Người dân Đăk Trăm mong muốn có cầu lớn bắc qua sông Đăk Tờ Kan

24/06/2024 06:10

Hiện tại, người dân trên địa bàn xã Đăk Trăm mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng cầu lớn bắc qua sông Đăk Tờ Kan nhằm tạo điều kiện để người dân đi vào khu vực sản xuất nằm phía bên kia sông được thuận lợi hơn, góp phần giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và dễ dàng vận chuyển nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đăk Trăm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô với 95% dân số là đồng bào DTTS. Toàn xã có diện tích đất canh tác sản xuất nông nghiệp trên 2.000ha; trong đó, phần diện tích đất canh tác nông nghiệp bên kia sông Đăk Tờ Kan khoảng 500ha.

Để đi từ nơi ở đến nơi sản xuất hằng ngày, người dân tại các thôn Tê Pên, Đăk Trăm, Tê Pheo, Đăk Rô Gia, Đăk Đring phải di chuyển bằng xe gắn máy đi qua 1 trong 4 cây cầu bắc qua sông Đăk Tờ Kan (gồm 1 cầu bê tông và 3 cầu treo). Theo hiện trạng, cả 4 cây cầu này đều được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho phương tiện xe gắn máy và người đi bộ lưu thông trong cả 2 mùa mưa nắng. Tuy nhiên, cả 4 cây cầu này chỉ rộng từ 1m-1,2m nên ô tô không thể qua lại được, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình canh tác, sản xuất của người dân.

Người dân chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy qua cầu treo bắc qua sông Đăk Tờ Kan. Ảnh: T.L

 

Ông A Náo- Trưởng thôn Đăk Đring, xã Đăk Trăm, chia sẻ: Bà con trong thôn Đăk Đring có diện tích canh tác phía bên kia sông Đăk Tờ Kan vào khoảng 24ha, với các loại cây trồng được người dân đầu tư canh tác như cây mì, cây mía và cây lúa nước. Trong quá trình sản xuất, người dân phải vận chuyển cây giống, phân bón bằng xe gắn máy nên mất nhiều thời gian, tốn nhiên liệu và làm tăng chi phí sản xuất. Khi thu hoạch, người dân lại phải chở nông sản bằng xe gắn máy qua cầu treo, sau đó mới đưa lên xe tải để chở đến nơi chế biến, tiêu thụ. Vì vậy, chi phí vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực bên kia sông bị nâng lên nhiều so với phía bên này sông, theo đó lợi nhuận giảm đi, thu nhập của người dân chưa cao.

Đáng chú ý, khu vực sản xuất bên kia sông Đăk Tờ Kan hiện là vùng sản xuất rất quan trọng của đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đăk Trăm với các loại cây trồng chính, chủ lực như cà phê, cao su, mắc ca, mía, dứa, nghệ. Cũng tại khu vực này, xã Đăk Trăm đã hình thành cánh đồng lớn trồng mía; đã và đang xây dựng và dần hình thành cánh đồng lớn trồng mắc ca với quy mô 30ha. Một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân như mía, dứa, gừng, nghệ hiện đang phát huy hiệu quả tích cực.

Ngoài ra, việc thiếu cầu lớn bắc qua sông Đăk Tờ Kan cũng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Bà Nông Thị Thiệp- Bí thư Đảng ủy xã Đăk Trăm cho biết: Vùng sản xuất bên kia sông Đăk Tờ Kan có địa hình khá bằng phẳng, cách xa khu dân cư nên rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi heo quy mô lớn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi đến tiến hành khảo sát thực tế, nhưng chưa mạnh dạn đầu tư. Nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông kết nối phía bên sông Đăk Tờ Kan chưa thuận lợi, khiến cho việc vận chuyển con giống, vật tư đến nơi chăn nuôi và đưa sản phẩm chăn nuôi ra thị trường gặp trở ngại.

Lợi nhuận từ trồng mía khu vực bên kia sông Đăk Tờ Kan giảm đáng kể do phát sinh thêm chi phí nhiên liệu, nhân công vận chuyển. Ảnh: TL

 

Qua tìm hiểu thực tế, sông Đăk Tờ Kan đoạn chảy qua địa bàn xã Đăk Trăm có nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng cầu lớn bắc qua sông, khoảng cách giữa hai bên bờ ở một số vị trí không quá rộng (chỉ hơn 10m).

Bà Nông Thị Thiệp thông tin thêm: Tại các buổi tiếp xúc cử tri trong thời gian vừa qua, người dân trên địa bàn xã Đăk Trăm đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng cầu lớn bắc qua sông Đăk Tờ Kan. Xét thấy đây là nhu cầu, nguyện vọng rất chính đáng của bà con nhân dân, thời gian đến, xã Đăk Trăm tiếp tục đề xuất lên cấp trên đưa danh mục đầu tư xây dựng cầu lớn bắt qua sông Đăk Tờ Kan trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030, làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng.      

Tấn Lộc

Chuyên mục khác