30/04/2018 06:07
Đại tá U Nhiêu - cựu Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh nói với tôi, nơi này là điểm đóng quân, nghi binh trong khoảng thời gian trước khi diễn ra trận đánh chiến lược hoàn toàn thắng lợi giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975, mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, và sau đó là chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975.
Đại tá U Nhiêu thuật lại, tháng 12/1974, ông cùng một số cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 304 bộ đội địa phương được điều sang Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), làm nhiệm vụ thay quân chuyển đi nơi khác tại địa bàn xã Ngọc Réo.
Lúc đầu, mọi người nghĩ đây là việc luân chuyển, thay quân bình thường như các lần khác, nhưng có điều trang phục phải thay đổi hoàn toàn như bộ đội chủ lực từ Bắc vào, mũ cối, quần áo màu xanh, nói giọng Bắc, đặc biệt là người địa phương không nói hoặc hạn chế nói trong khi thực thi nhiệm vụ.
Hồi đó, đây là vị trí giáp ranh giữa vùng giải phóng với vùng tạm bị chiếm của địch, phía Ngọc Réo là của ta và bên kia, từ làng Kon Nu, xã Đăk Tờ Re (nay thuộc huyện Kon Rẫy) đến thị xã Kon Tum bị địch tạm thời chiếm giữ, chúng thường xuyên tung thám báo đến dò la, nắm tình hình.
Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được cấp trên quán triệt, vì địch ở rất gần nên mọi người tuyệt đối giữ bí mật, không để xảy ra bất cứ sơ hở nào.
Từ cuối tháng 1/1975, đơn vị ông cùng các đơn vị khác của Sư đoàn 968 từ chiến trường Nam Lào về thế chỗ cho Sư đoàn 10 và 320 ở bắc Kon Tum và tây Pleiku làm nhiệm vụ nghi binh làm lạc hướng địch để ta tiến đánh Buôn Ma Thuột, mục tiêu chiến lược quan trọng nhất trên chiến trường Tây Nguyên.
Mặc dù lúc đầu chưa nắm rõ mục tiêu chiến lược quan trọng như vậy, nhưng trong cương vị chỉ huy Đại đội, ông xác định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ vấn đề đầu tiên để thực hiện thành công nghi binh chính là kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ trong các hành động mà mấu chốt là thực hiện đúng ý định của người chỉ huy. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng để đối phương nghi ngờ và phán đoán chính xác ý đồ, tổ chức phòng bị. Như vậy, việc tạo thế sẽ khó thực hiện được như ý định ban đầu.
Trong cả tháng 2 và tuần đầu tháng 3/1975, đơn vị ông lúc nào cũng trong tư thế chuẩn bị tiến đánh các mục tiêu địch ở vùng phụ cận thị xã và trong nội thị như Tòa Hành chánh Ngụy, Sân bay dã chiến, Trung tâm chỉ huy địch...
Cùng bộ đội, các lực lượng du kích, dân công là người địa phương, người các huyện Ba Tơ, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa từ Quảng Ngãi lên chuyên chở theo vũ khí, lương thực, thực phẩm dồn về như chuẩn bị cho trận đánh lớn vào thị xã Kon Tum.
Các loại pháo hạng nặng có tầm bắn xa và sức công phá lớn (trong đó phần lớn là pháo 130mm giả, còn lại là súng cối 120mm) cũng được chuyển tới các vị trí, có lúc lại di chuyển tới lui y như chiến trường Điện Biên Phủ thời chống Pháp.
Cùng thời gian trên, một số xe tăng, xe xích kéo pháo, xe vận tải được tổ chức cơ động liên tục suốt ngày đêm quanh phòng tuyến. Hai bến phà gỗ được triển khai tại cầu Diên Bình và sông Đăk Bla. Sư đoàn 10 để lại một lực lượng nhỏ liên tục dùng súng cối bắn phá thị xã Kon Tum và đào nhiều hầm hào trong tuyến phòng ngự.
Khi lực lượng chủ lực của Sư đoàn 10 di chuyển về quanh Buôn Ma Thuột, hệ thống điện đài của đơn vị vẫn giữ nguyên vị trí và liên tục phát đi các bức điện giả, báo cáo giả, mệnh lệnh giả với tần suất ngày càng cao.
Sư đoàn 968 từ Lào về lần lượt thay thế vẫn sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến điện đã có tại địa bàn. Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên cũng để lại và duy trì hoạt động của các bộ máy điện đài 15W tại nơi cũ.
Lực lượng an ninh giải phóng tỉnh Kon Tum còn cho người vào tìm “người thân" trong khu vực tạm bị chiếm, phao tin Quân giải phóng sắp đánh lớn vào thị xã Kon Tum.
Dân chúng các xã vùng giải phóng còn làm nhiều cờ, hoa, biểu ngữ với nội dung chào mừng Kon Tum được giải phóng. Việc nghi binh trên địa bàn xã Ngọc Réo được cũng như các địa bàn khác ở Bắc Tây Nguyên giữ bí mật và thành công đến mức tuyệt đối.
Ngày 4/3/1975, sau một loạt các hoạt động nghi binh, thu hút quân đội Sài Gòn lên hướng Pleiku, Kon Tum, chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn bằng đợt tác chiến tạo thế khiến Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị cô lập. Những đòn tiến công của quân giải phóng Mặt trận Tây Nguyên đã kéo được phần lớn lực lượng địch về hướng Kon Tum - Pleiku.
Ngày 9/3/1975, quân ta tổ chức tiến công tiêu diệt địch ở Đức Lập, nhằm thu hút thêm sự chú ý của quân đội Sài Gòn về hướng này.
Sáng 10/3/1975, quân ta mở màn trận tiến công Buôn Ma Thuột, đến chiều cùng ngày, ta chiếm được phần lớn thị xã. Lúc này, chính quyền Sài Gòn mới biết rõ Buôn Ma Thuột là hướng tiến công chủ yếu của ta.
Sáng 11/3, quân ta từ các hướng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại, giành quyền làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.
Từ ngày 15/3, sau hai trận thua lớn ở Buôn Ma Thuột, chính quyền Sài Gòn quyết định rút bỏ Kon Tum, Pleiku. Tỉnh Kon Tum hoàn toàn giải phóng ngày 16/3/1975.
Nói về cuộc đời mình, ông U Nhiêu rất tự hào. Ông là người dân tộc Sê Đrah (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), sinh năm 1940 tại xã Ngọc Réo trong một gia đình là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, 14 tuổi đã tham gia du kích địa phương, sau đó nhập ngũ trở thành bộ đội trực tiếp chiến đấu hàng trăm trận cùng các đơn vị như Tiểu đoàn 304 bộ đội địa phương, Sư đoàn 10, Quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia với nhiều thành tích xuất sắc.
Từ một đứa trẻ mù chữ, ông được cán bộ cách mạng giác ngộ, được học văn hóa, bồi dưỡng chính trị, năm 1968 được kết nạp Đảng, lần lượt giữ các cương vị chỉ huy cho đến ngày về hưu.
Năm 2007, với cấp bậc Đại tá, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum; đến cuối năm 2017, mới bàn giao công việc về với đời thường.
Mặc dù có quá trình chiến đấu oanh liệt, có nhiều đóng góp với hàng chục tấm huân chương các loại, ông vẫn khiêm tốn, giản dị, nói lời hay, làm việc tốt, được đồng chí, đồng bào, đặc biệt là ở nơi cư trú (tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) và xã Ngọc Réo, quê hương ông.
Lê Văn Thiềng