Người yêu ngôn ngữ Xơ Đăng

20/11/2020 13:05

Sinh ra và lớn lên từ ở miền quê có hồn văn hóa mang bản sắc dân tộc với nhiều lễ hội, nơi còn giữ nguyên những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ của đồng bào dân tộc Xơ Đăng, dù đang giảng dạy tại Trường THPT Phan Bội Châu ở thành phố Kon Tum, nhưng cô giáo Y Bê luôn hướng về vùng đất Đăk Tô- nơi “chôn nhau, cắt rốn”, tìm về cội nguồn tiếng nói của dân tộc Xơ Đăng của ông bà mình. Và trong luận văn thạc sĩ, cô giáo Y Bê đã chọn đề tài cách nói đa ngữ của người Xơ Đăng để nghiên cứu chuyên sâu.

Cộng đồng Xơ Đăng là một trong những DTTS tại chỗ có dân số đông nhất hiện nay ở Kon Tum chiếm gần 36% tổng dân số toàn tỉnh, gồm 5 nhóm địa phương: Xơ Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, Ca Dong và Hà Lăng. Họ cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Plông và một số ở huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei.

Nếu tra cứu luận văn thạc sĩ của cô giáo Y Bê, người đọc sẽ không khó để nhận thấy sự phát triển của ngôn ngữ Xơ Đăng. Tiếng Xơ Đăng thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần với tiếng Hrê, Ba Na, Giẻ-Triêng. Đây là ngôn ngữ có số lượng người nói lớn nhất trong tất cả các ngôn ngữ ở Bắc Tây Nguyên, một nhóm ngôn ngữ được biết đến nhờ sự đa dạng về âm tính nguyên âm. Cộng đồng Xơ Đăng có những nét chung về ngôn ngữ, nhân chủng và văn hóa. Tuy nhiên, mỗi nhóm lại có những sắc thái riêng. Đôi khi người ta gọi người ở trên núi cao là Xitâng, người ở dưới thấp là Xilang. Các nhóm đều có chung câu chuyện về nguồn gốc dân tộc mình là người đàn bà và một con chó sống sót sau trận đại hồng thủy lên núi Ngọc Linh, Ngọc Ang, Ngọc Cu, núi Giàng Mo Rai… để cư trú.

Đối với người Xơ Đăng tính cộng đồng hết sức cao cả, họ có nghĩa vụ, quyền lợi trong cộng đồng và được cộng đồng che chở. Điều đáng sợ đối với họ không phải là cái chết mà là bị đuổi ra khỏi cộng đồng làng, phải lẻ loi, bơ vơ…

Cô giáo Y Bê (phải) trong ngày gặp mặt phụ nữ DTTS tỉnh năm 2020. Ảnh: L.S

 

Vì vậy, khi rời xa cộng đồng, những người Xơ Đăng cảm nhận một niềm nhớ thương day dứt. Đặc biệt là nhớ âm hưởng cồng chiêng, bởi nó gắn bó với họ suốt cả cuộc đời. Tiếng cồng chiêng theo con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Vì thế, cồng chiêng có ở lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ bỏ mả... Và nó là “sợi dây thanh âm huyền bí” kết nối giữa thế giới trần tục với thế giới thần linh. Hơn thế nữa, cồng chiêng không chỉ là sợi dây kết nối giữa các thôn, làng, giữ con người với thế giới thần linh, mà còn là tiếng lòng của người Xơ Đăng dùng để gọi mời bè bạn bốn phương về khám phá mảnh đất giàu tiềm năng kinh tế và văn hóa của mình.

Trong điều kiện tiếp xúc và giao lưu ngoại hướng và nội hướng, đã dẫn đến cách nói đa ngữ của người Xơ Đăng. Các đặc điểm về quan hệ ngoại hướng và nội hướng như đã nêu trên khiến cho người Xơ Đăng tiếp nhận được những giá trị ngôn ngữ văn hóa từ nhiều hướng đến với mình. Một lớp đa ngôn từ văn hóa bắt nguồn từ việc giao lưu được người Xơ Đăng chắt lọc, sử dụng. Các vấn đề văn hóa, dù là văn hóa vật chất hay văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể hay văn hóa phi vật thể cũng đều tác động đến cách nói, cách nghĩ của người Xơ Đăng.

Tuy nhiên, theo cô giáo Y Bê, tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi tộc người. Cách dùng đa ngữ một mặt làm phong phú thêm vốn từ cho người Xơ Đăng trong thế giới hiện đại, nhưng bên cạnh đó, phần nào nó cũng làm  mất đi tiếng nói, hồn cốt của người Xơ Đăng. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng như nhiều địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích, bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có chú trọng đến việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nghị định số 82/2010/NÐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam đến năm 2020 cũng chú trọng đến việc xây dựng chính sách và khuyến khích đồng bào các dân tộc sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Hiện nay đã có một số ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới địa phương, như: Tày, Thái, Dao, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Chăm, Khmer… Nhiều địa phương trên cả nước đã mở lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào dân tộc. Một số tỉnh còn đưa tiếng dân tộc vào dạy trong trường học cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở như Đăk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông, Kon Tum… nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị về  tiếng nói và chữ viết của các dân tộc.

Bằng khả năng nghiên cứu của mình, cô giáo Y Bê đã đưa vào luận văn cái tinh anh, cái thần thức trong cách nói của người Xơ Đăng. Trong ngôn ngữ ấy, có tiếng khóc cười, có lời thương yêu, lời tranh đấu, có những huyền thoại tổ tiên, có văn hóa truyền từ cha ông, và có cả âm điệu dạt dào của ca dao, của núi rừng, của rẫy nương, ruộng lúa…       

Lê Sang

Chuyên mục khác