Người Kiến Xương ở Ya Ly

04/04/2019 13:04

​Nằm dọc 2 bên bờ khu vực lòng hồ Thủy điện Ya Ly, có một thôn chưa đầy 50 hộ với 159 nhân khẩu di cư từ tỉnh Thái Bình vào hơn 20 năm nay. Nơi này từng một thời không đường, không điện, không trạm… đến khi cuộc sống bắt đầu ổn định thì người dân nơi đây lại thêm một lần di chuyển chỗ ở do nằm trong vùng ngập lòng hồ Ya Ly, vì vậy, cuộc sống người dân vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn. Nhưng, đó là chuyện trước kia, giờ thì cuộc sống của bà con nơi đây đã đổi thay rất nhiều.

Nơi mà chúng tôi nói đến là thôn Kiến Xương, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy), cách trung tâm huyện Sa Thầy chừng hơn 10 cây số.

Năm 1986, do đất chật, người đông nên nhiều hộ dân ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) tự nguyện vào vùng đất của xã Ya Ly theo chính sách di dân kinh tế mới để lập nghiệp và nơi họ đến ở đặt tên thôn là Kiến Xương.

Sau hơn 10 năm lập nghiệp nơi vùng đất mới, đến năm 1997, người dân thôn Kiến Xương lại một lần nữa phải tiếp tục di chuyển chỗ ở, do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly.

Nơi ở mới của người dân thôn Kiến Xương nằm bên bờ hồ Thủy điện Ya Ly. Ở đây cảnh vật sông nước hữu tình. Từ những tháng nước lên (khoảng từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch) hoặc những tháng nước xuống, mỗi sớm mai thức dậy, trước nhà của người dân thôn Kiến Xương bao giờ cũng là mặt hồ ẩn hiện trong sương mù tưởng chừng như lạc vào xứ sở của thần tiên.

Đường vào thôn Kiến Xương (xã Ya Ly). Ảnh: Đ.V

 

Nếu ai đã từng đón bình minh ở Kiến Xương thì sẽ thật khó quên tiếng gà gáy bên bờ rào làm bằng lưới đánh cá, tiếng đàn heo ủn ỉn phía sau nhà, tiếng cười nói của những người dân đi đánh bắt cá cả đêm mới về...

Ở thôn Kiến Xương hiện chỉ có 47 hộ gia đình, với 159 nhân khẩu. Nhà cửa của người dân ở đây được xây dựng sát nhau ngay trên sườn đồi và đều quay về phía mặt hồ...

Theo Trưởng thôn Bùi Đức Quang, nơi đây ngày xưa không có người ở, thay vào đó chỉ toàn là rừng rậm quanh năm mờ sương. Vì từ xa xưa thôn Kiến Xương nằm lọt thỏm giữa thung lũng. Sau này khi Nhà nước cho chủ trương đầu tư xây dựng Thủy điện Ya Ly, cả vùng thung lũng ấy trở thành lòng hồ với mênh mông nước, các hộ dân ở thôn Kiến Xương và thôn Đông Hưng (xã Ya Ly) đã phải di chuyển lên khu vực cao hơn như bây giờ để sinh sống. Tuy khác thôn, nhưng người dân ở 2 thôn Kiến Xương và Đông Hưng (đều tỉnh Thái Bình di cư vào) vẫn quan tâm đến nhau và sẵn sàng giúp nhau vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống...

Tôi ngủ lại Kiến Xương một đêm giữa tháng 2 âm lịch để sáng sớm dậy ngắm cảnh thiên nhiên mờ ảo trong làn sương. Sương sớm bao phủ mặt hồ, sương vờn bay trên bờ rào xếp bằng những lưới đánh cá, tôi có cảm giác như mình đang ở một vùng núi Tây Bắc xa xôi.

Nhịp điệu một ngày mới bắt đầu ở thôn Kiến Xương thật rộn rã, trong lúc phụ nữ gốc “quê hương 5 tấn” dậy sớm nấu cơm, mang cá ra chợ bán, đàn ông và các em nhỏ cũng tranh thủ chăm sóc đàn gia cầm. Khoảng hơn 6h sáng thì trẻ con đến trường và đàn ông cũng chuẩn bị lên nương lên rẫy.  

Do địa hình bên thì đồi dốc, bên là lòng hồ Thủy điện Ya Ly nên diện tích trồng lúa nước cả thôn chưa đầy 20ha, trong đó có đến 17,9ha là nằm trong vùng bán ngập. Nhiều năm qua bà con thôn Kiến Xương tìm cách khắc phục những khó khăn để ổn định cuộc sống. Người dân mạnh dạn đưa những giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao vào sản xuất. Tuy nhiên, giá cả của hầu hết mặt hàng nông sản như mì, cao su, cà phê, bời lời, bắp... hay lên xuống thất thường; mùa màng thường hay thất bát vì sâu bệnh, chim chóc, mưa bão nên quanh năm dù trèo đèo leo dốc, đi bộ xa hàng chục cây số để bám nương bám rẫy, nhưng cái khó cái khổ vẫn đeo bám các gia đình.

Không cam chịu cảnh thiếu đói, nhiều gia đình phải vào rừng bẻ măng, vắt mật ong, hái ươi... để cải thiện cuộc sống trước mắt. Nhiều diện tích trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước đã được người dân Kiến Xương chủ động chuyển một phần diện tích sang trồng những cây công nghiệp thích hợp để tăng thu nhập.

Bên cạnh việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi, người dân Kiến Xương còn tận dụng lợi thế lòng hồ để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Và đây cũng là nguồn thu nhập quan trọng của không ít người dân nơi đây.

Chính nhờ chịu khó, biết tính toán làm ăn nên hầu như nhà nào trong thôn Kiến Xương cũng có trâu, bò, heo, gà, vịt. Con cái nhà nào cũng thi đua học tập đến nơi đến chốn. Hiện nay, dù thôn Kiến Xương chưa phải là thôn khá giả nhất nhì huyện Sa Thầy, nhưng so với rất nhiều thôn làng khác trên địa bàn huyện thì cuộc sống ở Kiến Xương thật sự được nâng cao hơn trước rất nhiều. Cuộc sống người dân nơi đây thật bình yên, nhẹ nhàng. Người dân luôn cần cù trong lao động, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Mọi người ai cũng cố gắng chăm chỉ làm việc và có khát vọng vươn lên.

Đến với Kiến Xương hôm nay, con đường nhựa từ trung tâm huyện kéo dài đến tận lòng hồ Ya Ly được Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp. Con đường không chỉ giúp bà con giao lưu trao đổi hàng hóa thuận lợi, mà còn mở ra nhiều cơ hội đối với người dân trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đứng ở bên bờ của lòng hồ thuộc xã Ya Ly nhìn về thành phố Kon Tum thấy rất gần.

Chủ tịch UBND xã Ya Ly - Đào Xuân Hinh trao đổi với chúng tôi về niềm mong ước của mình: Nếu Nhà nước đầu tư xây dựng một cây cầu nối xã Ya Ly với xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) thì chắc chắn đời sống của người dân nơi đây sẽ phát triển hơn rất nhiều. Không chỉ rút ngắn về mặt địa lý mà xã Ya Ly có thêm nhiều thuận lợi phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Hai địa phương mặc dù chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng mỗi khi có việc người dân xuống thành phố Kon Tum hoặc đi tỉnh Gia Lai buộc phải đi vòng nên rất khó khăn...

Nhớ lại những ngày đầu vào nơi ở mới, ông Bùi Đức Quang - Trưởng thôn Kiến Xương cho biết thêm, những ngày mới vào đây lập nghiệp hầu hết người dân cơm không đủ ăn. Nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước nên không lâu sau cuộc sống của bà con cũng ổn định dần. Hộ nào thiếu đất thì được cấp đất để trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, để phục vụ đời sống của người dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, điện lưới, nhà văn hóa, sân thể thao, trường học, kênh mương thủy lợi lần lượt được xây dựng và đưa vào sử dụng. Ngày nay, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong thôn.

Hiện nay, bên cạnh việc trồng mì, cà phê, cao su, bời lời, người dân trong thôn còn đẩy mạnh chăn nuôi, làm dịch vụ, một số hộ dân đã đầu tư mở quán cà phê, karaoke... để tăng thêm thu nhập và có chỗ giải trí cho người dân.

Chính quyền xã Ya Ly phối hợp một số phòng, ban chuyên môn của huyện Sa Thầy thường xuyên vận động người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao năng suất lao động, nhờ đó, đời sống của người dân đã được nâng lên.

Hiện trong thôn Kiến Xương chỉ còn 5 hộ nghèo và không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 25 triệu đồng/năm. Giờ nhà nào trong thôn cũng có tivi, máy giặt, tủ lạnh, xe máy... Không ít hộ gia đình trong thôn đi làm đăng (nghề đánh bắt cá) ở lòng hồ Ya Ly khi mùa nước lên khoảng từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau cũng cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng...  

Sau hơn 20 năm về nơi ở mới, bằng sự quyết tâm vượt khó của những người con gốc Thái Bình cùng với sự vào cuộc giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đến nay diện mạo Kiến Xương đang từng ngày thay da đổi thịt. Những con đường đất ngày xưa giờ được làm bằng bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, tạo bộ mặt nông thôn bên bờ hồ Ya Ly ngày càng khang trang, đổi mới... 

Bảo Châu

Chuyên mục khác