Ngọc Hồi: Tăng cường vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

19/03/2019 13:08

Tính đến đầu tháng 3/2019, huyện Ngọc Hồi có 37.863 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là các loại bảo hiểm), giảm 1.819 người, tương đương với 4,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 2.432 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, (tăng 38 người, tương đương 1,5%), 45 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (giảm 67 người), 37.863 người tham gia bảo hiểm y tế (giảm 1.819 người, tương đương 4,8%).

Chị Y Long - cán bộ Lao động-Thương binh xã hội xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) cho biết, trước năm 2017, khi xã chưa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn xã có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Nguyên nhân khiến tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng cao là do Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Thế nhưng kể từ tháng 3/2017 đến nay, khi xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, theo quy định người dân không được hưởng chế độ hỗ trợ bảo hiểm y tế nữa nên tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế nên đến nay, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng lên đáng kể. Hiện, toàn xã đã có 2.670 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm trên 72,5% số dân trong xã.

Cán bộ BHXH huyện Ngọc Hồi hướng dẫn khách hàng tham gia BHYT. Ảnh: V.H

 

Theo ông Nguyễn Văn Mười - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Ngọc Hồi, tính đến đầu tháng 3/2019, toàn huyện Ngọc Hồi có 37.863 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giảm 1.819 người, tương đương với 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng từ đầu năm 2019 đến nay, Bảo hiểm Xã hội huyện đã cấp mới sổ bảo hiểm xã hội cho 25 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ 1% so với số lao động đang tham gia các loại bảo hiểm; cấp lại 8 sổ bảo hiểm xã hội do nghỉ hưởng trợ cấp 1 lần sau đó tiếp tục đi làm lại; cấp mới 778 thẻ bảo hiểm y tế và cấp lại 207 thẻ bảo hiểm y tế do mất, do thay đổi nơi khám chữa bệnh và quyền lợi. Đồng thời, đơn vị đã chi trên 4,74 tỷ đồng các loại bảo hiểm cho các đối tượng tham gia các loại bảo hiểm, tăng gần 72,3 triệu đồng, tương đương 1,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước 1,57 tỷ đồng và chi từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc 3,17 tỷ đồng.

Đối với hoạt động thu, Bảo hiểm Xã hội huyện Ngọc Hồi đã thu các loại bảo hiểm đạt 10,964 tỷ đồng, tăng 5,274 tỷ đồng, tương đương 52% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp 4,689 tỷ đồng (tăng 353 triệu đồng, tương đương 8,1%), thu bảo hiểm xã hội tự nguyện 33 triệu đồng (giảm 8 triệu đồng, tương đương 27,2%), thu bảo hiểm y tế 6,236 tỷ đồng (giảm 4,934 tỷ đồng).

Trước tình hình trên, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong dân về tham gia các loại bảo hiểm thông qua các hình thức như: treo 9 băng rôn và 10 cờ phướn tuyên truyền về các loại bảo hiểm tại UBND các xã, trạm y tế các xã, trụ sở bảo hiểm xã hội, Bệnh viện Đa Khoa khu vực Ngọc Hồi và các trục đường chính của huyện; tổ chức diễu hành bằng xe gắn máy tuyên truyền về chính sách các loại bảo hiểm trên địa bàn huyện; tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, giải đáp những thắc mắc cho người dân tại 2 xã Đăk Nông và Đăk Xú...

“Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng việc vận động nhân dân tham gia các loại bảo hiểm còn thấp và nợ đọng bảo hiểm vẫn còn cao. Nguyên nhân là do sự phối hợp của một số đơn vị sử dụng lao động và quản lý đối tượng trong việc thực hiện chính sách các loại bảo hiểm đôi khi chưa được tốt; một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn chưa thực hiện việc đăng ký tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động theo quy định của pháp luật; một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn còn nợ đọng kéo dài, đã nhắc nhở và lập danh sách gửi Bảo hiểm Xã hội tỉnh thanh tra nhưng vẫn chưa nộp, dẫn đến tỉ lệ nợ cao” - ông Nguyễn Văn Mười nhìn nhận, đánh giá.

Cụ thể, tính đến đầu tháng 3/2019, các đơn vị tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động trên địa bàn huyện vẫn còn nợ 2,127 tỷ đồng, tăng 175 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nợ bảo hiểm y tế 561 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 1,566 tỷ đồng, tăng 152 triệu đồng.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Văn Mười cho biết, trong thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội huyện Ngọc Hồi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và các bộ luật của Nhà nước về các loại bảo hiểm sâu rộng trong nhân dân và tại các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh; thường xuyên phối hợp với cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội huyện triển khai mở rộng các đối tượng tham gia các loại bảo hiểm, nhất là bảo hiểm y tế đến với toàn dân.

Đối với Bảo hiểm xã hội huyện cũng sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đưa công tác vận động người dân và người lao động tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ xếp loại thi đua hàng năm....            

            Vĩnh Hà

Chuyên mục khác