Ngọc Hồi: Từng bước đầu tư nhà vệ sinh trường học

02/11/2016 14:00

Trước tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, gây mùi hôi, các trường học trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đang cố gắng xây dựng, giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Xuống cấp

Trường Mầm non Họa Mi (xã Sa Loong) có 5 điểm trường (4 điểm lẻ và 1 điểm chính). Ngoài điểm trường chính có nhà vệ sinh đàng hoàng thì 4 điểm lẻ hiện tại chỉ sử dụng nhà vệ sinh tạm bợ.

Như điểm trường thôn Cao Sơn, các cô giáo và 62 cháu đang phải sử dụng chung 1 khu vệ sinh nhiều không. Khu vệ sinh cách phòng học tầm 20m, có 2 phòng được xây bằng xi măng, chưa được quét vôi. Bên trong, mặt bệ được làm bằng bê tông, lỗ tiêu nhỏ, không có nắp đậy kín. Nhà vệ sinh không có cửa nên các cô phải lấy tạm 2 tấm bạt để che chắn.

“Không có cửa chắc chắn nên cũng ngại lắm. Khổ nhất là không có nước, mỗi lần, chúng tôi phải xách từng xô nước từ phía trước ra sau này để rửa tay”- cô giáo Phan Thị Xuân Thảo cho biết.

Nhà vệ sinh này không phải do nhà trường xây dựng. Trước đây do điểm trường không có nhà vệ sinh nên phụ huynh đã tự góp quỹ xây dựng. Sau 3 năm sử dụng, nhà vệ sinh đã xuống cấp, rất hôi. Hôm chúng tôi đến, đứng từ phía phòng học đã ngửi thấy mùi hôi hám, khó chịu từ nhà vệ sinh bay vào. “Ngày nào chúng tôi cũng dành thời gian quét dọn sạch sẽ, sử dụng tro, vôi bột để xử lý nhưng vẫn nặng mùi lắm” – cô Thảo bộc bạch.

Hay như tại Trường Tiểu học Đăk Xú (xã Đăk Xú), toàn trường có 750 em học sinh nhưng chỉ có 1 khu vệ sinh cho cả nam và nữ dùng chung. Khu vệ sinh này cũng chỉ có 3 phòng và diện tích rất chật, không đảm bảo. Lối đi rất nhỏ, xi măng bị lở từng mảng gây đọng nước…

Nhiều nhà vệ sinh tạm bợ, không đảm bảo. Ảnh: H.T

 

Thầy Nguyễn Đức Dương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà vệ sinh này được xây từ năm 1996-1997 nên nay xuống cấp. Khoảng năm 2013-2014, nhà vệ sinh bốc mùi hôi, nhà trường phải xây một bức tường chắn để ngăn bớt mùi bay vào phòng học. Thời gian gần đây, nhà trường đã trích một khoản phí để thuê người dọn dẹp, làm vệ sinh sạch sẽ.

Nhà vệ sinh không đảm bảo gây bất tiện cho cả học sinh và giáo viên. Nhiều em học sinh ngại đi vệ sinh vì phòng vệ sinh chật chội, hôi hám. Việc “nhịn” vệ sinh không chỉ gây mất tập trung trong giờ học mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em.

“Dẫu biết vậy nhưng nguồn xã hội hóa của nhà trường quá ít, không đủ để xây dựng một khu vệ sinh mới. Bởi vậy chúng tôi chỉ vôi ve cho sạch sẽ thôi, khi nào có kinh phí, chúng tôi sẽ xây dựng mới” – thầy Dương cho biết.

Không thể xem nhẹ

Không thể xem nhẹ vấn đề vệ sinh trường học vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc học cũng như sức khỏe của học sinh nên hiện nay, một số trường trên địa bàn huyện đã tập trung đầu tư cho nhà vệ sinh.

Trường Mầm non Sơn Ca (xã Đăk Kan) là một ví dụ. Hiện trường có 6 điểm trường (trong đó có 5 điểm lẻ và 1 điểm chính). Trong 5 điểm lẻ, trừ điểm trường ở thôn Hòa Bình, còn các điểm trường khác đều có nhà vệ sinh đảm bảo.

Như tại điểm trường chính, mỗi một phòng học đều được xây dựng nhà vệ sinh theo đúng quy cách. Trong phòng có 5 bệ xí có nắp đậy, vòi nước, vòi rửa tay đàng hoàng. Diện tích rộng, nước đầy đủ, đảm bảo cho các em đi vệ sinh thuận tiện.

Cô Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vì trường mới xây nên các công trình vệ sinh đều được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn. Mới đây, trường còn xây thêm 2 khu vệ sinh, mỗi khu có 2 phòng đảm bảo việc đi lại, vệ sinh cho giáo viên. Cùng với các nguồn, chúng tôi cũng vận động xã hội hóa để xây dựng nhà vệ sinh.

Tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đăk Kan) cũng có 2 khu vệ sinh, trong đó có 1 khu dành cho nam và 1 khu nữ. 2 khu được xây dựng tách biệt, cách phòng học khoảng 30m. Mỗi khu có 4 phòng được dọn sạch sẽ, có bệ để rửa tay, nước đầy đủ, tiện lợi. Không chỉ có điểm trường chính, mới đây nhà trường cũng tu sửa, đặt lại bệ, làm lại hệ thống nước ở nhà vệ sinh tại điểm trường thôn Ngọc Tụ và Hòa Bình.

Cô Đặng Thị Uyên Chi – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây nhà vệ sinh tại điểm trường thôn Hòa Bình được dự án “Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” đầu tư xây dựng. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, khi nhà vệ sinh có biểu hiện xuống cấp, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp để tu sửa. Còn tại điểm trường ở thôn Ngọc Tặng chỉ có 39 học sinh nhưng có một khu vệ sinh 4 phòng sạch sẽ.

Cùng với các điểm trường trên, hiện tại, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Plei Kần) cũng đang chuẩn bị xây dựng trường có nhà vệ sinh theo quy chuẩn: có chỗ thông gió, được trang trí đàng hoàng, có gương, có bệ rửa tay sạch sẽ. Một số trường mầm non tư thục như Trường Mầm non Bình Minh cũng tập trung đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đảm bảo.

Một số trường tập trung xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: M.T

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi hiện quản lý 33 trường công lập, trong đó có 10 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 9 trường THCS. Với bậc mầm non có tất cả 47 điểm trường, có 47 nhà vệ sinh (trong đó có 17 nhà vệ sinh tạm bợ); bậc tiểu học có 17 điểm trường và có 24 nhà vệ sinh; bậc THCS có 9 điểm trường và có 15 nhà vệ sinh.

Theo ông Ngô Tấn Quyết – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi, Phòng đã rà soát tổng thể các nhà vệ sinh của các đơn vị trường học; đánh giá phân loại, từ đó có kế hoạch và lộ trình để xây dựng và sửa chữa. “Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian đến, huyện có các chính sách phù hợp, xây dựng nhà vệ sinh đồng bộ và đúng chuẩn, để học sinh không bị “ám ảnh” khi vào nhà vệ sinh” – ông Quyết cho biết.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác