Người con ưu tú của dân tộc Giẻ Triêng

05/02/2023 06:59

Sinh ra và lớn lên ở làng làng Ri Mek, xã BRong, H40 (nay là xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) và có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bà Y Một - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei... xứng đáng là người con ưu tú của dân tộc Giẻ Triêng vùng Bắc Tây Nguyên.

Sinh năm 1939 trong gia đình người Giẻ Triêng nghèo ở làng Ri Mek gần biên giới Việt - Lào, cô bé Y Một vốn có tên “cúng Dàng” là Y Păh. Về cái duyên mang tên mới, bà Y Một từng bộc bạch: Năm 1959, bà được cử tham dự lớp bồi dưỡng và đào tạo cán bộ. Lớp chỉ có một mình là nữ, nên Y Păh được các anh quý mến gọi luôn thành Y Một. Cái tên mộc mạc sau này được bà chọn lấy, như kỷ niệm đầy ý nghĩa trong hành trình dài theo Đảng, theo cách mạng.

Bà Y Một. Ảnh: TN

 

Để góp mặt tại lớp bồi dưỡng cán bộ mang tính tạo nguồn quan trọng vừa kể, Y Một đã trải qua thời gian thử thách không nhỏ để có sự chuyển đổi lớn từ cô bé nhút nhát “con chữ bẻ đôi chưa biết” thành “người tuyên truyền cho cách mạng”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, làng Ri Mek có anh cán bộ tên Tâm (quê Quảng Ngãi) lên nằm vùng, gây dựng phong trào. Được anh tận tình chỉ bảo, Y Một năng nổ, hăng say làm liên lạc. “Tôi đem tờ giấy có chữ viết của anh Tâm đưa cho người làng này, làng khác... Những tờ giấy ấy, tôi cho vào ống lồ ô đựng thuốc, cho dưới đáy gùi, trong cán rựa. Tôi đi liên lạc hai năm mà không hề bị lộ. Lúc giả đi làm rẫy, khi vờ kiếm măng, kiếm rau, có khi giả đi thăm bà con người làng bên cạnh...”. (Trích hồi ký “Theo bước các anh” của bà Y Một).

Được anh Tâm tận tình chỉ dạy, Y Một dần trở thành “tuyên truyền viên”, được làm quen với cái chữ. Năm 1956, Y Một vinh dự được kết nạp Đoàn và ngày 15/8/1957, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

 Cảm kích trước sự hy sinh anh dũng của cán bộ Tâm trong đợt công tác của đoàn dân công địa phương (tháng 10/1960), Y Một càng ra sức công tác, quyết tâm phấn đấu, những mong xứng đáng với tâm nguyện “muốn giúp em thành người cán bộ phụ nữ lâu dài” mà anh từng gửi gắm.

Theo Đảng, làm cách mạng, cuộc đời người phụ nữ Giẻ Triêng Y Một là từng chặng đường đi lên từ gian nan, thử thách bằng ý chí kiên cường, quyết tâm bền bỉ và niềm tin tuyệt đối vào hướng đi đã chọn.

Bí thư Chi bộ thôn Ri Mek chính là cương vị lãnh đạo đầu tiên bà Y Một đảm nhận sau khi trở về từ lớp bồi dưỡng đầu tiên ở cơ sở (năm 1959). Đầu năm 1960, Y Một được tín nhiệm cử làm bí thư kiêm phụ trách chính quyền xã. Cũng trong năm này, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ Nhất, bà được bầu làm huyện ủy viên (dự khuyết), phụ trách Khu II gồm ba xã Đăk Nớ, Đăk Kroong, Đăk Nú. Quá trình công tác của cán bộ Y Một được đánh dấu bằng điểm mốc đầu năm 1960, khi được Tỉnh ủy điều động phụ trách Hội Phụ nữ tỉnh ở vùng căn cứ. Thời gian này đến năm 1964, bà đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Khu 5, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Khu 5. Tại Đại hội Mặt trận tỉnh Kon Tum lần thứ I, bà được bầu vào Ban Chấp hành, đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh. Từ vai trò ủy viên thư ký, bà cũng trở thành Phó Chủ tịch Phong trào Dân tộc tự trị Tây Nguyên.

Trong suốt quá trình công tác, bà Y Một luôn dành thời gian học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức văn hóa, trình độ chính trị, ý thức cao trong việc gắn lý luận với thực tiễn để xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

  Bằng năng lực được tôi rèn từ thực tế công tác, từ năm 1965 đến khi nghỉ hưu, bà Y Một liên tục đảm nhận các cương vị lãnh đạo cấp cao. Đầu tiên, là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sau đó được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum khóa II. Tiếp đó, liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong các khóa ( III, IV, V).

Tháng 10/1975, tỉnh Gia Lai và Kon Tum được sáp nhập, bà trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, rồi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đồng thời là Ủy viên Thường vụ Hội LHPN miền Nam.

Chụp ảnh lưu niệm với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Định. Ảnh: TN

 

Sau thời gian là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa IV, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum (1976-1978), giai đoạn 1981-1986 đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp của người phụ nữ Giẻ Triêng, khi bà trở thành Ủy viên Trung ương Đảng (khóa V), đồng thời giữ các trọng trách: Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum. 

 Từ năm 1987 đến trước ngày tỉnh Kon Tum được chia tách, thành lập lại (tháng 8/1991), bà Y Một tiếp tục vai trò là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, đại biểu Quốc hội khóa VIII, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum đảm nhận cương vị Bí thư Huyện ủy Đăk Glei.     

Sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại, bà Y Một được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X, đảm nhận cương vị Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Tỉnh ủy, cho đến ngày nghỉ công tác  (tháng 6/1996).

Gần nửa thế kỷ đi theo cách mạng, đóng góp của bà đã được ghi nhận bằng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, hai Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, hai Huân chương Giải phóng hạng Nhì cùng các Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp Xây dựng Công đoàn Việt Nam.

Trưởng thành từ cơ sở, sinh thời, người phụ nữ Giẻ Triêng ưu tú luôn xứng đáng với sự tôn kính, quý trọng của anh em, đồng bào, đồng chí. Dù đã đi xa cách đây gần 20 năm, bà vẫn sống mãi trong niềm ngưỡng mộ và tình cảm thân thương của thế hệ đi sau.

Thanh Như

Chuyên mục khác