Người có công làm kinh tế giỏi

27/07/2023 13:03

Đất nước thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, những thương binh, bệnh binh, người lính cụ Hồ, không trông chờ, ỷ lại chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công mà luôn nỗ lực, tích cực lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông A Cốp (73 tuổi, dân tộc Giẻ - Triêng, thôn Đăk Si, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) gia nhập quân đội từ năm 1968, từng tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường Gia Lai, Kon Tum, Campuchia. Cả hai vợ chồng ông đều là bệnh binh, tỷ lệ thương tật từ 60-70%, đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước đối với người có công cách mạng trên 7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, không trông chờ, ỷ lại chính sách ưu đãi của Nhà nước, vợ chồng ông luôn chăm chỉ làm ăn, tích lũy vốn để mở rộng sản xuất. Trước đây, khi còn sức khỏe, gia đình ông canh tác hơn 5ha đất, trồng các loại cây lâu năm như cà phê, bời lời. Sau này, khi 6 người con trưởng thành, ông dựng vợ, gả chồng, hỗ trợ kinh phí làm nhà ở riêng, chia đất sản xuất cho các con làm ăn và gia đình các con đều có cuộc sống ổn định.

Ông A Cốp, 73 tuổi, bệnh binh 60-70%, thôn Đăk Si nỗ lực làm kinh tế, trở thành hộ khá trong xã. Ảnh: CC

 

Diện tích đất còn lại, vợ chồng ông tiếp tục phát triển các loại cây trồng, đồng thời, kết hợp với chăn nuôi 6 con bò, 5 con heo. Ngoài ra, vợ chồng ông còn mở tiệm bán tạp hóa để nâng cao thu nhập. Bình quân mỗi năm, gia đình ông có thu nhập trên 150 triệu đồng.

Ở xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), ông Phạm Phú Mậu (68 tuổi, thương binh 4/4, trú tại thôn Kon Mong) cũng là một người có công làm kinh tế giỏi. Ông có 7 năm tham gia quân đội, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và Campuchia. Sau khi rời quân ngũ, năm 2003, người đàn ông quê ở Hải Dương này quyết định chọn Đăk Hring làm nơi lập nghiệp vì đất đai rộng lớn, màu mỡ.

Gia đình ông canh tác trên 6ha đất, trồng cà phê và các loại cây ăn quả. Sau này, các con khôn lớn, lập gia đình và xây nhà ở riêng, ông chia đất cho các con làm ăn, vợ chồng chỉ giữ lại gần 2ha. Với diện tích này, ông Mậu đầu tư trồng sầu riêng, cà phê và nhiều loại cây ăn quả khác. Ngoài ra, ông đào vài chục mét vuông ao nuôi 250 con ba ba. Nhờ tính cần cù, chịu khó lao động nên mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng.

Ông Phạm Phú Mậu bên vườn cà phê xanh tốt, trĩu quả của mình. Ảnh: C.C

 

Cũng tại xã Đăk Hring, ông Lục Văn Tua (68 tuổi, dân tộc Thái, là bệnh binh), rời quê nhà Thanh Hóa vào thôn Kon Hnong Yôp lập nghiệp từ năm 1993. Ông Tua tham gia quân đội từ năm 1974, sau khi rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường với tỷ lệ thương tật 60-70%, được hưởng mức trợ cấp ưu đãi 3,4 triệu đồng/tháng.

Là người lính Cụ Hồ, cùng với đức tính cần cù, chịu khó, ông đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tích cực lao động sản xuất, tạo dựng cuộc sống ổn định trên vùng quê mới. Sau nhiều năm lao động, làm ăn, ông đã xây dựng mô hình canh tác gồm với diện tích 3,5ha, trong đó, ông trồng 2ha cao su và 1,5 ha cà phê, bình quân thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Nhờ có nguồn vốn tích lũy, năm 2017, ông xây dựng ngôi nhà ở khang trang rộng 150m2 trị giá 850 triệu đồng.

Ông Tua có 2 người con đều tốt nghiệp đại học, trong đó có một người con sinh năm 1990 hiện làm Bí thư chi bộ thôn Kon Hnong Yôp. Cả 2 người con đều lập gia đình, có nhà ở riêng và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Điểm chung của ba tấm gương người có công tiêu biểu nêu trên là luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của người lính bộ đội cụ Hồ, không ngại khó khăn gian khổ, luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Điều đáng trân trọng ở họ là không trông chờ ỷ lại sự ưu đãi của Nhà nước mà đã tự lực vươn lên làm giàu chính đáng, luôn quan tâm dạy dỗ con cháu nên người, trở thành những người sống có ích cho xã hội.     

Cao Cường

Chuyên mục khác