Người đô thị tự trồng rau

10/10/2017 06:04

​Lo ngại trước tình trạng rau củ ngậm hóa chất, những năm gần đây, nhiều người dân ở thành phố Kon Tum tận dụng tất cả những diện tích đất có thể: sân thượng, ban công, bồn hoa, thậm chí cả ven đường… để trồng rau. Với quan điểm, thực phẩm an toàn là do tự tay mình làm ra, nên việc trồng rau ở khu vực đô thị đang trở thành xu hướng.

Muôn kiểu trồng rau ở phố

Chị Hạnh ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum chia sẻ: Do gia đình có con nhỏ nên lúc đầu chị tận dụng khoảnh đất nhỏ trước sân trồng một ít rau xanh cho con ăn, đỡ phải mất công lo nghĩ thực phẩm có hóa chất. Nhưng lâu dần, chị lại thấy vui vui. Cả tuần đi làm việc, cuối tuần ra ngắm khoảnh vườn nhỏ, cây cối lên xanh mơn mởn tự dưng thấy thư thái vậy là chị mở rộng dần, ăn đủ cho cả nhà.

Cũng theo chị Hạnh, ăn rau nhà làm thành quen, nên khi chuyển nhà đi nơi khác, dù diện tích đất nhỏ hẹp hơn nhưng chị cũng để dành khoảnh đất nhỏ để trồng rau.

Khác với chị Hạnh trồng rau ngay trong diện tích đất quanh nhà mình, anh Sơn ở phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum muốn có rau sạch ăn phải sang tận phường Lê Lợi.

Ngày càng có nhiều người tự mua cây giống về trồng. Ảnh: N.P

 

Chả là, vì nhà anh ở ngay đường phố (đường Lê Lợi), diện tích đất hơn 100m2, chỉ đủ để làm nhà ở. Muốn vừa có rau sạch để ăn và vừa thỏa với thú vui điền viên của mình, anh mua khu đất ở phường Lê Lợi để trồng rau, cây các loại.

Ngoài nhờ hàng xóm, chiều chiều, sau giờ làm việc, vợ chồng anh tranh thủ sang để chăm sóc thêm. Vậy nên dù diện tích nhà đang ở hết sức nhỏ hẹp nhưng nhà anh không phải mua rau ngoài.

“Chỉ cần chịu khó một chút là cả gia đình có rau sạch để ăn, khỏi phải lo chuyện rau tẩm hóa chất hay thuốc kích thích lại vừa tiết kiệm được chi phí mua rau mỗi ngày” – anh Sơn nói.

Không có đất ngay trong diện tích nhà hay có lô đất riêng để trồng rau, nhiều người đã tận dụng tất cả mọi diện tích đất có thể để trồng rau.

Người ở gần cơ quan thấy có chút đất trống, chạy sang cuốc xới làm; những người ở khu tập thể thì cũng ngầm tự phân chia nhau khoảnh đất nhỏ để trồng rau các loại.

Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là kiểu trồng rau thùng xốp. Có khoảnh trống ở đâu là thùng xốp đặt ở đó, ban công, sân thượng, trước sân, sau nhà và thậm chí là cả bên vệ đường ở các tuyến đường vắng.

Chị Dung ở đường Lê Ngọc Hân cho hay, nhà chị trồng rau trong thùng xốp bên vệ đường đã mấy năm nay. Mùa nào thức nấy nên đủ ăn cho cả nhà, không phải mua thêm rau ngoài chợ.

So với trồng rau trực tiếp ra đất, trồng rau trong thùng xốp (đất ít dinh dưỡng, dễ sâu bệnh…) tốn nhiều công chăm sóc hơn nên sau mỗi lứa rau trồng chị đều tỉ mẩn đem đất ra phơi rồi trộn thêm phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa… mới bắt đầu trồng lứa mới.  

Trở thành xu hướng

Cũng chưa có thống kê nào về lượng rau xanh do người ở vùng phố thị tự sản tự tiêu nhưng có thể dễ dàng nhận thấy trồng rau xanh ở các khoảnh đất nhỏ, các thùng xốp… đang dần thành xu hướng.

Nhiều người chia sẻ rằng, khi bắt tay vào trồng rau tại nhà chủ yếu xuất phát từ lo ngại chuyện rau quả phun hóa chất; dần dà, cảm thấy niềm vui điền viên, thư thái sau những căng thẳng của công việc.

Một công đôi việc, lợi đơn lợi kép, vậy là nhiều người ở vùng nội thị Kon Tum đã tự trồng rau để ăn, có người trồng nhiều, chăm giỏi còn dôi dư cho người thân, bạn bè.

Cũng từ đây, nắm bắt được xu hướng, trên địa bàn thành phố Kon Tum ngày càng có nhiều cơ sở cung cấp đủ các loại vật tư: các loại hạt giống, phân bón, xơ dừa, đất sạch, thùng xốp… phục vụ cho các hộ gia đình trồng rau.

Đặc biệt, khoảng 3-4 năm trở lại đây, các cơ sở bán vật tư nông nghiệp này còn bán thêm các khay nhựa, giá đỡ bằng sắt và nhận dịch vụ lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh tại nhà.

Theo một chủ cơ sở bán hàng vật tư nông nghiệp trên đường Trường Chinh, kiểu trồng rau thủy canh tại nhà tiết kiệm đất, công chăm sóc nên rất phù hợp với nhà phố. Chính vì vậy, thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình đã chọn lựa phương pháp này, đặc biệt là những gia đình trồng rau ở sân thượng.

Về giá cả thì đầu tư ban đầu cho phương pháp trồng rau này khá tốn kém, tùy thuộc vào chiều dài, số tầng nhưng dao động trong khoảng 5-10 triệu là có đủ rau cho cả gia đình.

Ngoài kiểu cung cấp vật tư trồng rau như vừa nêu thì các cơ sở bán cây rau giống cũng rất hút khách. Như ở con hẻm nhỏ nối đường Ngô Mây – Nguyễn Viết Xuân đã trở thành địa chỉ để nhiều người tìm đến mua cây rau giống.

Chị Tuyết - một trong những hộ chuyên trồng cây rau giống để bán ở đây cho biết: Ngày càng có nhiều người đến đây mua. Vậy nên nhà chị quay vòng trồng đủ loại cây rau giống, ai mua gì chị đều có. Rẻ rẻ như giống cây rau cải, mùng tơi, xà lách… chỉ cần 5- 7 nghìn là chị nhổ cho cả nắm đủ trồng cả luống dài; còn đắt thì phải kể đến các loại như su hào, bắp cải, súp lơ, trong đó đắt nhất là súp lơ xanh có giá tới 1.000 đồng/cây giống.

“Cây giống đắt hay rẻ là do hạt giống, cộng thêm công chăm sóc nữa. Mua cây giống về trồng nhanh được ăn hơn gieo hạt, tỷ lệ sống cao nên nhiều người tìm mua lắm. Ai không biết cách trồng, tôi hướng dẫn tận tình. Gia đình tôi cũng có thêm thu nhập nhờ nghề này” - chị Tuyết chia sẻ.

Chính được phục vụ, hướng dẫn tận tình như vậy cộng với việc các trang mạng hướng dẫn rất tỉ mỉ về cách trồng các loại cây khác nhau nên bất cứ người dân phố thị nào, dù chưa biết gì về nông nghiệp cũng đều có thể thử sức và bắt tay vào tự trồng được các loại rau xanh…

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác