Ngục Đăk Glei và dấu ấn đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ

08/03/2020 13:01

Đăk Glei, tên gọi địa đầu phía Bắc của tỉnh Kon Tum, mỗi khi nghe đến không chỉ gợi lên một vùng đất sơn thủy hữu tình mà còn lưu nhớ đến Ngục Đăk Glei, một chứng tích về chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nơi đây gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của nhiều chiến sỹ cộng sản trung kiên, trong đó có đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, có bí danh Hoa, Ngọc và Hồng Chinh; sinh ngày 10/8/1914 tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp bậc tiểu học, đồng chí ra Huế học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Đây là ngôi trường do thực dân Pháp thành lập để đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa. Tại đây, đồng chí được giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động trong phong trào học sinh, thanh niên Huế, đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, học sinh.

Huỳnh Ngọc Huệ cùng với Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành, về sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Đào Duy Zếnh được cử làm đại diện cho Đoàn Thanh niên dân chủ của trường và Hội Hướng đạo, Thư ký Hội ái hữu nhà trường. Năm 1937, Huỳnh Ngọc Huệ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt ghép giữa Trường Quốc học và Trường Kỹ nghệ thực hành cùng với các đồng chí Trần Tống (sau này là Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương), Tố Hữu, và làm Bí thư Chi bộ. Tháng 4/1940, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế.

Đầu năm 1941, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ bị thực dân Pháp đày lên Đăk Glei và tại đây đồng chí gặp lại đồng chí Tố Hữu cũng bị đày lên đây sau đó một thời gian và được tặng bài thơ Tiếng hát đi đày.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (1914 - 1949). Ảnh tư liệu

 

Ngục Đăk Glei được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1932 nằm giữa vùng rừng núi mênh mông, khắc nghiệt, đi lại cách trở. Ban đầu, ngục Đăk Glei chỉ giam những người dân địa phương  không phục tùng chính sách cai trị của người Pháp và chính quyền Nam triều tay sai. Từ cuối năm 1939, khi tăng cường đàn áp phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, thực dân pháp đã biến nơi đây thành “căng an trí’’ giam cầm các chiến sỹ cộng sản.

Đa phần những chiến sỹ bị đày lên đây đã mãn hạn tù nhưng bọn chúng muốn tiếp tục cách ly họ khỏi phong trào cách mạng. Chọn nơi giữa đại ngàn, có độ cao trên 1.800m, chung quanh là những dãy núi cao bao bọc, đường vào hiểm trở, rừng đầy thú dữ, chúng hy vọng có thể cách ly, giết dần ý chí, nghị lực của người cộng sản và khống chế nhân dân vùng lân cận. Đồn trưởng là người Pháp, còn lính là người DTTS từ các nơi khác được điều đến. Bọn lính thường xuyên kéo vào các làng, bắt nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm và kiểm soát gắt gao nhân dân.

Ngục gồm khu đồn của sĩ quan và lính Pháp và 3 gian giam cầm, dựng bằng gỗ, mái lợp tranh, vách bằng nứa; chung quanh rào dây kẽm gai và các dãy hầm chông dày đặc. Bọn quản đồn nghĩ rằng nếu ai bị giam nơi đây có tư tưởng vượt ngục cũng khó lòng thực hiện, nếu không biết đường đi sẽ chết đói, chết rét, còn không thì cũng bị thú dữ ăn thịt. Chính vì vậy trong giam giữ tù nhân, địch có phần chủ quan.

Những ngày ở ngục, Huỳnh Ngọc Huệ đã tích cực tham gia các hoạt động cùng với các bạn tù chính trị, biến nhà tù thành trường học cách mạng, tổ chức học văn hóa, bồi dưỡng chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, tăng thêm lòng tin vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đồng chí đem những kinh nghiệm hoạt động trong thời gian bị giam ở nhà lao Thừa Phủ vào nơi giam cầm mới.

Hàng tuần, bạn tù tổ chức sinh hoạt để giải quyết các vấn đề tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong nội bộ. Các đồng chí cũng lập hai tờ báo Lazaret (Phòng chữa bệnh) và Chàng Làng (tên một loài chim). Đồng chí Huệ tham gia viết tin, duyệt nội dung. Các đồng chí cũng cảm hóa vợ tên đồn trưởng, nhờ đó đã giúp đỡ mua sách, báo để có thêm tư liệu, thông tin. Đồng chí Nguyễn Sơn Trà được đồn trưởng giao việc quản lý giấy tờ trên đồn, được anh em giao nhiệm vụ tổng hợp tin tức qua báo chí để cung cấp cho anh em tù nghiên cứu, sinh hoạt.. Huỳnh Ngọc Huệ cũng tích cực tham gia dạy tiếng Pháp, tiếng Hán…

Ngục Đăk Glei là nơi từng giam cầm các nhà thơ cách mạng nổi tiếng, những người tù chính trị. Ảnh: Văn Phương

 

Mỗi dịp Tết đến, tù chính trị lại tổ chức biểu diễn văn nghệ mừng Xuân. Tết Nhâm Ngọ năm 1942, như thường lệ, Ban Văn nghệ được thành lập. Đồng chí Huệ cùng các đồng chí Tố Hữu, Lê Bá Từ, Hà Thế Hạnh tham gia Ban Kịch. Các đồng chí vừa soạn kịch bản, vừa đạo diễn và cũng là diễn viên. Buổi diễn văn nghệ diễn ra thành công, vợ chồng đồn trưởng cũng đến xem thấy hay nên yêu cầu diễn lại.Bấy giờ có khoảng 40 đồng bào do chống chính sách đi xâu cũng bị thực dân Pháp giam tại đây cùng xem văn nghệ và đây là cơ hội để các tù chính trị tiếp xúc và được bà con giúp đỡ, trong đó có A Nhík.

Muốn ra tù trở về với phong trào cách mạng, đồng chí Huệ và nhiều đồng chí nung nấu tìm cách vượt ngục. Thế là, với sự giúp đỡ của các đồng chí Lê Văn Hiến (sau này là Bộ trưởng Bộ Tài chính), Nguyễn Duy Trinh (sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu tổ chức vượt ngục. Cái khó để vượt ngục thành công là phải đảm bảo bí mật, biết đường đi và chuẩn bị lương thực đi đường. Đường đi thì có A Nhík, bí mật thì có anh em bạn tù, còn cái ăn đi đường, thì hàng ngày các anh phân công nhau ở lại nhà bếp để gom cơm cháy mang theo. Nói vậy nhưng mọi việc không đơn giản, cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Chỉ đến trước hôm đi vài ngày, đồng chí Huệ mới nói nhỏ với đồng chí Hà Văn Tính, một bạn tù: “Tụi tau đi, mày ở lại ráng giữ cho được vài hôm”. Ráng giữ vài hôm là để các đồng chí có thời gian đi xa nơi giam giữ, địch khó đuổi bắt kịp.

Tháng 3 núi rừng Tây Nguyên về đêm vẫn lạnh buốt như cắt thịt, bọn lính thường bỏ đi đốt lửa sưởi ấm, có lúc ngủ quên bỏ trực. Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu thống nhất đến khoảng thời gian đó thức chờ sẵn bên trong, còn A Nhík sẽ theo dõi bên ngoài; nếu có động, A Nhík sẽ giả tiếng con mang để hai ông biết đề phòng.

Đêm ngày 14/3, khi tên lính gác ngủ say, Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu theo ám hiệu của A Nhík thoát ra được. Ra khỏi ngục nhưng hai đồng chí không thể hình dung đường thoát thân giữa bốn bề rừng núi. A Nhík soi đường đưa hai người chạy dọc theo suối Đăk Choong rồi nhằm hướng làng Bê Rê. Giữa lưng chừng dốc trên đường đến làng thì trời hừng sáng phải dừng lại. Biết chắc bọn cai ngục đang xua lính đi lùng sục, mọi người phải chờ vài ngày cho tình hình tạm yên và cũng để lấy lại sức. Biết tình hình đã tạm yên, A Nhík đưa cho Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu thức ăn đi đường, một con dao để phòng thú dữ; lấy lá chuối khô dùng than vẽ đường đi rồi tiễn họ xuống tận sông Đăk Mỹ mới quay về.

Từ Đăk Glei về Đại Lộc là con đường đầy gian nan, nguy hiểm. Đường rừng dài ngày, hết thức ăn mang theo, hai đồng chí phải ăn cả lá rừng để sống. Trong khi đó, ngày 20/3/1942, Sở mật thám Trung Kỳ ở Huế có đánh đi bức điện số 431 gửi đến nhà chức trách các địa phương từ Thanh Hóa vào đến Quy Nhơn, Đà Lạt để truy tìm Huỳnh Ngọc Huệ và Nguyễn Kim Thành. Nội dung bức điện ghi rõ hình dáng cả lai lịch của hai người.

Gần 27 ngày đêm, hai đồng chí về đến làng Rô, nay thuộc huyện Nam Giang. Tại đây, hai đồng chí được đồng bào che chở, nuôi nấng và hướng dẫn đường về Đại Lộc và tiếp tục con đường hoạt động cách mạng.

Riêng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ lại bị bắt và bị đày lên Đăk Tô, Kon Tum, rồi lại vượt ngục và bị địch bắt giam ở nhà lao Đà Nẵng. Nhật đảo chính Pháp, đồng chí ra tù, được cử tham gia Tỉnh ủy viên Quảng Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung bộ, Bí thư Hội công nhân cứu quốc Trung bộ, đại biểu Quốc hội khóa I, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính ủy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Bí thư Khu ủy 5. Đồng chí hy sinh ngày 27/4/1949 để lại niềm thương tiếc vô hạn trong bạn bè, đồng chí và người thân; an táng tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét: “Qua các lần tiếp xúc và theo dõi công tác của đồng chí ở khu 5, tôi thấy đồng chí thông minh, sắc sảo, nắm chắc tình hình, có nhiều triển vọng, tiếc rằng đồng chí qua đời quá sớm”.

Ghi nhận công lao của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Đảng và Nhà nước đã truy tặng cho đồng chí Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều trường học, đường phố ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng mang tên đồng chí. Từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định trao “Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ” cho cán bộ công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động có nhiều thành tích nhân ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7).

Phan Xuân Quang

Chuyên mục khác