Người dân liều mình đu dây vượt sông Pô Cô

27/11/2020 06:01

Hơn một tháng nay, kể từ sau bão số 9, cầu treo bị nước lũ cuốn trôi, người dân các thôn trên địa bàn xã Đăk Nông, Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) đi lại rất khó khăn. Để thuận tiện đi lại và vận chuyển nông sản, người dân đã góp tiền lắp dây cáp và mua ròng rọc liều mình đu dây qua sông Pô Cô.

Trong cơn bão số 9 trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có 6 cây cầu treo dân sinh bị cuốn trôi, hư hỏng nặng. Trong đó, có 2 cây cầu treo tại thôn Nông Nội và thôn Tà Poók, Kà Nhảy (xã Đăk Nông) bị cuốn trôi hoàn toàn. Không còn cách nào khác và để đỡ phải đi đường vòng, người dân tại các thôn Nông Nội, Tà Poók, Kà Nhảy (xã Đăk Nông), Đăk Rme (xã Đăk Ang) đã tự kéo dây cáp nối hai bờ để vượt sông. Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Đăk Nông có 3 điểm cáp treo do người dân tự chế để qua lại.

Tại điểm cầu treo làng Tà Poók - Kà Nhảy, chúng tôi thấy anh A Thế (thôn Tà Poók, xã Đăk Nông) dùng chiếc ròng rọc, treo mình trên sợ dây cáp nhỏ bằng đầu đũa đu qua dòng sông thật nguy hiểm.

Vừa hoàn hồn, khi sang bên này sông, anh A Thế cho biết: Cơn bão số 9 đã cuốn trôi cây cầu treo duy nhất của làng nối với khu sản xuất ở bên phía xã Đăk Ang. Tất cả làng tôi đều sản xuất ở bên kia bờ sông nên khi cầu bị cuốn trôi không còn đường đi nên chúng tôi đã góp tiền làm dây cáp để làm phương tiện qua sông. Để vượt sông, mỗi gia đình phải tự sắm 1 chiếc ròng rọc với giá 3-4 trăm ngàn đồng. Nhiều lúc ròng rọc bị kẹt, người dân bị treo lơ lửng giữa dòng sông nên phải dùng tay vin theo dây cáp kéo từ từ vào bờ.

Người dân lắp dây cáp dùng ròng rọc đu qua sông. Ảnh: V.P

 

Cũng theo anh Thế, vì bên kia sông là nơi canh tác của người dân 2 xã Đăk Ang và xã Đăk Nông nên mỗi ngày có cả trăm lượt người qua lại. Ngay như bản thân anh A Thế, mỗi ngày cũng đu qua sông từ 4-6 lần.

“Lần đầu đi cũng sợ lắm, nhưng không còn cách nào nên buộc phải liều thôi. Đi vài lần rồi cũng quen, không sợ nữa. Đi đường này vừa nhanh vừa tiện, chứ đi đường vòng xa lắm, phải mất gần một tiếng đi bộ băng qua các sườn núi. Đu dây qua sông biết là nguy hiểm nhưng tiện mà nhanh hơn nhiều.”- A Thế tâm sự.

Tương tự, tại điểm cáp treo thôn Nông Nội, chúng tôi chứng kiến anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, trú thôn Đăk Rme, xã Đăk Ang) sau khi xoay tròn nhiều vòng trên ròng rọc trượt trên dây cáp đến khi tiếp đất mới thở phào nhẹ nhõm.  Theo anh Đại cho biết, từ khi cầu bị cuốn trôi, gia đình anh cùng gần 10 hộ dân đã góp tiền mua 400m dây cáp làm cáp treo để đi lại cho thuận tiện. Nhà có đứa con đang tuổi đến lớp, nên ngày nào anh cũng ôm con rồi bám vào ròng rọc vượt sông. Đưa con đi học như thế biết là nguy hiểm nhưng phải chấp nhận vì đi đường vòng mất hơn 20km xa lắm. Hơn nữa nhà tôi hơn 10 ha cà phê, cao su, cây ăn quả, ao cá và cả gia đình đều ở bên kia sông, bây giờ đang là vụ thu hoạch cà phê nên không thể vận chuyển đường vòng, do đó phải làm cáp treo đi cho nhanh và để phục vụ vận chuyển nông sản. 

Cũng theo anh Đại, mỗi ngày gia đình phải đưa hàng chục bao cà phê lên cáp treo rồi kéo sang bờ bên kia đi bán. Có nhiều lúc mới kéo được nửa đường bao cà trượt khỏi giỏ đựng rơi xuống lòng sông mất hết.

Cũng tại thôn Nông Nội, cách vị trí cáp treo mà các hộ dân và gia đình anh Nguyễn Văn Đại vận chuyển nông sản khoảng hơn 100 mét, người dân tiếp tục làm một cáp treo để đi lại. Cáp treo này ngắn hơn, chỉ khoảng 50-60 mét nên việc đu qua sông cũng nhanh hơn, do đó, người dân chủ yếu là đi bằng cáp treo này. Tại đây, chúng tôi cũng chứng kiến một người dân đu dây qua sông nhưng gần đến bờ thì bị kẹt. Ngay sau đó, một người dân khác đang đứng ở dưới bờ vội vã dùng cành cây hỗ trợ kéo vào.

Ông Phan Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, trong cơn bão số 9 trên địa bàn huyện có 6 cây cầu treo dân sinh bị cuốn trôi, hư hỏng nặng. Hiện tại đang trong mùa thu mua nông sản, không có đường vận chuyển hàng hóa nên bắt buộc người dân phải có phương án để vận chuyển qua sông. “Tuy nhiên, huyện, xã cũng đã khuyến cáo, cảnh báo người dân rồi, nhưng không cho người dân vận chuyển thì cũng khó vì đây là nhu cầu thiết thực”- ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, hiện UBND huyện đã khảo sát chọn vị trí, báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh có kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng lại 2 cây cầu tại xã Đăk Nông để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Văn Phương

Chuyên mục khác