Ngục Kon Tum: Địa chỉ đỏ trong giáo dục thế hệ trẻ

24/09/2024 13:01

Ngục Kon Tum là một trong những Di tích lịch sử Quốc gia phản ánh những gian khó của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, các cấp Hội- Đội trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức cho thế hệ trẻ đến với Ngục Kon Tum để giáo dục truyền thống, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chị Thái Thị Hoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh thông tin: Trong những năm qua, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho hội viên, thanh niên và thiếu nhi. Trong đó, Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum luôn là một trong những địa điểm được các đơn vị lựa chọn để hướng về. Hằng năm, các cấp hội đã tổ chức cho hàng trăm lượt hội viên, thanh niên, thiếu nhi đến thăm và tìm hiểu Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum.

Tiêu biểu như vừa qua, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Hội LHTN tỉnh Đồng Nai tổ chức hành trình tìm về địa chỉ đỏ tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum.

 Tại chương trình, các hội viên, thanh niên đã tiến hành vệ sinh dọn dẹp khuôn viên Di tích. Tuổi trẻ 2 tỉnh đã dâng hoa, dâng hương thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của tuổi trẻ hôm nay đối với những hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông đi trước. Trong giây phút ấy, ai ai cũng cùng một tâm trạng xúc động, bồi hồi khôn tả.

Thanh niên mãi ghi nhớ công lao các thế hệ đi trước. Ảnh: TT

 

Sau lễ dâng hương, các hội viên thanh niên được tìm hiểu về Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum. Tiếng của người hướng dẫn viên cất lên thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người: Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng năm 1930. Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị giặc Pháp đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. Cũng tại chính nơi đây, tháng 9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư.

Lịch sử đấu tranh cách mạng đã ghi nhận một sự kiện gây chấn động đối với thực dân Pháp ngay tại Kon Tum và trên toàn cõi Đông Dương. Đó là Cuộc đấu tranh đẫm máu giữa những người tù chính trị với bọn thực dân, tay sai diễn ra trong hai ngày (12 và 16/12/1931) tại nhà Ngục Kon Tum, khiến 15 chiến sĩ cách mạng hy sinh và 16 đồng chí bị thương. Sự kiện này xuất phát từ việc “phản đối đi Đăk Pét” của những người tù chính trị.

Dưới sự áp bức của Thực dân Pháp, Ngục Kon Tum đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của hàng trăm chiến sĩ cộng sản. Thực dân Pháp đã đàn áp đẫm máu khiến nhiều chiến sĩ kiên trung của Đảng bị giết hại. Tuy nhiên trước những hành động dã man đó, những người tù cộng sản vẫn kiên cường đấu tranh, nhiều người đã anh dũng hy sinh để tiếp tục ngọn lửa đấu tranh, tinh thần cách mạng. Để che đậy những hành động vô nhân đạo và tẩy sạch dấu vết cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, tháng 12/1935, nhà ngục được lệnh đóng cửa.

Tuy nhiên Ngục Kon Tum vẫn ở đó, là minh chứng cho tinh thần anh dũng, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Nhà ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu Di tích lịch sử Quốc gia.

Vào ngày 25/9/2024, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, góp phần tưởng nhớ những công lao, tinh thần cách mạng của các thế hệ đi trước. Đồng thời, để thế hệ trẻ biết đến những trang sử hào hùng của vùng đất, con người nơi đây. Đó là những trang sử được viết lên bằng xương máu, mồ hôi và cả nước mắt. Là sự đồng sức, đồng lòng của bao chiến sĩ cách mạng tại Ngục Kon Tum đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc, cho nền độc lập của dân tộc.

Tuổi trẻ Kon Rẫy cùng Hành trình về nguồn ý nghĩa tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum. Ảnh: T.T

 

Từ Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum, các cấp Hội – Đội tích cực triển khai thành lập các fanpage (trang mạng xã hội), nhóm zalo, facebook để thông tin đến thế hệ trẻ các hình ảnh, bài viết, câu chuyện đẹp về những trang sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, lan tỏa đến hội viên, thanh niên và thiếu nhi.

Hay đối với Thành đoàn Kon Tum, thời gian qua đơn vị đã tích cực khuyến khích liên đội các trường trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động học tập và trải nghiệm thực tế cho thiếu nhi tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum. Các hoạt động được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, sôi nổi, thu hút đông đảo thiếu nhi đến với Di tích. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cách mạng và lòng yêu nước cho các em ngay từ khi còn bé.

Chị Đỗ Thị Hồng Hạnh - Bí thư Thành đoàn Kon Tum bày tỏ: Các hoạt động nhằm cung cấp thông tin cho các em thiếu nhi về lịch sử đấu tranh của nhân dân các dân tộc và các chiến sĩ cộng sản tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum. Đồng thời, để các em thêm hiểu về quá trình thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum và vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Chúng tôi được biết, trong thời gian tới, các cấp Hội – Đội trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều các hoạt động hành trình về nguồn, về địa chỉ đỏ tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum. Điều này không chỉ góp phần cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho thế hệ trẻ về Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cách mạng cho tầng lớp thanh niên, thiếu nhi tỉnh nhà.

Tất Thành

Chuyên mục khác