18/09/2019 06:02
Đăk Hà là huyện có số lượng ca mắc sốt xuất huyết nhiều thứ 2 trong tỉnh. Tính đến ngày 12/9, toàn huyện có 146 ca mắc. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh có buổi kiểm tra tình hình thực tế ở thị trấn Đăk Hà, địa phương có số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất huyện; qua kiểm tra cho thấy, sự chủ quan, lơ là, ỷ lại trong việc phòng chống bệnh của người dân là một trong những nguyên nhân chính làm cho tình trạng sốt xuất huyết trên địa bàn tăng nhanh.
Kiểm tra tại hộ ông Đinh Khắc Lệ (tổ dân phố 2A, thị trấn Đăk Hà) đoàn kiểm tra phát hiện những chiếc lốp xe cũ bị bỏ quên ngoài vườn chứa đầy nước mưa với hàng chục con lăng quăng đang bơi lội; thế nhưng, gia chủ không hề hay biết…
Khi được hỏi, chủ nhà thanh minh rằng, mọi khi gia đình vẫn bảo con cháu dọn dẹp vườn tược sạch sẽ, nhưng đợt này do mọi người bận quá nên mới lơ là.
Không riêng gì hộ gia đình ông Đinh Khắc Lệ, đó là tình trạng chung ở nhiều gia đình tại thị trấn Đăk Hà trước diễn biến của bệnh sốt xuất huyết - mặc dù đã được chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn.
|
Điều đáng nói là, ở đây, hầu hết các gia đình đều có vườn cà phê kế bên nhà ở, hệ thống mương dẫn nước chằng chịt để dẫn nước tưới cho các vườn cà phê. Tuy nhiên, đến mùa mưa, nước đọng lại trong mương, vô tình trở thành nơi lý tưởng cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi và truyền bệnh.
Tại thôn 1 (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), tình trạng vệ sinh môi trường không đảm bảo còn nan giải hơn. Xung quanh các gia đình cây cối rậm rạp um tùm, thậm chí có hộ dân còn xả cả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi ra đường.
Kiểm tra thực tế tại một số hộ dân, đoàn kiểm tra phát hiện tại nhiều gia đình vỏ lon bia, nước ngọt vứt tràn lan xung quanh nhà, trong vườn các vật dụng sinh hoạt hư hỏng, những chiếc lốp xe treo trên cây chứa đầy nước tù đọng và bên trong là những ổ lăng quăng/bọ gậy đang sinh sống. Có gia đình xây bể đựng nước sinh hoạt, nhưng không có nắp đậy nên cũng trở thành nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng sống.
Khi được hỏi thì hầu như mọi người đều tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết…
Chính vì vậy, số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thị trấn Sa Thầy cao nhất huyện Sa Thầy với 30 ổ dịch, 86 người mắc.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà và Sa Thầy, ngay từ đầu mùa mưa, khi bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, các địa phương đều thành lập các tổ xung kích ở các thôn, làng tham gia tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh, phá bỏ, ngăn chặn môi trường sống của lăng quăng/bọ gây. Hàng tuần, các đội xung kích, các tổ tự quản và tổ tự quản về chăm sóc sức khỏe của các thôn, làng đều ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ngành Y tế triển khai phun hóa chất, xử lý ổ dịch… Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân thì lại không quan tâm đến việc tự phòng bệnh mà coi đây là việc của tổ xung kích, của các cấp chính quyền và ngành Y tế; việc xử lý môi trường không xuể, khiến tình trạng dịch bệnh vẫn cứ dai dẳng.
|
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, tính đến ngày 12/9, toàn tỉnh ghi nhận 1.039 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 830 ca so với năm 2018. Trong đó, thành phố Kon Tum chiếm số lượng nhiều nhất với trên 510 ca, huyện Đăk Hà có 146 ca, Sa Thầy 145 ca, Ngọc Hồi 85 ca… Số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh gần bằng tổng số ca bệnh của 2 năm 2017 và 2018 cộng lại (976 ca).
Để ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai 707 đợt phun hóa chất xử lý 350 ổ dịch, 36 đợt phun hóa chất chủ động diệt muỗi; phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng chống bệnh cho người dân.
Có thể thấy, tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết, hầu như ai cũng biết là do muỗi truyền virus sang người. Do đó, biện pháp phòng chống muỗi sinh sản là phải thường xuyên vệ sinh chỗ ở thoáng mát; không để nước tồn đọng trong các vật dụng trong nhà để làm nơi trú ngụ của muỗi…Tuy nhiên, ý thức chủ động phòng chống sốt xuất huyết thì lại có rất ít người thực hiện được.
Theo dự báo của ngành Y tế, thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng. Việc phòng chống sốt xuất huyết nếu chỉ trông chờ vào ngành Y tế thì rất khó hiệu quả mà cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, việc chủ động phòng chống bệnh của người dân là yếu tố then chốt, giúp hạn chế nguồn bệnh và sự bùng phát của dịch bệnh.
Thiên Hương