17/07/2020 13:10
Cho dù đã bị chậm lại đến hai tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm học 2019-2020 cũng đã kết thúc trong niềm vui của các cháu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông. Hào hứng khoác ba lô lên đường, nhóm bạn trẻ của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành làm một “tour” khám phá Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen – nơi đã trở thành “thương hiệu” của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trên bản đồ du lịch Việt Nam.
“Cho dù bận rộn đến đâu, hằng năm, vợ chồng tôi cũng thu xếp cho các con được đi du lịch vào dịp hè hoặc sau Tết Nguyên đán, để các con có thời gian vui chơi, thư giãn. Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng trong nước, chúng tôi còn gợi ý cho các cháu đi thăm các điểm đến tại địa bàn tỉnh. Đó là sự trải nghiệm thú vị, được các cháu yêu thích, cũng là dịp để các cháu hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi mình được sinh ra và lớn lên”- chị Hoàng Thị Ngần, phụ huynh của em Nguyễn Hoàng Ý Nhi chia sẻ.
Nhờ sự quan tâm của các bậc cha mẹ, chuyến đi của Ý Nhi và các bạn được tổ chức chu đáo. Chỉ trong một ngày ở Măng Đen, các em đã kịp đi thăm, khám phá các điểm đến thành thương hiệu của khu du lịch sinh thái quốc gia này, như thác nước nên thơ, vườn tượng độc đáo tại điểm du lịch sinh thái thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, Đam Bri; được tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất hữu cơ tại các nhà vườn ở khu vực thôn Tu Rằng, thôn Măng Đen (thị trấn Măng Đen)… Thời gian ngắn ngủi, song điều đọng lại trong mỗi bạn trẻ là ấn tượng thật khó quên. Mong mỏi được trở lại nơi này để chứng kiến thêm những sự đổi thay là điều đã có trong cảm nhận của mỗi người.
|
Có thể nói, không phải chỉ sau dịch Covid -19, chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” mới được chú ý, nhằm khai thác tiềm năng du lịch nội địa; song gắn với yêu cầu khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh toàn cầu gây ra, thì quan tâm đặt ra vấn đề này thực sự có ý nghĩa rất quan trọng.
Kon Tum được biết đến là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Thế mạnh du lịch trên địa bàn được tạo ra từ nhiều lĩnh vực, từ du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái đến du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng…; từ thành phố Kon Tum (trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh) đến điểm nhấn Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các điểm đến tại địa bàn các huyện (Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy, Ia H’Drai…) với cả nét riêng biệt và sự tương đồng làm thành bản sắc.
Mỗi năm, hàng trăm ngàn du khách trong nước và nước ngoài đã đến Kon Tum, lưu lại nhiều kỷ niệm không quên qua những trải nghiệm thú vị. Tuy vậy, không phải ai trong số những người sống, làm việc, học tập, gắn bó với mảnh đất này cũng có điều kiện tham quan, tìm hiểu, khám phá những điểm đến độc đáo, rất được yêu thích của quê hương. Phải chăng, đã đến lúc, chương trình “Người Kon Tum đi du lịch Kon Tum” được xác định thành tiêu điểm hoạt động đối với ngành du lịch của tỉnh nhà?
Thực tế, mỗi “tour” khám phá một số điểm du lịch tại thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y hay Vườn quốc gia Chư Mom Ray… đều có thể tổ chức trong khoảng thời gian ngắn nhất là 1 ngày. Với một chuyến đôi ba ngày thì việc thỏa sức trải nghiệm là điều thật dễ dàng thành hiện thực .
|
Bước đầu, trên địa bàn tỉnh đã có 9 điểm du lịch được công nhận, gồm 5 điểm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (gồm Làng Văn hóa - Du lịch Kon Pring, hồ Đam Bri, điểm du lịch thác Pa Sỹ, điểm du lịch sinh thái Ê Ban Farm, điểm du lịch sinh thái Thiện Mỹ Farm), 3 điểm du lịch tại thành phố Kon Tum (gồm Làng Du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa; Làng Du lịch cộng đồng Kon Klor, phường Thắng Lợi; điểm du lịch của gia đình ông A Biu, xã Ngọc Bay) và 1 điểm ở làng Du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà. Còn chưa kể nhiều địa chỉ du lịch đã trở nên quen thuộc với du khách, gắn với từng vùng đất.
Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bề dày lịch sử cuốn hút, môi trường trong lành, người dân gần gũi, thân thiện, dịch vụ du lịch phù hợp… là những “điểm cộng” thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến với Kon Tum. Tuy vậy, với khách du lịch tại chỗ, các lợi thế này cho đến nay dường như chưa thực sự được phát huy.
Có thể nhận thấy, du lịch “nội địa bàn tỉnh” mới chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của từng gia đình, cá nhân và tập thể (trường, lớp, chi hội, hội…), chứ chưa thực sự tạo ra sức hút với đông đảo người dân tại chỗ. Vì vậy, gắn với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, nên chăng, cần đưa hoạt động “Người Kon Tum đi du lịch Kon Tum” thành một “khẩu hiệu hành động” thiết thực của ngành du lịch tỉnh, các doanh nghiệp, công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh du lịch, cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn.
Để làm được điều này, trước hết, cần sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các chủ thể tham gia du lịch. Mỗi điểm đến trong hành trình du lịch cần nỗ lực hết sức mình để tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn du khách nội tỉnh; không ngừng đổi mới để đem đến các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, mang “thương hiệu” riêng. Quan tâm thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu tiên kích cầu du lịch dành cho khách nội tỉnh bằng cơ chế giá cả hấp dẫn và sự phục vụ chu đáo, thân thiện. Đáng chú ý, các sự kiện văn hóa - xã hội nổi bật được thường xuyên tổ chức cũng tạo động lực thu hút người dân trong tỉnh đến với các điểm du lịch luôn cần mở rộng giới thiệu, quảng bá.
Một khi du lịch nội tỉnh được phát động và thực sự trở thành chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của mọi người, thì việc chọn lựa các tour nội tỉnh phù hợp chắc chắn sẽ không nằm ngoài ưu tiên của các cá nhân, gia đình và tập thể trước nhu cầu đi du lịch. Từ đó, tạo thành “làn sóng” đến với các điểm du lịch trên địa bàn, góp phần khơi dậy nguồn lực tiềm tàng còn ẩn chứa trong du khách nội tỉnh.
Thanh Như