05/01/2020 06:13
Theo phản ánh của các hộ dân, trước đây, tại khu vực dốc Gai Lai có 1 con đường đi vào khu sản xuất, nhưng khi thi công Quốc lộ 14C, nhà thầu thực hiện hạ độ dốc tại khu vực này, tạo thành taluy cao hơn đường khoảng 7m, khiến người dân không thể đi vào được.
“Không có đường đi vào khu sản xuất, việc chăm sóc, thu hoạch nông sản của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi cũng như nhiều hộ dân khác không thể thu hoạch mủ cao su, gây thiệt hại lớn về kinh tế” – anh Vũ Duy Bển, người dân thôn Tân Bình bày tỏ.
Dẫn phóng viên ra xem 2ha cà phê đang héo vàng vì “khát”, chị Đinh Thị Miên rầu rĩ: Bây giờ đã đến mùa khô, cà phê đã héo nhưng tôi vẫn chưa có đường để kéo máy vào tưới, rất lo lắng và xót ruột. Nếu không có hướng xử lý kịp thời, cây trồng của chúng tôi chết khô mất.
Chị Miên cho biết, cách đây vài tháng, chị thu hoạch được khoảng 8 tấn cà phê tươi. Khác với mọi năm, người thu mua chạy xe vào tận rẫy, năm nay, chị phải thuê người chở từng bao cà phê ra Quốc lộ 14C.
“Chúng tôi phải dùng dây cột rồi đẩy từng bao cà phê từ trên cao xuống mặt đường, rất nhọc nhằn, có khi bao bị vỡ, cà phê văng tung tóe… ” – chị Miên nói.
|
Cũng như chị Miên, anh Đoàn Văn Nam có 7ha rẫy nằm trong khu vực này (5ha cao su và 2ha mít Thái). Ngày trước, vào mùa thu hoạch, anh chỉ cần một chuyến xe tải là chuyển được mít về nơi nhập hàng. Nay không có đường vào, anh phải thuê 6 nhân công chuyển gần 3 tấn mít xuống mặt đường.
Theo lời các hộ dân nơi đây, ngay khi công trình chuẩn bị thi công, bà con đã ý kiến với nhà thầu và được hứa sẽ đào đất để tạo thành đường cho nhân dân đi lại. Tuy nhiên, khi công trình thi công xong, nhà thầu vẫn không thực hiện” – anh Bển bức xúc.
Trước thực trạng trên, ngày 27/12/2019, người dân tự bỏ khoảng 7 triệu đồng thuê xe máy đào để san ủi, sửa lại đường đi, đồng thời đề nghị đơn vị thi công hỗ trợ. Theo đề nghị của bà con, đơn vị thi công hỗ trợ 2 xe tải để chở đất đi nơi khác. Tuy nhiên, khối lượng đất cần múc để làm lại đường đi quá lớn, bà con không thể tiếp tục thực hiện được.
Nhận được phản ánh của người dân, sáng 30/12/2019, UBND xã Đăk Kan đã tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường. Ông Trần Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết, qua kiểm tra, UBND xã đã trao đổi và đề nghị trong quá trình chờ đề xuất các cấp, các ngành xem xét giải quyết, bà con không tiếp tục múc đất cũng như không gây cản trở cho đơn vị thi công.
“UBND xã đã liên hệ với nhà thầu thi công nhưng được trả lời hạng mục công việc này không nằm trong hồ sơ thiết kế và dự toán nên không thực hiện. Hiện tại chúng tôi đã báo cáo vấn đề này lên huyện”- ông Tùng nói.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Ninh Mạnh Đỉnh – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu đường Kon Tum cho rằng, trong hồ sơ thiết kế làm Quốc lộ 14C không có thiết kế phần đường nối lên khu sản xuất của hộ dân, tuy nhiên, đơn vị đã chủ động đào, san lại đường để xe máy có thể đi được vào khu sản xuất.
Theo ông Đỉnh, không có chuyện người dân phải giăng dây, sử dụng ròng rọc để vận chuyển nông sản. “Chính tôi chỉ đạo anh em đào, vuốt đường để bà con có thể đi được, làm gì có chuyện giăng ròng rọc…” – ông Đỉnh nhấn mạnh, và cho biết sẵn sàng hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy con đường vào khu sản xuất vẫn nằm trên cao, cách mặt Quốc lộ 14C khoảng 7m. Hiện tại, người dân đang “ngồi trên đống lửa” nhìn cây trồng khô héo từng ngày. Hy vọng đơn vị thi công “nói đi đôi với làm”, sớm có biện pháp hỗ trợ làm đường vào khu sản xuất cho người dân.
Hoài Tiến