Người xa lạ thân thiện

13/11/2022 13:06

Trong nhiều, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở tỉnh Kon Tum, số người tôi quen biết chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều là người xa lạ. Nhưng vào một ngày không may mắn, những người xa lạ ấy đã rất thân thiện, làm hết sức mình để giúp đỡ tôi.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau cuộc trò chuyện với con trai, bố tôi được đưa thẳng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà không kịp ghé qua nhà con mình.

Khi bố tôi mở mắt nhìn tôi, ráng gật gật đầu như muốn nói hãy yên tâm, thì tôi mới thở được một cách bình thường.

Một bác sĩ đặt tay lên vai tôi: Anh yên tâm, ông cụ đã qua cơn nguy kịch, nhưng đây là cuộc chiến dài ngày, cần có sự kiên trì và quyết tâm của gia đình, chúng tôi sẽ làm hết sức.

Tôi cảm kích nắm tay anh. Và lúc này tôi mới nhận ra, anh là người lạ. Nhưng nụ cười trên gương mặt xa lạ ấy lại hết sức thân thiện.

Bắt đầu thời gian căng thẳng và mệt mỏi. Có những ngày, chỉ cần nghĩ đến căn buồng mười mấy mét vuông ấy là muốn bệnh. Không gian, thời gian ở đây trì trệ đến có cảm giác không dịch chuyển. Ngày rất dài, như đang đông cứng.

Vì vậy, không tránh khỏi những lúc tôi nóng giận, cáu kỉnh vì một chuyện không đáng gì, đôi khi là từ đề nghị một bác sĩ quen tham gia điều trị cho bố mình bị từ chối. Nhưng những nhân viên y tế vẫn hết sức điềm tĩnh, nhẹ nhàng.

Nếu tôi nóng quá, họ sẽ lặng im đi ra. Sau đó sẽ tiếp tục chăm sóc bố tôi một cách kỹ lưỡng và trách nhiệm. Không vì có “xích mích” mà tỏ thái độ với người bệnh.

Tất nhiên là tôi nhận ra điều đó, và rất trân trọng cách ứng xử ấy.

Với tôi, phần lớn những y, bác sĩ chăm sóc bố tôi đều là người không quen. Và rộng hơn, trong hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế ở bệnh viện, số người tôi quen biết chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều là người xa lạ.

Màu áo blouse trắng đem lại niềm tin cho người bệnh. Ảnh: HL

 

Nhưng vào một ngay không may mắn, và nhiều ngày lo âu, mệt mỏi sau  đó, họ rất thân thiện, làm hết sức mình để giúp đỡ tôi. Chiếc áo blouse trắng đem lại niềm tin cho gia đình tôi, đủ để chúng tôi giao tính mạng người thân cho những người xa lạ.

Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình, bạn tôi, một quan chức ngành Y tế, đã nói rất chân thành rằng, niềm tin ấy thật đáng quý. Nó đem lại động lực, vun đắp thêm tình yêu nghề và lòng dũng cảm, để đội ngũ nhân viên y tế vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của thầy thuốc. 

Tôi tin điều đó. Vì trong cuộc sống hiện nay, ranh giới giữa đời và nghề, giữa cám dỗ và đạo đức nghề nghiệp rất mong manh. Không thể tránh khỏi những lúc nao núng, cũng không thiếu những cá nhân thoái hóa, biến chất để rồi sa ngã.

Không cần là một người quá quan tâm đến thời sự, cũng có thể nhận ra sự hao hụt niềm tin đối với ngành Y đã có biểu hiện cực đoan thế nào trong thời gian qua.

Nhưng vượt qua những ánh mắt nghi ngờ, vượt qua những lời rì rầm thiếu thiện chí, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế chân chính vẫn vững niềm tin; vẫn kiên trì với nghề, với lời dạy “lương y như từ mẫu” của Bác Hồ. Tất thảy vui, buồn, ước mơ, hy vọng của họ đều gắn với nghề y.

Tôi nhớ mãi câu nói của một người anh, từng làm trạm trưởng một trạm y tế ở xã vùng sâu của huyện Đăk Glei: Chỉ khi nào nghề bỏ mình, chứ không khi nào mình bỏ nghề.   

Hơn hai mươi năm, bất kể ngày đêm, với áo khoác sờn hết vai, và đôi xăng đan mòn vẹt đế, anh leo đồi, lội suối vào những thôn, làng xa nhất để khám bệnh, cấp thuốc; vận động người dân xóa bỏ tục cúng ma khi có người đau ốm, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Có lần anh kể, ở đây bà con vẫn còn tin vào ma rừng, vào thầy cúng, nên không đi trạm xá, đi bệnh viện, mà bác sĩ phải lặn lội xuống tận nơi xin được điều trị; khéo lắm, kiên trì lắm mới được. Nghe thấy buồn man mác.

Đủ tuổi, anh nghỉ hưu. Biết tin anh nghỉ, bà con các làng kéo ra chật trạm xá, đem theo trứng, thịt rừng, rau dại, bí đỏ, dưa nước tặng anh. Không ai muốn anh nghỉ. “Cảm ơn bà con, tôi lớn tuổi rồi, nghề đã cho tôi nghỉ”- anh nói, rơm rớm nước mắt.

Nhưng nghỉ ngơi chưa được mấy ngày, lại thấy anh đeo ba lô chứa ống nghe, túi thuốc, bông băng lặn lội vào những thôn làng để khám bệnh miễn phí. Gặp lại anh, thấy chẳng thay đổi, vẫn xuề xòa, nhiệt tình, và trách nhiệm, vẫn quần áo cũ kỹ và đôi dép mòn vẹt đế.

Tôi còn nhớ như in đêm giao thừa năm 2019 trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chúng tôi ngồi trên những giường bệnh kê sát nhau, cùng ăn bánh và nói dăm ba câu chuyện đùa.

Trong vòng người ấy, có những bệnh nhân không được, hoặc không thể về nhà ăn tết vì nhiều lý do; có những nhân viên y tế đã chăm sóc bệnh nhân nhiều ngày, cũng có những người hoàn toàn xa lạ.

Mọi người cùng nói những điều ước năm mới. Trong khi bệnh nhân mong ước được khỏe mạnh để về nhà, tất nhiên rồi, thì các nhân viên y tế nói sẽ đi thăm những bệnh nhân khác ngay đêm giao thừa, động viên họ và gửi tới họ thông điệp về tình yêu cuộc sống.

Một nữ bác sĩ thì bày tỏ mong muốn được đón giao thừa ở nhà một lần. Vì rất nhiều giao thừa đã đi qua cuộc đời cô gắn với những ca trực, với thăm khám, chẩn đoán, can thiệp tại bệnh viện.

Nhưng tôi rất bất ngờ khi biết chính cô xung phong ở lại đêm ấy, vì một bệnh nhân cao tuổi trở nặng, và cô là người đã chăm sóc, điều trị dài ngày nên rất hiểu bệnh.

Rõ ràng cô, như bất cứ bác sĩ, nhân viên y tế nào khác, cũng có một cuộc sống và một mái ấm để đi về; cũng là những con người bình thường, có lúc vui lúc buồn, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, nhưng khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, trách nhiệm với người bệnh là mệnh lệnh tối thượng.

Vì vậy, đừng đánh mất niềm tin với những người mặc áo blouse trắng, kể cả đó là những người hoàn toàn xa lạ.

Bởi rất có thể vào một ngày không may mắn, ta sẽ gặp những người xa lạ mặc áo blouse trắng đó. Và tin tôi đi, đó là những  người rất thân thiện, nhiệt tình và trách nhiệm.

Hồng Lam

Chuyên mục khác