Người Huế trên đất Kon Tum

06/07/2019 13:04

Vì cuộc sống mưu sinh, những người từ làng quê xứ Huế tạm rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình để cùng vào lập nghiệp trên đất Kon Tum. Họ sống quây quần, đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn giữa lòng “phố núi” và luôn giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp…

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, người Huế lên lập nghiệp ở Kon Tum khá đông. Điều khá độc đáo là khi di chuyển vào Kon Tum sinh sống, người Huế cũng mang theo những nét đẹp về phong tục, tập quán như cưới hỏi, ma chay, đình đám, hội hè, cách ăn mặc... đặc trưng của mảnh đất xứ Huế vào đây. Họ thường cúng đình, giỗ chạp theo chu kỳ nhằm thắt chặt mối tình tương thân tương ái không chỉ với những người đồng hương trên quê mới mà còn gắn bó với bà con dòng họ chốn quê nhà.

Người Huế vào Kon Tum làm nhiều nghề khác nhau, trong đó phổ biến nhất là nghề thợ mộc, thợ kim hoàn… Họ đến sinh sống và mang luôn cả hương vị ẩm thực đậm đà, đặc sắc của xứ Huế đến với “phố núi” Kon Tum như: bún bò Huế, bánh canh cá lóc Huế; bánh lọc, bánh nậm Huế...

Với bản tính ham học hỏi, cần cù, chịu thương chịu khó, từ hai bàn tay trắng, hầu hết các gia đình đều dần dần gây dựng cơ nghiệp, nuôi con học hành thành đạt góp phần dựng xây quê hương Kon Tum.

Ông Trần Lanh (79 tuổi), Hội trưởng Hội đồng hương Huế tại Kon Tum cho biết, ông từ làng Kế Võ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế vào Kon Tum lập nghiệp năm 1966. Trên vùng quê mới, ông gắn bó với nghề thợ mộc. Nghề không chỉ giúp cho gia đình ông có cuộc sống sung túc mà còn nuôi 8 đứa con khôn lớn, trưởng thành.

Không chỉ riêng gia đình ông Lanh mà các gia đình đồng hương Huế khác, khi vào Kon Tum lập nghiệp đều chí thú làm ăn và hầu hết đều trụ lại mảnh đất Tây Nguyên này đến ngày hôm nay. Mặc dù cuộc sống có phần vất vả, nhưng đa số họ vẫn luôn dành thời gian trong năm để về Huế thăm bà con họ hàng, làng quê.

Bà Huỳnh Thị Liên (80 tuổi) ở số nhà 199 - Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum) cho biết, bà vào Kon Tum năm 18 tuổi cùng với gia đình. So với Huế thì nơi đây khí hậu ôn hòa, con người cũng hiền lành, thân thiện nên gia đình bà rất mừng và không ngừng nỗ lực vươn lên trên vùng đất mới. Rời làng khi còn là một thiếu nữ xuân xanh, đến nay bà đã có con cháu đề huề, mỗi người một việc. Điều đặc biệt là dù sống xa quê hương nhưng trong gia đình bà vẫn giữ được những nét truyền thống của một gia đình người Huế.

Bao năm làm việc và sinh sống ở Kon Tum, con cháu bà Liên đến nay đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định và đều coi mình là người Kon Tum. Vào những dịp rảnh rỗi, gia đình bà Liên đều sắp xếp về Huế để thăm nhà, thăm bà con. 

Khi đời sống kinh tế xã hội được nâng cao, những thế hệ già, trung niên, những người có tinh thần gia tộc đã cùng nhau vận động, khôi phục nếp sinh hoạt cộng đồng. Mọi người liên lạc, vận động, tập hợp họ hàng quyến thuộc, đồng hương xây dựng sửa chữa đình làng, thành lập nên Hội đồng hương, Hội khuyến học…

Định kỳ hàng năm, vào ngày 16-17 tháng 2 âm lịch, tại Tổ đình Huế trên đường Lê Hồng Phong, Hội đồng hương Huế tại Kon Tum đều tổ chức ngày lễ lớn cúng tế các vị tiền hiền để cầu mong quốc thái, dân an, bày tỏ sự tri ân với các bậc tiền hiền khai cơ, hậu hiền khai khẩn. Những ngày đó được chuẩn bị rất kỹ và chu đáo, các cụ cao niên áo dài khăn đóng nghiêm trang lên cúng đình. Đặc biệt ngày cúng đình, tất cả già trẻ, lớn bé đều đến dự. Việc cúng đình nhằm hướng cho mọi người về đạo lý trọng nghĩa, trọng tình, nhớ ơn tổ tiên, tiền nhân và gắn kết con người với nhau trong cộng đồng…

Nhằm động viên con cháu học hành thành đạt, phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội, hàng năm, Hội đồng hương Huế thường tổ chức phát thưởng cho các cháu có thành tích cao trong học tập, các cháu thi đỗ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… Việc làm này vừa khuyến khích con cháu chăm lo học tập, vừa tôn vinh khích lệ các bậc cha mẹ nuôi dạy con tốt, đồng thời khơi dậy tinh thần hiếu học, cầu tiến của các cháu…

Trao phần thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập tại Tổ đình Huế. Ảnh: Vỹ Dạ

 

Trong nhiều năm qua, các thế hệ con cháu của Hội đồng hương Huế đã cùng nhau vượt khó trong học tập và rèn luyện để vươn lên trở thành những công dân hữu ích cho gia đình và xã hội. Nhiều người đã đỗ đạt hiển vinh, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Tiêu biểu có gia đình ông Trần Hùng Lập thuộc Hội đồng hương làng Kế Võ, Thừa Thiên Huế. Cả 3 người con của ông Lập đều có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 2 cháu là tiến sĩ.

Dẫu thời gian có trôi qua với biết bao khó khăn, thử thách nhưng những người đồng hương xứ Huế vẫn thương yêu đùm bọc, sát cánh, nương tựa vào nhau cùng làm ăn, cùng phát triển kinh tế gia đình, giữ tình cảm tốt đẹp nơi quê hương mới.

Ở thành phố Kon Tum hiện còn nhiều đình làng, mỗi ngôi đình như thế ghi dấu ấn về một cộng đồng người dân từ các miền quê khác nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp. Hơn ai hết, mỗi cộng đồng người dân ấy, trong đó có người dân xứ Huế đã góp phần không nhỏ xây dựng nên một Kon Tum tươi đẹp như hôm nay.

Vỹ Dạ

Chuyên mục khác