Người của làng

24/03/2022 06:03

Tôi gọi anh Phạm Bình Vương- cán bộ Phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là “người của làng”. Bởi với anh, thú vị nhất chính là được nghe sử làng, được chứng kiến, được đắm mình trong đời sống văn hóa, tinh thần của các DTTS.

Tôi không lạ những chuyến đi bất chợt của anh Vương. Bởi với anh, chỉ cần nơi đó có làng, có những địa danh lịch sử, thì dù đường sá xa xôi hay mưa gió bão bùng, anh vẫn tìm đến.

Anh Vương về làng, tìm hiểu văn hóa của đồng bào DTTS. Ảnh: HT

 

Cũng bởi thế, mới thấy anh dành 2 ngày cuối tuần để ngược về những ngôi làng xa xôi tìm hiểu nếp sống của người dân ở vùng Đông Trường Sơn; cuối tuần sau, đã thấy anh dong xe về với Ngọc Hồi, Đăk Glei. Anh về thăm làng, tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân cũng như cùng trải nghiệm để hiểu hơn về những nét đẹp trong đời sống thường ngày của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Ở làng, ai nấy đều quý mến anh. Bởi, anh luôn chân tình với họ. Bên bếp lửa nhà sàn, anh có thể ngồi với họ đến khuya để nghe sử làng, nghe những câu chuyện tâm tình trong cuộc sống. Anh cùng họ lên rẫy từ sáng sớm, cùng đi bẫy chuột, nấu và thưởng thức những món ăn dân dã chỉ ở làng mới có. Anh luôn sẵn sàng, nhiệt tình giúp đỡ trong điều kiện có thể để sẻ chia những nỗi niềm của bà con.

Trong mỗi câu chuyện, mỗi bức hình ghi lại, tôi cảm nhận được niềm vui của anh khi khoe về những nghệ nhân còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát truyền thống; đọc trong suy nghĩ của anh sự trăn trở khi nói về thực tế nhiều người không còn mặn mà với truyền thống của dân tộc. Anh tâm tình, bày tỏ, khuyến khích người dân tiếp tục nối nghề, giữ nghề. Anh luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: Còn văn hóa là còn dân tộc.

Cũng từ các chuyến đi, anh Vương am hiểu về từng vùng đất, từng con người. Nơi đâu, có gì, đặc trưng ra sao, anh thuộc làu làu. Nhiều lúc, bí đề tài cho chuyên mục Đất và người Kon Tum, tôi lại tìm đến anh. Chỉ cần hỏi, anh liền có những câu chuyện, các sự tích của từng dân tộc, từng vùng đất, những điều mới mẻ trong cuộc sống của người dân. Có những câu chuyện đã được đọc, được nghe trong sách, phương tiện truyền thông, nhưng qua lời anh kể, với những trải nghiệm thực tế đầy thú vị, lại giúp tôi nảy ra những ý tưởng tuyệt vời.

Một mình một xe, anh ngao du, vừa chụp lại những khoảnh khắc đẹp, vừa ghi chép để lưu lại những kiến thức thực tế. Bởi thế, anh có nhiều bức ảnh đẹp, ghi lại những khoảnh khắc thật tự nhiên ở làng mà không phải ai cũng có thể chụp được. Anh bảo rằng, cũng nhờ đam mê, nhờ “xách ba lô lên và đi”, anh “dắt túi” được nhiều kỷ niệm và giúp đỡ được nhiều người. Điển hình như mới đây, qua những câu chuyện kể, anh đã kết nối, giúp một già làng ở huyện Kon Plông tìm thấy cha ở huyện Ngọc Hồi sau 40 năm mất liên lạc.

Anh lấy bút danh là Ngok Linh – ngọn núi cao nằm trên dãy Trường Sơn, phần nhiều thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Và về làng, anh được mọi người gọi bằng cái tên thân thương: Ba Nguyên. Anh bảo rằng, niềm đam mê về làng với anh là bất tận. Sử làng, những điều thân thương, bình dị ở làng đã giúp tâm hồn anh thêm rộng mở, mang lại nhiều hiệu quả trong công việc và giúp cuộc sống của anh thêm thú vị, nhiều màu sắc.

Ngày cuối tuần, anh nhắn tin “Anh định đi Đăk Glei. Nếu sắp xếp được, em đi cùng tìm hiểu, viết bài”.

Trước lời mời hấp dẫn ấy, chắc chắn, tôi không thể lỡ hẹn. Dù chưa hình dung được phải làm gì nhưng tôi và đồng nghiệp tin chắc rằng, chỉ cần cùng đi, cùng anh khám phá những thú vị ở làng, chắc chắn, không thiếu thứ mang về.   

Hoài Tiến

Chuyên mục khác