Nhà báo có “nói thêm”?

21/06/2024 06:14

Không biết từ bao giờ trong dân gian lưu truyền câu nói vui: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Nhưng nhiều khi có những suy nghĩ và việc làm khiến câu nói ấy không còn vui chút nào, với cả nhà báo và độc giả.

Có người cho rằng, câu nói trên đúng là cách nói vui như một sự cảm thông với những người làm nghề này, vì văn chương thường hư cấu, còn báo chí phải “nói thêm” để làm sao diễn đạt thông tin cho lưu loát, cho dễ hiểu.

Nhưng cũng có người, không biết vì lý do gì, lại thành kiến cho rằng, câu nói ấy mang hàm ý cả nhà văn và nhà báo đều viết không đúng sự thật. Nhà văn thì “nói không thành có”, còn nhà báo thì chuyện thế này lại nói ra thế kia, hoặc chuyện chỉ bằng “cái chén” lại thêm thắt vào thành “cái mâm”.

Là nhà báo, tôi từng gặp cả hai luồng suy nghĩ này. Có người cảm thông, chia sẻ với nghề báo thì khi nói ra câu này bao giờ cũng bằng ngữ âm, ngữ điệu hàm ý vui. Và rồi, vừa nói vui họ còn vừa giải thích, nhà báo phải “nói thêm” như vậy thì mới có bài báo hay, chứ cứ tả thực quá đâm ra thô cứng, bài báo không trơn tru, mạch lạc. Và nhà báo có “nói thêm” gì thì nói miễn là tôn trọng sự thật, không bóp méo, làm sai lệch vấn đề là được.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: SC

 

Còn những người không cảm thông vì một lý do gì đó thì lại thốt ra câu nói ấy với một chất giọng hằn học, hoặc không thiện cảm mỗi khi gặp nhà báo. Có lần, tôi đã bị một người đàn ông dự định sẽ phỏng vấn cho bài viết của mình thì bị phản ứng: “Nhà báo phải viết cho đúng, chứ đừng có thêm thắt lung tung nhé”.

Nghe vậy, tôi hỏi lại ngay: “Thế đã bao giờ anh thấy em thêm thắt lung tung khi viết bài chưa”. Thấy tôi có phản ứng lại, dường như anh cũng chợt nhận ra thái độ của mình không đúng, nên dịu giọng trải lòng mình: Đúng là nói vậy thì có vẻ như tôi đã “vơ đũa cả nắm”, vì nghề nào cũng có người này người kia, không ai giống ai. Tôi cũng từng bị ảnh hưởng bởi một người làm báo thích thêm thắt”.

Theo lời anh kể thì, đã có nhà báo từng phỏng vấn anh. Lúc trả lời phỏng vấn, anh đã phản ánh đúng thu nhập hàng năm của gia đình mình khoảng trăm triệu đồng, nhưng khi bài báo đăng lên thì con số này tăng lên vài lần. Khi báo đăng, anh nghe mọi người gọi điện khen nên tìm đọc và giật mình trước nội dung phỏng vấn không đúng. Anh thấy xấu hổ với hàng xóm, bạn bè, bà con họ hàng, nên gọi điện trách móc nhà báo. Bởi anh nói, thật ra, lúc ấy anh chỉ mới khởi nghiệp thôi, chưa xứng đáng là gương điển hình để viết báo, mà nhà báo vẫn nằng nặc đòi phỏng vấn, rồi “đôn” mức thu nhập của anh lên, làm cho có người nói anh khoác lác.

Anh bảo, mình làm ăn ra sao, bà con biết cả, nên phải nói cho chính xác, không thể nói thêm như vậy được, người ta cười cho.

Tôi nghe anh phàn nàn mà thấy đồng cảm, cũng hết giận anh. Và dù là việc của phóng viên nào đó nhưng qua đây cũng là một bài học cho những nhà báo, nên “nói thêm” ở chỗ nào và tuyệt đối không nên “nói thêm” ở chỗ nào trong bài viết của mình.

Tôi thừa nhận rằng, một người viết báo, nếu không “nói thêm” thì rất khó để mà diễn đạt lưu loát, trôi chảy. Nhưng “nói thêm” phải trong khuôn khổ cho phép, chứ không phải muốn nói gì thì nói. Không thể nhân vật A chỉ làm kinh tế ở mức bình thường mà khi viết báo lại đôn lên cho anh ấy là một người làm kinh tế giỏi, trở thành gương điển hình được.

Và dù có “nói thêm” như thế nào thì phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Tránh trường hợp cố tình “nói thêm” để rồi chính người viết có những suy diễn mang tính cảm tính, chủ quan của riêng mình, làm sai lệch vấn đề, gây ức chế cho người đọc.

Phóng viên Báo Kon Tum tác nghiệp. Ảnh: SC

 

Nguyên tắc của báo chí là phản ánh khách quan, đúng sự thật. Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định nghĩa vụ của nhà báo là phải thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm. Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật. Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật. Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam có ghi rõ là phải hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Hiện nay, bên cạnh những tờ báo rất nghiêm túc trong đăng tải tin, bài, thì cũng không thể phủ nhận, đâu đó vẫn còn tình trạng có bài báo giật tít, câu like, câu view nhằm cuốn hút độc giả; thậm chí có những bài báo đưa tin, giật tít kiểu mập mờ để gây tò mò cho độc giả. Thường thì “một con sâu làm rầu nồi canh” nên việc độc giả hoang mang, ngại tiếp xúc, trả lời phỏng vấn với nhà báo nói chung là điều dễ hiểu.

Trong thời đại công nghệ số, hơn ai hết, nhà báo phải giữ cho mình có một cái tâm trong sáng; tác nghiệp, hành nghề phải trung thực, khách quan, theo đúng tôn chỉ, mục đích tờ báo, chấp hành nghiêm Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Và đối với độc giả, điều quan trọng là phải thật tỉnh táo trong quá trình dung nạp thông tin, đừng bị cuốn vào những thông tin giật gân, câu like, câu view.

Sông Côn

Chuyên mục khác