Người lao động cùng doanh nghiệp vượt khó

01/05/2020 06:08

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực cầm cự sản xuất. Trong “khó chồng khó”, công nhân, người lao động vẫn tập trung thi đua lao động, sản xuất. Họ tin rằng, với sự đồng hành của người lao động, doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn.

Xí nghiệp May Kon Tum (thuộc Tổng Công ty May Nhà Bè) có 666 nhân viên, công nhân làm việc tại 12 chuyền sản xuất. Trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xí nghiệp thực hiện chuyển đổi một phần sang sản xuất khẩu trang (giá trị sản phẩm không cao bằng các sản phẩm thông thường). Cùng với đó, lượng hàng ít, giảm số ngày làm việc, giá trị tổng thể của xí nghiệp giảm khoảng 35%. Doanh thu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, thu nhập của công nhân, thế nhưng, công nhân vẫn nỗ lực bám trụ, đồng hành với xí nghiệp.

Tại các chuyền, không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương. Toàn bộ người lao động đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách an toàn, mỗi người một việc, miệt mài làm việc để đảm bảo lượng hàng.

Chị Trịnh Thị Viết, công nhân chuyền 12, có 19 năm gắn bó với xí nghiệp. Thời điểm cả nước cùng phòng chống dịch bệnh Covid-19, lượng hàng ít hơn so với ngày thường, lương từ 7 triệu chỉ còn khoảng 5 triệu, tuy nhiên, chị vẫn tích cực đi làm, không nghỉ ngày nào.

Công nhân Xí nghiệp May Kon Tum nỗ lực thi đua sản xuất, cùng xí nghiệp vượt khó. Ảnh: HT

 

“Mặc dù mức lương giảm từ 20%-30%, nhưng chúng tôi vẫn may mắn có việc làm và có thu nhập. Xí nghiệp là ngôi nhà chung của tôi 19 năm nay, bây giờ, khi xí nghiệp gặp khó, tôi tự dặn lòng phải có trách nhiệm chung tay cùng vượt khó” – chị Viết chia sẻ.

Đơn hàng ít, công nhân không được tăng ca và phải nghỉ làm vào ngày thứ Bảy, thu nhập giảm nhưng ai cũng vui vì doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động.

Cũng như chị Viết, lương của chị Y Dãi làm việc tại chuyền 8 cũng bị giảm từ 1-2 triệu đồng so với những tháng trước. Tuy nhiên, chị vẫn vui vẻ làm việc. Chị Dãi bày tỏ: “Sản phẩm ít, lương giảm nhưng chưa bao giờ mình có ý định “nhảy việc”. Chúng tôi cố gắng làm tốt công việc, hoàn thành các đơn hàng được giao để cùng với xí nghiệp sớm vượt khó”.

Trong những ngày dịch bệnh trên cả nước diễn biến phức tạp, công nhân, người lao động không tránh khỏi hoang mang. Tuy nhiên, được sự động viên của xí nghiệp, được trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn và đo thân nhiệt hàng ngày, công nhân trong xí nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định về phòng ngừa dịch và yên tâm làm việc.

Ông Huỳnh Xuân Lộc – Giám đốc Xí nghiệp May Kon Tum bày tỏ niềm vui mừng khi thấy công nhân ai cũng nỗ lực làm việc. Ông cho biết, trước đây khi nước ta chưa xảy ra dịch, 1 ngày thường có khoảng 15-17 người nghỉ làm việc. Thế nhưng, từ tháng 2 đến nay, công nhân đi làm rất chuyên cần, một ngày chỉ có khoảng 5-6 người nghỉ.

“Chúng tôi rất vui mừng vì công nhân đồng hành, đặt niềm tin cao vào công ty. Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để đảm bảo quyền lợi chính đáng, đảm bảo thu nhập, mức sống, không phụ niềm tin của công nhân” – ông Lộc chia sẻ.

Lương giảm 20-30%, tuy nhiên công nhân vẫn bám trụ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: HT

 

Dù sản phẩm tồn kho, khiến doanh thu giảm một nửa so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, 3 tháng nay, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Kon Tum vẫn duy trì hoạt động. 51 cán bộ, nhân viên, công nhân tại công ty vẫn tích cực làm việc.

Công việc ít, có bộ phận, một tháng công nhân chỉ có khoảng 10 ngày làm việc, tuy vậy, công nhân vẫn không nản, luôn đồng hành với doanh nghiệp. Như chị Ngô Thị Thanh Thủy, tháng 2 chị chỉ nhận được 500 ngàn đồng tiền lương nhưng chị vẫn vui vẻ làm việc.

“Sản phẩm không xuất được, hàng hóa ít, mình phải chấp nhận. Lương thấp cũng ảnh hưởng đến đời sống của gia đình. Tuy vậy, mình vẫn cố gắng làm, hy vọng doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn, đi vào hoạt động bình thường” – chị Thủy bày tỏ.

Ngoài bộ phận làm việc trực tiếp, khoảng 15 nhân viên hành chính tại công ty cũng sẵn sàng nhận 50% lương để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. “Lúc mình khó khăn, doanh nghiệp là điểm tựa. Và bây giờ, khi doanh nghiệp gặp khó, bản thân mình sẵn sàng chia sẻ. Giảm nửa lương, đời sống sẽ khó khăn hơn nhưng chi tiêu tằn tiện, mọi việc sẽ ổn” – chị Mạc Thị Thanh Chương, Quản lý xưởng chia sẻ.

Chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, người lao động còn gắn kết, thấu hiểu với doanh nghiệp trong lúc khó chồng khó. Đây cũng là nền tảng tạo mối quan hệ lao động tốt đẹp. Hy vọng, với sự đồng hành của người lao động, các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất ổn định.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác