20/05/2019 06:00
Anh Nguyễn Văn Hùng ở tổ dân phố 3, phường Trường Chinh đã lập gia đình hơn 5 năm và đang công tác tại một cơ quan Nhà nước ở thành phố Kon Tum. Hai vợ chồng anh Hùng đang ở chung với bố mẹ ruột. Tháng 9/2018, vợ chồng anh chị được tổ dân phố 3 xét duyệt, đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh tạo điều kiện vay vốn nhà ở xã hội. Thế nhưng, đến nay, anh Hùng vẫn chưa vay được nguồn vốn chính sách này, bởi có nhiều tiêu chí gia đình anh chưa thể đáp ứng.
Anh Hùng giãi bày, điều kiện để được vay vốn của Ngân hàng CSXH là quá trình xây nhà ở phải có hóa đơn đỏ (tức tính luôn thuế giá trị gia tăng 10%/tổng sản phẩm hàng hóa) khi mua nguyên vật liệu. Trong trường hợp xây nhà như thế, tổng giá trị vật liệu xây dựng nhà của gia đình anh phải cao hơn giá nguyên liệu xây dựng của các hộ dân khác cũng mua và xây nhà cùng thời điểm. Hơn nữa, tổng chênh lệch giá vật liệu có hóa đơn cao hơn so với lãi suất vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, do đó gia đình càng không được lợi mấy.
Bên cạnh đó, anh Hùng chia sẻ, theo quy định tài sản để thế chấp vay vốn Ngân hàng CSXH của gia đình được định giá quá thấp (theo khung giá quy định của tỉnh) chỉ bằng 50% so với giá thị trường hiện hành, nên cũng gây trở ngại khi nhu cầu nguồn vốn vay lớn.
Ngoài ra, theo Nghị định 100, thì địa chỉ đối tượng vay vốn nhà ở xã hội phải đúng với địa chỉ thường trú. Điều này cũng đang làm khó nhiều hộ muốn vay vốn chính sách. Chẳng hạn như chị Lê Thị Loan có nhà ở phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) thuộc diện có thu nhập thấp dưới 10 triệu đồng/tháng/hộ và thực sự cần nguồn vốn chính sách để xây nhà. Thế nhưng, hộ khẩu vợ chồng chị Loan đang ở phường Duy Tân (thành phố Kon Tum), nên gia đình không được xét duyệt vay nguồn vốn trên. Thêm vào đó, chị Loan là đối tượng vay vốn, nhưng không phải là người chủ sở hữu của mảnh đất đang thẩm định vay vốn (hiện tại bố mẹ của chị đang đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng mảnh đất này), do đó hồ sơ vay vốn của vợ chồng chị bị trả về lại.
|
Trước các vấn đề trên, chị Thảo Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH tỉnh) cho biết, hiện tại, công tác triển khai chương trình cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai giải ngân vốn chính sách này đã được các cấp, các bộ ngành và Ngân hàng CSXH Việt Nam tháo gỡ kịp thời, đáp ứng ngày càng tích cực hơn về nhu cầu vốn vay trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, theo chị Lan, quá trình tham gia tư vấn vay vốn, cán bộ tín dụng và đại diện lãnh đạo UBND các xã, phường, tổ chức đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đã có hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho đối tượng vay vốn về khảo sát giá cả thị trường, ký hợp đồng với các đại lý cung cấp nguyên vật liệu xây dựng uy tín, có hóa đơn, chứng từ hợp pháp... Trên cơ sở đó, giúp cho người dân có đủ điều kiện vay vốn, giải ngân nguồn vốn theo đúng quy định và đúng tiến độ xây dựng công trình nhà ở chính sách.
Chị Lan nói thêm về thủ tục vay vốn: “Thông thường, cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp nhận hồ sơ vay vốn của các đối tượng chính sách đều khẩn trương kiểm tra, thẩm định tài sản vay vốn và hoàn thiện các thủ tục cần thiết khác trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Sau đó, cán bộ tín dụng tham mưu đơn vị ban hành thông báo cho người dân được vay vốn nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc tạm dừng chưa được vay vốn với các lý do được nêu rõ”.
Ngân hàng CSXH tỉnh còn thông tin, những vướng mắc về việc tài sản thế chấp vay vốn (chủ yếu là đất ở có giấy chứng nhận quyền sử dụng) được thẩm định giá thấp hơn so với giá thị trường chưa phù hợp thực tế (theo Nghị định 100), nay đã được Ngân hàng CSXH Trung ương có các văn bản hướng dẫn, điều chỉnh, giải quyết theo hướng có lợi cho người vay vốn. Cụ thể, giá trị bảo đảm tiền vay là quyền sử dụng đất do Ngân hàng CSXH nơi cho vay và người vay thỏa thuận theo khung giá đất của UBND địa phương quy định trên cơ sở có tham khảo giá đất thị trường tại thời điểm xác định (có biên bản xác nhận của chính quyền địa phương - cán bộ tín dụng khảo sát thực tế).
Về phía Ngân hàng CSXH tỉnh cũng nêu, khó khăn hiện tại của đơn vị là nguồn vốn phân bổ sửa chữa, mua nhà ở xã hội chưa đáp ứng đông đảo các đối tượng đang có nhu cầu thụ hưởng. Theo phản ánh của cán bộ tín dụng, mỗi ngày, tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại của khách hàng hỏi thăm về chính sách ưu đãi, thủ tục vay vốn chính sách theo Nghị định 100. Trong khi đó, năm 2018, tỉnh được Trung ương bố trí 10 tỷ đồng, đã giải ngân cho 34 khách hàng vay vốn. Năm 2019, toàn tỉnh tiếp tục được phân bổ mới 20 tỷ đồng, đến nay, đã giải ngân 3,7 tỷ đồng cho 20 khách hàng vay vốn; nguồn vốn còn lại của năm nay đã và đang hoàn tất hồ sơ giải ngân hết quý II/2019.
Mai Trâm