Người tiêu dùng vẫn ngại đòi quyền lợi

15/03/2019 06:00

Mặc dù, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã ra đời hơn 8 năm, nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang xảy ra phổ biến và ngày càng phức tạp hơn. Một trong những nguyên nhân là do người tiêu dùng quá dễ dãi khi mua hàng hoá và vẫn còn tâm lý ngại đòi hỏi, bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) kể: Có lần, tôi mua một chiếc váy giá 500.000 đồng qua mạng xã hội Facebook.Tuy nhiên, khi nhận được sản phẩm thì lại khác xa so với hình ảnh, chất lượng trong quảng cáo, tôi đã liên hệ để được đổi cái khác. Thế nhưng, sản phẩm được đổi lại cũng chẳng khác gì so với cái cũ, trong khi đó, tôi mất 50.000 đồng phí gửi đi và nhận lại. Gọi điện lại thắc mắc thì người bán hàng tỏ thái độ khó chịu và quát nạt cho rằng mình không có thiện chí mua hàng... Không muốn đôi co, tôi vứt đi món hàng đã mua và coi đó là bài học khi mua hàng online.

“Treo đầu dê bán thịt chó” là thực trạng diễn ra khá nhiều tại các trang bán hàng online trên mạng xã hội. Khi mua hàng online, đồng nghĩa nhiều người tiêu dùng chấp nhận mua cả may rủi.

Nhưng không chỉ có mua hàng trực tuyến, không ít người mua hàng tại những cửa hàng, đại lý, siêu thị có cơ sở trên địa bàn tỉnh hẳn hoi cũng gặp phải những tình huống mà quyền lợi bị xâm phạm, nhưng không biết kêu ai.

Anh Lại Ngọc Thắng (ở tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Trước đây, tôi có mua một chiếc tủ lạnh hiệu Sanyo tại cửa hàng điện máy H.P có phiếu bảo hành 12 tháng cho sản phẩm tại nhà. Khi cắm điện vào dùng, tôi phát hiện thỉnh thoảng chiếc tủ chạy kêu rất to; tôi liên hệ để được bảo hành thì bên người bán hàng trả lời ráo hoảnh một câu: “Việc bảo hành là của nhà sản xuất, anh liên lạc với bên đó nhé!”.

Siết chặt kiểm tra hàng hoá là giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

 

Anh Thắng còn kể thêm, chuyện từ chối bảo hành chưa là gì so với một lần anh bị lừa đánh tráo hàng khi mua giùm người thân chiếc máy cắt cỏ ở cơ sở bán máy nông cụ T.D. Lúc giới thiệu thì người bán hàng đưa ra chiếc máy của Thái Lan, đến lúc giao cho anh lại là chiếc máy của Trung Quốc. Song do anh không để ý trên hoá đơn chỉ ghi là máy cắt cỏ với số tiền chứ không ghi loại máy của nước nào sản xuất, vì vậy lúc thắc mắc thì người bán hàng chối bay chối biến nói là thuận mua vừa bán chứ không lừa đảo gì cả. Anh đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không thể đôi co, cãi nhau, cũng bởi bản thân anh đã quá dễ tính khi mua hàng, nên bị lừa.

Bán hàng thiếu uy tín, đùn đẩy trách nhiệm và không quan tâm đến chế độ hậu mãi là vấn đề nan giải hiện nay. Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, môi trường đầu tư mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền của người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, nhiều người khi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình bị xâm phạm lại chỉ biết im lặng, không dám lên tiếng, vì tâm lý ngại va chạm, ngại tranh chấp, sợ mất thời gian mà không giải quyết được gì nên hầu hết đều “nhắm mắt làm ngơ”. Đây chính là cơ sở để những kẻ xấu làm ăn buôn bán kiểu “chụp giựt”. Chỉ khi bị xâm phạm nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn thì người tiêu dùng mới gửi đơn khiếu nại, song nhiều trường hợp, họ không biết gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nào, trình tự giải quyết ra sao…

Mặt khác, hiện nay phần đông người dân vẫn khá “dễ tính” khi mua hàng hoá, không chú ý đến việc lấy hoá đơn, chứng từ. Người dân thường tin vào lời giới thiệu, những cam kết miệng của người bán hàng như: “cứ yên tâm, chúng tôi bán hàng uy tín, đảm bảo chất lượng, có việc gì cứ mang hàng đến đây”... Khi xảy ra sự cố thì đa phần người mua cũng chỉ phản ánh, thương lượng với các cơ sở bán hàng, còn việc có cho đổi, trả hay sửa chữa, bảo hành hay không lại thì tuỳ thuộc vào uy tín, lương tâm trách nhiệm của bên bán hàng chứ người tiêu dùng không có cơ sở nào để bắt buộc bên bán phải thực hiện nghĩa vụ. Nếu có mâu thuẫn, tranh cải thì người dân cũng đuối lý và thường là không có cơ sở để khiếu nại, khiếu kiện.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngày 22/01/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trên cơ sở nêu ra những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm; Ban Bí thư đã đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ hết sức cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể trong thời gian tới...

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp... thì quan trọng và cơ bản nhất chính là ý thức tự bảo vệ của mỗi người tiêu dùng cần phải được nâng lên. Người tiêu dùng cần phải tự trang bị kiến thức, chủ động hỏi về quyền lợi của mình và kiên quyết đấu tranh, tố cáo khi bị xâm phạm. Có như vậy, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng mới đạt được hiệu quả như mong muốn.           

Bài và ảnh: Thiên Hương

Chuyên mục khác