Người Mường ở Ngọc Hồi mừng Tết Độc lập

30/08/2023 13:03

Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, bà con dân tộc Mường ở thôn Bắc Phong (xã Pờ Y) lại mổ gà, heo làm cỗ ăn mừng, kỷ niệm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập- khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Việc làm mang tính truyền thống này đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường ở thôn Bắc Phong.

Ông Xa Văn Khoa - Bí thư Chi bộ thôn Bắc Phong cho biết: Toàn thôn có 316 hộ, trong đó có trên 300 hộ là người dân tộc Mường. Theo truyền thống của người Mường, ngày Quốc khánh 2/9 là dịp người dân trong thôn tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa, ăn uống, vui chơi cộng đồng. Vào dịp này, hầu như nhà nào cũng làm mâm cỗ để tưởng nhớ cha ông và đây cũng là thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, bởi vậy người dân háo hức đón chờ Tết Độc lập của dân tộc.

“Ngày Tết Độc lập, người lớn trong thôn tất bật, lo toan chuẩn bị mọi thứ để làm mâm cỗ được đủ đầy, ấm cúng bên người thân. Còn đối với các cháu nhỏ cũng háo hức đón chờ ngày Quốc khánh không chỉ vì được đi chơi thăm hỏi họ hàng, được ăn các món ngon, nghe ông bà nói chuyện ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc mà còn được bố mẹ sắm cho bộ quần áo, giày dép mới, sách vở để chuẩn bị bước vào năm học mới. Những năm trước đây, mừng Tết Độc lập, bà con trong thôn còn góp tiền mua trâu về giết mổ, ăn uống, chơi trò chơi, múa hát đến tận khuya. Năm nay thôn không tổ chức làm trâu, làm bò nhưng các gia đình đều tự làm gà, mổ heo để ăn mừng Tết Độc lập”- ông Xa Văn Khoa cho biết thêm.

Người Mường ở Ngọc Hồi luôn gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Ảnh: ĐV

 

Cũng như thôn Bắc Phong, thôn Thung Nai (xã Đăk Xú) có đông người Mường sinh sống. Cứ mỗi dịp Quốc khánh đến gần là không khí luôn rộn rã, vui tươi trong mỗi gia đình. Con đường liên thôn từ trung tâm UBND xã Đăk Xú dẫn vào thôn Thung Nai dài khoảng 4 km đã được người dân treo cờ hoa; băng rôn khẩu hiệu chào mừng Ngày Quốc khánh được giăng ở ngay Cổng chào của thôn và trước nhà văn hóa rất trang trọng. Đã thành thông lệ đẹp, vào những ngày cận kề 2/9, người dân ở thôn Thung Nai lại nô nức chuẩn bị đón Tết Độc lập.

Đi dọc khắp các con đường xung quanh thôn Thung Nai, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng vàng của “những ngày mùa Thu lịch sử”, trong mỗi chúng tôi rạo rực niềm xúc động và tự hào, vì đã được chứng kiến một cái Tết Độc lập đậm bản sắc văn hóa Mường ở nơi ngã ba biên giới.

Ông Bùi Văn Tuyên - Trưởng thôn Thung Nai cho biết: Hằng năm, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, thôn Thung Nai chúng tôi lại cùng bà con các dân tộc anh em khác trong xã Đăk Xú tổ chức các hoạt động giao lưu đón Tết Độc lập của dân tộc. Đây là nét đẹp văn hóa “bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn Bác Hồ, ơn Đảng và Nhà nước” cần được giữ gìn, phát huy trong cộng đồng nhằm giáo dục các thế hệ trẻ tiếp nối tình yêu quê hương và có trách nhiệm dựng xây đất nước.

 Người dân ở đây ý thức về ngày Tết Độc lập rất cao, dù gia đình khá giả hay khó khăn nhưng cứ vào dịp này thì các gia đình đều tự giác quét dọn nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ và treo cờ đỏ sao vàng trước nhà như để nhắc nhở với chính mình ngày Tết Độc lập đang tới gần. Thông qua các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao nhân dịp Quốc khánh (2/9), không chỉ đời sống tinh thần của bà con nơi đây được nâng lên mà còn gắn chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc với nhau.

“Cũng như mọi năm, Tết Độc lập năm nay, sau khi kết thúc thi đấu thể thao, các gia đình trong thôn đều bày biện mâm cỗ sung túc với rượu, thịt, cá suối, gà đồi, xôi ngũ sắc để anh em trong gia đình gặp mặt, quây quần bên nhau để bàn chuyện làm ăn cho gia đình. Với người Mường, đây là cái Tết thứ 2, lớn chỉ sau Tết Nguyên đán cổ truyền. Vì vậy việc bày biện mâm cỗ thịnh soạn cũng là dịp để con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc quây quần, sum họp bên nhau cùng mừng vui ăn Tết Độc lập và chúc nhau tốt lành”- ông Bùi Văn Tuyên tâm sự.

Không chỉ ở thôn Bắc Phong, thôn Thung Nai, mà còn rất nhiều thôn, làng khác trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có đông người Mường sinh sống, Ngày Quốc khánh (2/9) được xem là ngày Tết của dân tộc mình. Bên cạnh ngày Tết cổ truyền của dân tộc thì họ có thêm một cái Tết Độc lập đậm đà bản sắc văn hóa, náo nức vui tươi đúng như không khí Tết. Những năm qua, người Mường ở Ngọc Hồi không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn tạo nên những nét đẹp độc đáo về văn hóa đa màu sắc nơi ngã ba biên giới.                            

Đắc Vinh

Chuyên mục khác