Người dân thành phố Kon Tum đón Tết Độc lập

30/08/2019 06:11

Nằm ven bờ sông Đăk Bla hiền hòa và thơ mộng, những ngày cuối tháng 8, khắp làng Kon K’lor (phường Thắng Lợi) rợp bóng cờ đỏ sao vàng chào mừng ngày lễ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đến ngày Tết Độc lập (2/9), tất cả người dân trong làng tập trung tại nhà rông cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho bà con dân làng khỏe mạnh, đoàn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau và mừng cho đất nước phát triển…

Già làng và những người uy tín trong làng cùng khấn những lời hết sức linh thiêng, thể hiện những niềm mong ước, những điều tốt đẹp sẽ đến với dân làng như: “Ơ Giàng, ơ thần núi, ơ thần nước về đây giúp chứng giám cái bụng của dân làng. Tất cả dân làng Kon K’lor, từ già, trẻ, gái, trai đều mong muốn quê hương, đất nước mãi bình yên. Ơ dòng sông hãy chảy hiền hòa cho cuộc sống bình yên. Ơ Giàng hãy giúp dân làng thương yêu nhau...”.

Già A Biên bộc bạch, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, hơn 10 năm qua, nhiều du khách quốc tế và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến Kon K’lor ngày càng nhiều; nhân dân trong làng đã nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc hơn trước.

Cũng như bà con làng Kon K’lor, những ngày cuối tháng 8, người dân thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam II (phường Trường Chinh) cũng háo hức chuẩn bị đón lễ Quốc khánh. Ai nấy đều cố gắng hoàn tất các công việc đồng áng, náo nức chờ đón ngày lễ lớn của dân tộc.

Vòng xoay Duy Tân, thành phố Kon Tum. Ảnh: Thế Binh

 

 “Những năm gần đây, chúng tôi tổ chức hội làng mừng ruộng lúa đã cấy xong, lúa mọc xanh tốt với mong ước sẽ có một mùa bội thu. Đây cũng là dịp để dân làng hội tụ đông đủ, cùng chung vui mừng ngày Tết Độc lập. Trong những ngày này, bà con tổ chức các hoạt động ca hát, uống rượu ghè, đánh cồng chiêng, múa xoang...” - ông A Kiên, một người dân trong làng chia sẻ.

 Những ngày cuối tháng 8 hàng năm, bà con thôn Măng La Kơ Tu (xã Ngọk Bay) chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tiến hành sửa chữa máng nước. Ông A Khan - một người dân trong thôn cho biết, dân làng muốn gắn hơi thở truyền thống trong ngày Tết Độc lập nên đã thống nhất tổ chức sửa máng nước trong dịp Quốc khánh 2/9.  

Theo kế hoạch được già làng và bà con thống nhất từ trước, trong ngày 30/8, bà con tập trung dọn dẹp vệ sinh quanh đường làng, nhà rông, sửa sang, dọn dẹp lại các giọt nước, cầu mong nước đủ về cho các cánh đồng, đem lại mùa màng bội thu, no ấm. Cùng với đó, mỗi gia đình làm rượu ghè, chế biến thức ăn rồi tập trung đến nhà rông để đón Tết Độc lập.

Băng rôn chào mừng Quốc khánh 2/9 tại đường Trần Phú (thành phố Kon Tum). Ảnh: Thế Binh

 

“Trong ngày 2/9, không kể già, trẻ, gái, trai, tất cả dân làng đều tập trung tại nhà rông để mừng máng nước đã sửa xong. Mỗi nhà mang theo một ghè rượu, cá suối, gà, lá mì chua. Ai có gì góp nấy. Bà con dân làng cùng tổ chức ăn uống, đánh cồng chiêng, hát múa trong khí thế mừng vui tưng bừng” - chị Y Ka, người dân ở thôn Măng La Kơ Tu phấn khởi cho hay.

Đặc biệt, những người già trong làng sẽ kể lại cho con cháu nghe về những kỷ niệm, về những chiến công oanh liệt của nhân dân ta; chia sẻ những khó khăn, vất vả trong những năm tháng kháng chiến để mọi người hiểu hơn và trân trọng hơn giá trị của hòa bình.

Là người dân huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), ông Trần Thơ theo bà con lên vùng đất Phương Quý (xã Vinh Quang) lập nghiệp từ những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước. Ông kể, trước giải phóng 1975, người dân xã Vinh Quang nói riêng và nhân dân trên địa bàn thị xã Kon Tum nói chung không ai dám tổ chức mừng Tết Độc lập 2/9 vì đang sống trong ấp chiến lược. Nếu có gia đình nào tưởng nhớ ngày Quốc khánh thì tổ chức lén lút trong nhà thôi. Chuẩn bị một mâm cơm với các món ăn dân dã, đặt lên bàn thờ tổ tiên cùng di ảnh của Bác Hồ. Khi nén nhang tàn thì mang ảnh Bác cất giấu vì nếu bị phát hiện thì địch sẽ bắt nhốt tù và tra tấn dã man.

Người dân các xã thi đấu bóng chuyền chào mừng Quốc khánh 2/9. Ảnh: NX

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thơ cho biết: “Sau ngày thống nhất đất nước, lễ Quốc khánh là ngày hội lớn của dân tộc nên người dân tự do tổ chức ăn uống, vui chơi tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Vào những ngày này, ở xã Vinh Quang thường hay tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để bà con góp vui chào mừng ngày đại lễ. Sau khi tham gia hội thao ở xã về, đúng ngày 2/9, bà con trong thôn sẽ tiếp tục tổ chức ăn mừng. Mỗi gia đình tự ý thức dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, cổng ngõ gọn gàng, treo cờ Tổ quốc trước sân, chỉnh trang lại bàn thờ, ảnh Bác, nấu các món ăn mình thích, mời bạn bè hàng xóm tới ăn uống vui vẻ...”.

74 mùa thu Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đi qua, trong mỗi thời điểm lịch sử, người dân Kon Tum đón Tết Độc lập trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong thẳm sâu trái tim mỗi người, tất cả đều nhận thức rõ đó là một ngày trọng đại trong lịch sử của dân tộc - ngày đất nước Việt Nam được độc lập, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một thời kỳ được hưởng tự do, hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam. 

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác