Người Kon Tum và thú chơi hoa hồng ngoại

08/02/2019 13:13

Những năm gần đây, thú chơi hồng ngoại đã và đang cuốn hút nhiều người dân Kon Tum. Để tìm hiểu thêm về đặc tính của loài hoa này, tôi đã tìm đến vài địa điểm chuyên trồng và buôn bán loài hoa này trên địa bàn tỉnh.

Đến thăm vườn hồng của chị Nguyễn Thị Xuân Na (23 Thi Sách, thành phố Kon Tum) do một người quen giới thiệu, tôi bị thu hút ngay bởi mùi hương dịu nhẹ của những cành hoa hồng đủ sắc màu: trắng, đỏ, hồng, tím,…

Khu vườn không rộng lắm, chỉ chừng 200m2, nhưng được chị Na trồng đủ các giống hồng ngoại như hồng bụi, hồng cây, hồng leo...

Ra sau khu vườn, tôi gặp chị Na đang tỉ mỉ chăm sóc cho một bụi hoa hồng Aoi (loại hồng tím của Nhật Bản) ở góc vườn. Nhận ra sự có mặt của tôi (đã hẹn gặp trước qua điện thoại), chị Na vui vẻ nói: Em thấy đấy, cái nghề này, “nghịch” cây, “nghịch” hoa, “nghịch” đất nên tốn thời gian lắm, nhiều khi quá trưa lúc nào cũng chẳng biết.

Chị Na cho biết, trong khu vườn này có gần 200 giống hoa hồng đang phát triển tươi tốt, tất cả đều do bàn tay chị chăm sóc, trong đó đa số là hồng ngoại, chỉ có ít hồng nội.

Nói về cái duyên gắn bó với nghề, chị Na chia sẻ: Ban đầu chị chưa có đam mê. Sau nhiều lần lướt facebook, thấy một số trang web nước ngoài đăng hình hoa hồng ngoại rất đẹp, ngắm nhiều lần rồi mê mẩn lúc nào không biết.

Chị Na chăm sóc vườn hoa hồng ngoại của mình

 

Cách đây 4 năm, chị Na bắt đầu trồng thử giống hồng ngoại. Trước đây, khi thú chơi hồng ngoại chưa thịnh hành ở Việt Nam, giá cây giống được chị nhập từ Thái Lan và Trung Quốc khá cao (một cây con khoảng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy loại). Giá cây giống cao như vậy nhưng không phải cứ trồng là được, mà có cây giống sau khi nhập về trồng không hợp khí hậu hoặc chăm sóc không đúng cách cũng không thể cho hoa.

Loại hoa hồng ngoại đầu tiên chị Na tự trồng được là Spirit of Freedom (một giống hồng leo được lai tạo). Trong những ngày đầu trồng hoa, do thiếu kinh nghiệm nên chị cũng nhiều lần thất bại. Việc chăm bón hoa đòi hỏi khá khắt khe về kỹ thuật; nếu bón phân, làm đất sai quy trình cây sẽ chậm lớn, hoa không đẹp. Bởi vậy, chị Na luôn luôn dành thời gian nghiên cứu về kỹ thuật chăm sóc cho loài hoa này, đặc biệt, chị đã tham gia các câu lạc bộ trồng hoa hồng ngoại trên mạng xã hội, cũng như học hỏi qua thực tiễn. Sau gần 3 năm tích lũy kinh nghiệm, chị Na quyết định đầu tư trồng hoa hồng ngoại trên mảnh vườn của mình, vừa tạo thu nhập, vừa được sống với đam mê.

Khi được hỏi về thu nhập từ nghề trồng hoa hồng ngoại, chị Na xin không tiết lộ, nhưng theo chị thì cũng đủ để 3 mẹ con trang trải cuộc sống thường ngày.

Theo chia sẻ của chị Na, muốn trồng hoa hồng ngoại tốt, thì đất phải giữ ẩm và thoát nước tốt; khi tưới xong, nước phải rút hết, bởi cây hoa hồng không chịu úng được. Quan trọng nữa là khâu làm đất, đất phải tươi xốp, giàu giá trị dinh dưỡng, bởi cây hồng ngoại ra hoa quanh năm, nên cần lấy nhiều dinh dưỡng từ đất. Và trồng hoa hồng ngoại hay mắc phải các bệnh thường gặp như nấm, bọ trĩ, nhện đỏ nên phải chịu khó phòng bệnh cho cây bằng những loại thuốc sinh học hoặc có thể giã tỏi, ớt, gừng pha với nước để xịt.

Kinh nghiệm nữa là đối với việc trồng hồng ngoại, người trồng phải phân biệt cây nguyên bản và cây ghép, cây dâm cành, cây chiết; phải nhận biết cây nào đã sử dụng phân bón hóa học và cây nào được chăm bón bằng phân hữu cơ để có cách chăm sóc phù hợp. Phương pháp trồng theo hướng hữu cơ sẽ sử dụng phân chuồng, phân cá, không sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu để phòng bệnh, bởi sẽ ảnh hưởng đến cây hoa.

Hiện tại, không chỉ nhập, bán và chăm sóc hoa hồng ngoại, chị Na còn tự nhân giống cây hoa với các phương pháp chiết, ghép, dâm cây trong vườn mình để không phụ thuộc nhiều vào việc nhập giống cây trồng từ nước ngoài.

Khi đã nắm được các kỹ thuật cơ bản về trồng hoa hồng ngoại, chị Na đã tự mình lập “Hội yêu hoa hồng Kon Tum” trên Facebook, giúp cộng đồng mạng cùng nhau chia sẻ các kỹ thuật chăm sóc, trồng hoa hồng. Hiện tại, trong hội có khoảng trên 100 người tham gia, chủ yếu là những người trồng hoa hồng ở Kon Tum.

Cũng như chị Na, chị Nguyễn Thị Hồng Chiêm (thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) cũng là người có niềm đam mê mãnh liệt với hoa hồng ngoại. Từ sở thích trồng hoa hồng ngoại của mình, chị đã mở thêm 1 nghề tay trái là chăm sóc và bán hồng ngoại, trước mắt không phải vì mục đích kiếm tiền mà để sưu tầm chủng loại.

Chị Chiêm chia sẻ: Lần đầu nhìn thấy giống hồng ngoại mình đã thích. Ngày đầu quyết định chơi hoa hồng ngoại, mình đi “săn” khắp nơi để tìm loại Tera cá hồi (một loại hoa hồng có nguồn gốc từ Hà Lan). Sau đó, mình trồng thêm nhiều loại nữa. Ai có nhu cầu mình cũng bán để có thêm thu nhập.

Hiện tại, vườn hồng của chị Chiêm có rất nhiều loại hoa hồng ngoại khác nhau như: Cổ Trung Quốc, ulibe, the prince, double delight, claude monet, vinasong...

Gần đây, phong trào chơi hoa hồng ngoại “nổi” lên nên chị Chiêm chịu khó tìm kiếm, lựa chọn những nguồn giống nhập chất lượng, phí vận chuyển thấp để giúp mọi người thỏa niềm đam mê của mình...

Không chỉ trên địa bàn tỉnh, những người chơi hoa hồng ngoại ở Kon Tum còn tìm đến những địa điểm ngoại tỉnh để sưu tầm các giống hồng ngoại mới, lạ. Một trong những địa điểm mà nhiều người dân đam mê hồng ngoại ở Kon Tum tìm đến là vườn hồng ngoại của ông Trần Ngọc Khuê (370 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Vườn hồng của ông Khuê hiện tại có tới 1.500 cây hồng với khoảng 200 giống hồng khác nhau, trong đó chủ yếu là hồng ngoại. Ông Khuê cho biết, khách hàng của ông ở khắp nơi, trong đó thị trường Kon Tum chiếm khoảng 30%.

Những ngày cuối năm vừa qua, cũng như các nhà vườn trồng hoa khác trên địa bàn thành phố Kon Tum, các nhà vườn trồng hoa hồng ngoại cũng rất tất bật với việc chăm sóc cho những cây hoa của vườn mình để kịp bung nụ khoe sắc đúng dịp Tết Nguyên đán.

Bài và ảnh: Tất Thành

Chuyên mục khác click to expand contents 

loading