27/10/2020 13:02
Ít ai nghĩ rằng, giữa vùng đất Sa Nhơn cằn cỗi lại có một “miệt vườn” với đủ loại cây trái đang được chăm sóc theo phương thức hữu cơ. Vừa dẫn tôi đi tham quan, ông chủ khu vườn Bùi Xuân Thiện vừa kể: Trước đây, khu đất 4ha này được gia đình trồng cao su, sau thời gian dài khai thác, cây ngày càng già cỗi, năng suất mủ ít đi mà giá bán lại thấp nên tôi quyết định chuyển hướng đi mới.
“Nhiều lần xem trên ti vi, tôi thấy ở miền Tây có nhiều vườn cây ăn quả đẹp quá, ở địa phương cũng ít người phát triển mô hình cây ăn quả sạch nên đã bàn bạc với gia đình và “làm liều” một phen” - anh Thiện hồi tưởng lại những ngày đầu manh nha ý tưởng.
Nói là “làm liều” bởi khi ấy gia đình, hàng xóm đều khuyên can anh hãy tiếp tục trồng lại cao su, vì chưa biết được khí hậu và thổ nhưỡng ở đây có phù hợp với cây ăn quả hay không mà anh dám dùng 4ha đất - một diện tích không hề nhỏ để đi theo hướng đi mới mẻ theo họ là “đầy mông lung”.
|
Nhưng với sự tìm hiểu, tính toán kỹ lưỡng và quyết tâm của mình, sau khi chặt bỏ cao su, anh Thiện bắt đầu thực hiện quá trình cải tạo đất. “Đất này trước trồng cao su nên hết chất dinh dưỡng rồi, muốn trồng cây ăn quả mà không cải tạo lại thì lấy đâu ra quả. Tôi phải mất hơn 3 tháng để nghiên cứu, tìm hiểu cách cải tạo đất, chẳng nhớ nổi mình đã mua bao nhiêu bao trấu ủ vi sinh, các loại thuốc, men sinh học để xử lý đất trước khi trồng nữa” - anh tâm sự.
Khi đất đã đủ độ phì, anh lặn lội xuống các tỉnh miền Tây, sang Đăk Lăk để mua giống và học hỏi các kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây non. Cây đầu tiên anh chọn là sầu riêng, sau đó đến cam, quýt, bưởi. Trên 4ha, anh Thiện trồng 400 cây sầu riêng, 50 cây quýt, 100 cây cam và 50 cây bưởi. Để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt trong mùa khô và tiết kiệm chi phí thuê công nhân, anh Thiện lắp đặt hệ thống tưới tự động, có thể pha phân bón khi cần thiết.
Anh Thiện kể lại: Trước khi trồng tôi nghĩ sẽ tốn nhiều chi phí hơn trồng cao su, nhưng từ lúc cải tạo đến khi xuống giống, đầu tư hết 150 triệu đồng. Sau thời gian kiên trì, những chồi non cứ thế vươn lên, xòe tán phủ kín cả khu đất.
Với việc đặt tiêu chí “sạch” lên hàng đầu, anh Thiện luôn tuân thủ các quy trình bón phân và phòng ngừa sâu bệnh. Anh chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và phân chuồng ủ hoai, bón 3 lần/năm. Đối với phân hữu cơ anh bón trực tiếp vào gốc; phân chuồng đã qua xử lý anh bón vào rãnh, hố được đào giữa các hàng cây.
|
Bên cạnh đó, anh chỉ dùng các sản phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thiên địch để tiêu diệt các loại côn trùng. Theo anh Thiện, những năm đầu khi trồng cây ăn trái cần theo dõi, để ý vì đây là khoảng thời gian cây chưa thực sự thích nghi với môi trường khí hậu và thổ nhưỡng nên còn rất yếu, dễ mắc bệnh. Đến khi cây đã thích nghi, người trồng có thể nới giãn thời gian thăm vườn vì giai đoạn này cây khỏe và phát triển rất nhanh.
Nếu cao su phải trên 7 năm tuổi mới có thể khai thác được, thì cây ăn quả chỉ 4 năm đã cho thu bói. Đây là năm đầu tiên vườn cây gia đình anh Thiện cho thu hoạch nhưng năng suất đã ngoài sự mong đợi của gia đình.
“Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật và theo phương thức hữu cơ, tuy là thu bói nhưng có nhiều cây trái sum suê, nặng trĩu, vít cành xuống tận đất, tôi phải dùng cây chống để không gãy cành. Từ đầu năm đến nay, ngoài sầu riêng gia đình còn thu hoạch thêm bưởi, quýt, tổng thu nhập gần 100 triệu đồng” - anh Thiện phấn khởi kể.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ người thân quen mà nhiều thương lái, các cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã tìm đến để đặt mua, ngắm cảnh, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn. Có lẽ đó là lý do để anh Thiện thêm tự tin về mô hình “liều lĩnh” của mình: “Trồng cây ăn quả hữu cơ rất có lợi, không lo về đầu ra, chi phí đầu tư cũng không cao hơn bao nhiêu so với trồng cao su, cà phê. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cho những người có ý định trồng cây ăn quả hữu cơ.”
Nhận xét về mô hình của anh Thiện, ông Lại Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn cho hay: Từ trước đến nay, trên địa bàn chủ yếu trồng cao su. Vườn cây ăn quả hữu cơ của anh Thiện là hướng đi mới, nhiều tiềm năng, cho thấy Sa Nhơn có thể phát triển các loại cây khác đem lại hiệu quả; ngoài ra còn góp phần tạo nên sự đa dạng cây trồng ở địa phương. Chính quyền địa phương luôn vận động và tạo điều kiện để người nông dân phát triển các loại cây trồng theo phương thức hữu cơ.
Thanh Tùng