04/05/2018 13:33
Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh- A Tiên thở dài: Xã còn nghèo lắm! Toàn xã có 673 hộ với hơn 2.600 khẩu, hơn 99% là đồng bào Xơ Đăng; nhưng có tới 566 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo, chiếm 89% tổng số hộ trong xã. Sở dĩ số hộ nghèo cao như thế này không phải do người dân không chăm chỉ làm ăn, chính quyền xã thiếu chú trọng phát triển kinh tế - xã hội hay các cấp, các ngành thiếu quan tâm, đầu tư, mà bởi trăm cái khó khiến cho kinh tế của xã chậm phát triển, thu nhập của người dân đạt thấp.
Xã Ngọc Linh có 17 thôn, làng thì có tới 8 thôn, làng hiện chưa có đường giao thông. Do người dân sống ở tận trên núi cao nên rất khó để mở được đường lên làng, lên xóm. Mỗi lần muốn ra khỏi làng, người dân phải cắt núi, xuyên rừng, men theo suối mà đi.
|
Những thôn như Tân Rát, Lê Toan, Đăk Nai từ làng xuống đến trung tâm xã phải đi bộ mất 2 – 3 tiếng đồng hồ. Đó là những ngày trời nắng, còn những ngày trời mưa thì cuộc sống của người dân các làng này gần như biệt lập với bên ngoài.
Đường từ xã đến làng đã khó, đường từ làng tới ruộng, rẫy càng khó hơn. Thế nên, sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Mỗi mùa gieo trồng, người dân phải gùi từng gùi hạt giống, cây giống từ xã về nhà rồi lại từ nhà ra rẫy, đến mùa thu hoạch cũng lại phải cõng từng gùi lúa, gùi bắp, bao cà phê từ ruộng, rẫy về nhà.
Sau đó, người dân lại phải gùi từng bao cà phê, bắp từ nhà xuống xã để bán rồi mua hàng hoá nhu yếu phẩm gùi về.
Nhìn vào từng đó bước vận chuyển mới thấy, người dân phải bỏ ra quá nhiều thời gian, công sức mà năng suất lao động lại không cao.
Ông A Pinh (làng Tân Rát) chia sẻ: Mỗi lần muốn bán bao cà phê hay con gà, con heo, chúng tôi phải cõng bộ từ nhà xuống trung tâm xã, vừa đi vừa về cũng mất hơn nửa ngày trời. Mỗi gùi lúa, cà phê bán đi chỉ được có vài trăm ngàn đồng nhưng mất rất nhiều công sức.
“Đường đi khó không chỉ là rào cản của sự phát triển mà còn khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều bất tiện, trở ngại. Chỉ riêng chuyện mỗi khi trong làng có người ốm đau, sinh nở muốn đưa xuống Trạm Y tế để cấp cứu, điều trị là cả một vấn đề. Rồi việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đưa chủ trương, chính sách, văn hoá đến với người dân cũng gặp nhiều trở ngại”- Chủ tịch UBND xã A Tiên trải lòng.
Lúa vẫn là cây trồng chủ lực của Ngọc Linh, nhưng do ở đây quanh năm lạnh, mưa nhiều nên cây lúa cũng chỉ trồng được 1 vụ trong năm. Với 430ha diện tích lúa ruộng, mỗi năm 1 vụ lúa, năng suất không cao nên sản lượng lương thực chỉ đảm bảo đủ dùng trong nhân dân chứ chưa trở thành cây hàng hoá.
Vài năm gần đây, xã Ngọc Linh cũng đã từng bước vận động nhân dân mạnh dạn trồng cây cà phê xứ lạnh; tuy nhiên, năng suất cây cà phê ở Ngọc Linh không cao như ở các nơi khác bởi khí hậu khắc nghiệt nên cây cà phê đậu quả ít, quả nhỏ.
Ngọc Linh lại nằm cách xa trung tâm huyện, giao thương chưa thuận tiện nên thương lái luôn tìm cách ép giá nông sản của nông dân. Giá cà phê ở đây vào mùa thu hoạch chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với giá bán trên thị trường khiến cho người dân càng khó khăn hơn.
Cũng theo ông A Tiên, yếu tố khách quan là chính, nhưng cũng không thể không nói tới nguyên nhân chủ quan là do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế. Phương thức sản xuất của người dân vẫn chủ yếu vẫn là thủ công, dựa vào thiên nhiên. Người dân chưa mạnh dạn trong việc vay vốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi...
Cái khó của Ngọc Linh là nỗi trăn trở không của riêng xã mà cấp uỷ, chính quyền huyện Đăk Glei cũng rất băn khoăn.
Ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei chia sẻ: Ngọc Linh là xã vùng sâu vùng xa, lại nằm trong vùng an toàn khu nên được huyện rất ưu tiên đầu tư. Thế nhưng, vì địa hình khó khăn, dân cư sống thưa thớt trên núi cao nên suất đầu tư lớn, hiệu quả mang lại không cao. Để tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân, giảm bớt áp lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện cũng đã triển khai phương án đưa dân xuống định cư ở dưới thấp.
“Tuy nhiên, nếu bố trí quỹ đất để di chuyển số đông rất khó nên chỉ có thể vận động người dân xuống định cư xen ghép; song việc này cũng không đơn giản vì quan niệm, thói quen rất khó thay đổi của người dân...” - ông Lộc cho hay.
Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, các cấp, các ngành của huyện Đăk Glei và xã Ngọc Linh đã và đang tìm những hướng đi thích hợp. Trong đó, huyện tập trung hỗ trợ, tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển cây dược liệu với giá trị kinh tế cao, nhất là cây sâm dây và sâm Ngọc Linh.
Đây có thể xem là chìa khoá để từng bước tháo gỡ bớt những khó khăn cho đời sống của người dân xã Ngọc Linh. Mặc dù hướng đi này, cách làm này còn khá mới không phải hộ dân nào cũng mạnh dạn và có điều kiện để thử sức, nhưng đó là tín hiệu đáng mừng, mở ra hướng để Ngọc Linh phát triển trong tương lai…
Hương Nga