Người cao tuổi là tài sản quý

01/10/2024 06:03

Trong "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão" (tháng 6/1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao".

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử hào hùng và văn hiến của dân tộc ta, người cao tuổi Việt Nam luôn có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh cho độc lập dân tộc, cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.

Và cũng trong hàng nghìn năm lịch sử, “kính lão” là một trong những nét đẹp truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, Bác Hồ luôn kính trọng người già. Người xem những vị thượng thọ “là của quý giá của dân tộc” và những tấm gương sáng của các cụ phụ lão và thanh thiếu niên là “tượng trưng phúc đức của nước nhà”.

Tháng 6/1941, ngay khi mới về nước lãnh đạo phong trào cách mạng nước nhà, Bác Hồ đã viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Trong đó Bác viết: “... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập tự do, thống nhất non sông đất nước, các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đã không quản gian khổ, hy sinh, cống hiến cho độc lập dân tộc, cho sự trường tồn của Tổ quốc.

Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Ảnh: SC

 

Đến nay, bằng trí thức, kinh nghiệm và sự mẫu mực, người cao tuổi vẫn luôn có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Trong mỗi gia đình, người cao tuổi nêu gương, hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của những người cao tuổi, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi để đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ.

Ngay sau khi Đại hội đồng Liên hiệp quốc ra Nghị quyết số 45/106, lấy ngày 1/10 hàng năm là Ngày Quốc tế Người cao tuổi, ngày 1/10/1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng định: “Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta”.

Các văn kiện của Đảng đều chỉ rõ cần quan tâm xây dựng chính sách, chương trình hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích; tiếp tục phát huy, bồi dưỡng, giáo dục kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, tháng 8/2004, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam được thành lập (Quyết định 141/2004/QĐ-TTG ngày 5/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ). Từ đó, việc xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi càng được chú trọng và thống nhất.

Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.

Qua 8 năm triển khai, đây luôn là dịp để chúng ta thể hiện lòng tri ân và biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ đi trước, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Ảnh: SC

 

Ở tỉnh ta, thời gian qua, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi luôn được quan tâm triển khai kịp thời, hiệu quả.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi; tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội; phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đáp lại sự quan tâm ấy, trong các giai đoạn cách mạng, người cao tuổi luôn nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, thể hiện vai trò, vị thế là chỗ dựa vững chắc, động lực góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Với hơn 46.344 người cao tuổi, chiếm khoảng 7,4% dân số toàn tỉnh, trong đó có 33.463 hội viên sinh hoạt ở 742 chi hội người cao tuổi (tính đến tháng 6/2024), hội viên người cao tuổi đã quán triệt, thấm nhuần và thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Ở tất cả các mặt trận, từ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ hủ tục; làm đường giao thông đến xây dựng thôn, làng “no đủ - vững mạnh - an toàn”, đều có sự đóng góp của người cao tuổi.

Nhiều người cao tuổi còn phấn đấu chiến thắng tuổi tác, bệnh tật, trở thành những điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi; tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự và các hoạt động ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn  còn một bộ phận người cao tuổi đang đứng trước những tác động rủi ro của thiên tai, của tuổi già không còn khả năng lao động, không có tích lũy; ốm đau, bệnh tật kéo dài, không nơi nương tựa, không bảo hiểm y tế, thậm chí bị bạo hành, ngược đãi.

Vì vậy, mỗi cơ quan, tổ chức, từng gia đình, cá nhân và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc triển khai tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người cao tuổi. Có các hành động cụ thể nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi, như chăm sóc sức khỏe, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, tư vấn công tác xã hội.

Triển khai hiệu quả Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2024 với chủ đề “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”, nhằm lan tỏa, kêu gọi sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, cộng đồng và xã hội đối với người cao tuổi.

Và quan trọng nhất là thay đổi quan niệm “Người cao tuổi là gánh nặng” thành “Người cao tuổi là tài sản”.  

Sông Côn

Chuyên mục khác