thắng, trong những ngày qua, tôi gặp không ít người thực sự cần nhưng khó có thể tiếp cận nhà ở xã hội.

Thứ nhất, giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội không hề rẻ. Tại Thông báo số 02/TB-TTGĐ ngày 9/6 của Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng, giá thuê nhà ở là 51.031 đồng/m2/tháng, không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí quản lý vận hành.

Tiền thuê nhà mà người thuê phải trả hàng tháng bằng giá thuê nhà nhân (x) với diện tích sử dụng căn hộ và nhân (x) với hệ số tầng điều chỉnh giá thuê tương ứng. 

Ví dụ như Thắng thỏa mãn các điều kiện và được thuê một căn hộ loại A1 ở tầng 2, diện tích 65m2 sẽ mất 3,814 triệu đồng/tháng; một căn hộ loại A3 ở tầng 3, diện tích 70m2 (là căn hộ có diện tích rộng nhất) sẽ khoảng 4,1 triệu đồng/tháng.

Rẻ nhất, giả dụ là căn hộ loại B3 ở tầng 3, có diện tích 49m2, cũng mất 2,875 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, hiện nay Thắng đang thuê một ngôi nhà khá rộng rãi ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, có sân vườn, cũng chỉ 1,7 triệu đồng/tháng.

Còn nếu được thuê mua, thì mỗi tháng sẽ phải trả 7,553 triệu đồng/tháng cho căn hộ loại A1 ở tầng 2 (diện tích 65m2).

Cao nhất là căn hộ loại A3 ở tầng 4, diện tích 70m2 (là căn hộ có diện tích rộng nhất)- 7,427 triệu đồng/tháng. Thấp nhất là căn hộ loại B3 ở tầng 9, có diện tích 49m2, với 3,961 triệu đồng/tháng. Và thời hạn trả là 120 tháng.

Thứ hai, việc thuê, thuê mua nhà ở xã hội không hề dễ dàng, đòi hỏi thủ tục rất phức tạp. Và đây mới là rào cản lớn nhất khiến người có nhu cầu thấy ngán ngại.

Người thuê phải chứng minh mình thuộc một trong các đối tượng sau: Gia đình chính sách; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; người có thu nhập thấp đang sinh sống ở thành phố Kon Tum chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống; phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố Kon Tum, trường họp không có hộ khẩu thường trú phải có đăng ký tạm trú tù 1 năm trở lên.

Các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; người có thu nhập thấp phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; là hộ nghèo, cận nghèo phải có xác nhận.

Không thể phủ nhận rằng nhà ở xã hội đang là giải pháp được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho các đối tượng khó khăn, có thu nhập thấp hiện nay. Nhưng rõ ràng là sự khan hiếm ban đầu, thủ tục phức tạp, các quy định của Luật Nhà ở về đối tượng đã lạc hậu, cùng với giá cao đã “đánh bật” những người có nhu cầu thật sự.

Mới đây, tại Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày 14/7 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2026 và năm đầu kỳ, UBND tỉnh cũng đã xác định sẽ ban hành cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển loại hình nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần sửa đổi quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội, để đảm bảo đó là “cánh cửa” mở ra cơ hội an cư cho người cần thật sự, và là hàng rào chặn người có điều kiện trục lợi.

Chính quyền cần chủ động quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất bố trí nhà ở xã hội; khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai để huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.

Đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tạo ra một hành lang rộng rãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, từ đó đem lại nhiều cơ hỗi sở hữu nhà ở hơn cho người có thu nhập thấp.        

Hồng Lam

Chuyên mục khác