Người ở lại Măng Đen

03/03/2018 07:00

Măng Đen với rừng thông bạt ngàn, vi vu gió lộng. Thông bây giờ đã bạt ngàn phủ xanh miền đất lạnh làm Măng Đen đẹp như mơ. Để có rừng thông như hôm nay, vài chục năm trước những người công nhân đã dày công vun trồng…

 

Ký ức không quên

Tôi tình cờ gặp Nguyễn Thị Trang tại Măng Đen và cũng tình cờ biết được Trang là thế hệ thứ 2 của những người công nhân mấy chục năm trước đã có công lớn để Măng Đen có rừng thông bạt ngàn như hiện nay gắn bó với Măng Đen. Nhiều lần chúng tôi hẹn gặp Trang và bố mẹ Trang cùng những người trồng thông năm ấy, nhưng cũng vài lần chúng tôi mới gặp được họ.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Nguyễn Văn Bằng (bố Trang). Theo lời kể, năm 1986, sau khi rời quân ngũ, ông Nguyễn Văn Bằng (54 tuổi) vào đất Măng Đen, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) làm công nhân trồng thông (thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Kon Hà Nừng). Cùng với ông Bằng còn có vài chục công nhân khác, tuổi đời khoảng hơn 20, chủ yếu là người ở Hà Tĩnh.

"Hơn 90% là người Hà Tĩnh, còn lại là đồng bào dân tộc tại chỗ. Đời sống vô cùng khó khăn: đường đi là những lối mòn giữa rừng già, cái lạnh như cắt da thịt, sốt rét kinh hoàng; đó là chưa kể rắn hổ mang và các loài thú rừng như voi, cọp, gấu, heo rừng…” - ông Bằng nhớ lại.

Trong các "đặc sản" rừng, ngán nhất là 3 loại, nay đã thành câu: ruồi vàng, bọ chó, vắt kim cương. Nghe ông Bằng kể về "vắt kim cương" mà nổi da gà. Ngày ấy là vào mùa mưa, đi vào rừng về, lật lai quần ra thấy vắt bám vào ống chân lóng lánh như kim cương. Chỉ có dùng dao gạt xuống chứ không thể nào bắt từng con. Sau mỗi lần ấy, ống chân ai cũng để lại 5 đến 10 vết thâm đen không cách gì phai được.

Ở là vậy, còn ăn thì chủ yếu rau rừng tại chỗ với cá khô. Thế nhưng khi đó sản vật rừng nhiều vô kể, đáng nói nhất là măng rừng mọc san sát. Đến mùa, voi rừng quay về ăn măng là chuyện thường ngày. Có lần, bà Đào Thị Hương (50 tuổi) theo người Mơ Nâm ở đây đi bẻ măng. Đến khu rừng nọ, thấy cọp nên nấp trong bụi, khi cọp đi vào rừng mới dám chui ra, xui lại gặp tiếp đàn voi. Sợ run cả người, đến gần tối mới dám mò ra tìm về lán trại.

Măng Đen với rừng thông bạt ngàn. Ảnh: A.P

 

Chính cái khắc nghiệt của núi rừng Măng Đen ngày ấy làm 30 người bỏ xứ tìm về quê; khoảng 5-7 người chết tại chỗ, đồng đội tìm nơi chôn cất. "Mãi hàng chục năm sau, khi đời sống khá giả mới đưa được họ về quê"- ông Bằng nhớ lại.

Gian khổ là vậy nhưng hàng chục con người vẫn bám lại đất này và đã trồng hơn 4.000ha rừng thông. Anh lái xe ủi Nguyễn Văn Bằng tài hoa đã lọt vào mắt cô gái Hà Tĩnh xinh xắn Đào Thị Hương và họ đã nên vợ chồng đến giờ vẫn gắn bó với Măng Đen.

Ai nhớ người trồng cây?

Chúng tôi theo con đường mòn về trang trại hơn 5ha của gia đình ông Bằng và bà Hương. Trại bạt ngàn hoa cỏ, có 3ha cà phê, hàng trăm gốc cam sành. Trong chuồng, ông Bằng nuôi 40 con bò để lấy phân bón cho cây trồng, không phải mua. Cuộc sống yên bình, ông lại quay sang giúp cho khoảng 20 người Mơ Nâm tại chỗ có việc làm quanh năm. Nhìn vào trang trại cũng đoán chủ nhân có tâm hồn nghệ sĩ, bởi nhiều loài hoa đang mùa khoe sắc.

Chuyện cái nghèo ngày xưa của hai vợ chồng đã là quá khứ. Cười ra nước mắt, ông Bằng nói, giờ dù có của ăn của để nhưng không quên xưa: ngày đó, chỉ có một cái quần đẹp nên khi có đám giỗ, đám cưới, chỉ có một người được đi. Giờ nói lại, chẳng mấy người tin nữa.

Nói đoạn ông Bằng thở dài, như vợ chồng ông là may mắn, còn vợ chồng bà Phạm Thị Hoa, ở Can Lộc, Hà Tĩnh thì kém hơn. Ông Trần Quốc Dũng (cũng là công nhân trồng thông ngày xưa), bệnh mà qua đời, để lại cho bà 5 đứa con. Khi các con lớn, bà Hoa phải làm thuê nuôi cháu ngoại 8 tuổi.

Chiều hôm ấy gặp bà Hoa, nét buồn lại in trên gương mặt. Bà nói mình bất hạnh, nhưng chưa có ai giúp gì. Những đồng đội trồng thông ngày xưa, giờ còn lại mấy người ở Măng Đen, dù có gặp, có tâm tình nhưng riêng tư của mình không dám thổ lộ. Ngày tháng bà Hoa cứ âm thầm sống và bà nói rằng, tuổi thanh xuân đẹp nhất ở đây nên bà cũng muốn ở lại cả đời này với Măng Đen.

Tình người nhạc sĩ

Vào cuối năm 1988, lán trại của công nhân trồng thông rộn ràng khi đoàn nhà báo, nhạc sĩ đến đây thăm, cùng ăn cùng ở với công nhân.

Trong đoàn nghệ sĩ ấy có nhạc sĩ Ngọc Tường. Ông đã đi nhiều nơi, thấy nhiều gian khó, nhưng chưa thấy nơi nào trong hòa bình mà thấy nhiều chàng trai, cô gái từ giã quê nhà còn rất trẻ đi vào vùng đất Bắc Tây Nguyên để trồng thông, lập nghiệp.

Cái ăn, cái ở gian khổ nhưng lạc quan, đầy tiếng cười của họ đã làm ông xúc động. Hơn cả chính là sự âm thầm đổ mồ hôi xuống để rừng vươn dậy, nguyện làm lá phổi xanh cho muôn loài. Ban ngày phần ai nấy làm, còn đêm về, giữa nghệ sĩ và công nhân ở đây như một, cùng sinh hoạt, đốt lửa trại xua tan giá lạnh, rồi ca hát, tâm sự, kể nhau nghe khi lạc bước đến chốn này.

Xúc động trước những tấm lòng người Hà Tĩnh, nhạc sĩ Ngọc Tường trăn trở rồi sáng tác ca khúc "Tình ca Măng Đen" da diết.

Đã hơn 30 năm bản nhạc ra đời, nhưng với công nhân trồng thông, với nhạc sĩ như chỉ mới ngày hôm qua. Bài hát này viết về công nhân ở đây như lời tâm tình, chia sẻ nhiều nhất với người trồng thông ở Măng Đen ngày ấy.

Theo nhạc sĩ Ngọc Tường, vì đa số là người Hà Tĩnh, nên ca khúc ông cũng viết theo như âm điệu tâm tình Hà Tĩnh: "Em lên với Măng Đen nơi lắm mưa nhiều gió; mang theo nắng đồng bằng Nghệ Tĩnh ở trong tim..".

Mới đây khi trở lại xứ Măng Đen, gặp lại những công nhân ngày xưa, nhạc sĩ Ngọc Tường vô cùng xúc động. Khi gặp Nguyễn Thị Trang và biết cô gái này sinh ra cùng năm với bài hát và là con của ông Bằng bà Hương, nhạc sĩ như trẻ lại với năm tháng cũ và ông say sưa hát.

Khi biết ông Bằng và bà Hương dù có điều kiện sống khá hơn, có thể lập nghiệp ở xứ khác nhưng vẫn không chịu rời Măng Đen, nhạc sĩ Ngọc Tường như càng thấm thía hơn tình đất tình người nơi đây…

Dù hiện nay, ít ai nhớ, biết về những người công nhân trồng thông năm xưa; nhưng với họ, họ luôn tự hào là mình đã góp phần cho Măng Đen đẹp với ngàn thông vi vu. Và họ cũng vui hơn khi Măng Đen đang được xây dựng trở thành khu du lịch sinh thái quốc gia hấp dẫn trong khu vực Tây Nguyên và của cả nước…

Anh Phương

Chuyên mục khác