Ngọc Hồi ổn định công tác dạy và học

14/10/2022 13:05

Bước vào năm học 2022-2023, mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhưng với việc chủ động, sáng tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi nhanh chóng ổn định công tác dạy và học với quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Thầy giáo Lương Văn Trường- Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Plei Kần thông tin với chúng tôi: Năm học 2022-2023, nhà trường có 57 CBGVNV, 27 lớp với 1.016 học sinh, tăng 98 em so với năm học 2021-2022. Ngay sau ngày khai giảng, nhà trường triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Plei Kần có 25 lớp với 852 học sinh. Nhà trường tổ chức học 9 buổi/tuần đối với 25 lớp và tổ chức bán trú cho 24/25 lớp theo nhu cầu của phụ huynh học sinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến- giáo viên nhà trường bộc bạch: “Tôi tham gia dạy học đã 14 năm. Trong quá trình công tác, luôn học hỏi các đồng nghiệp đi trước, đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh dễ tiếp thu bài giảng; tăng cường kỹ năng tư vấn, định hướng nhằm phát huy năng lực học tập của học sinh”.

Trường THCS thị trấn Plei Kần ổn định công tác dạy và học năm học 2022-2023. Ảnh: Q.Đ

 

Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi có 866 CBGVNV; trong đó có 75 cán bộ quản lý, 750 giáo viên và 41 nhân viên (bậc mầm non 235 người, gồm 29 CBQL, 194 giáo viên, 12 nhân viên; bậc tiểu học 358 người, gồm 27 CBQL, 314 giáo viên, 17 nhân viên; bậc THCS 273 người, gồm 19 CBQL, 242 giáo viên, 12 nhân viên); trong đó có 185 CBGVNV là người DTTS (chiếm 21,2%), bao gồm 9 cán bộ quản lý, 174 giáo viên, 5 nhân viên.

Toàn huyện có 33 trường học; trong đó có 13 trường mầm non (3 trường ngoài công lập), 11 trường tiểu học, 6 trường THCS (1 trường PTDTBT) và 3 trường TH-THCS. Thống kê đầu năm học 2022-2023, trên địa bàn huyện có 508 lớp/15.049 học sinh; trong đó bậc mầm non có 152 lớp/3.971 học sinh, bậc tiểu học có 227 lớp/6.750 học sinh, bậc THCS có 129 lớp/4.328 học sinh; riêng học sinh DTTS có 8.571 em, chiếm tỷ lệ 56,95%.

Ông Kiều Quốc Tường- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho biết: Năm học 2022-2023, toàn ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi còn thiếu 136 giáo viên so với biên chế được giao. Trong đó, bậc học mầm non thiếu 101 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 19 giáo viên và bậc THCS thiếu 16 giáo viên. Vấn đề khó khăn hiện nay là để thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 6, 7; huyện Ngọc Hồi còn thiếu 5 giáo viên Tin học, 4 giáo viên tiếng Anh dạy cấp tiểu học và hiện nay chưa có giáo viên dạy nhóm các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý.

Hướng dẫn học sinh học tập. Ảnh: QĐ

 

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trước mắt, Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi đề nghị Sở GD&ĐT, UBND huyện bổ sung chỉ tiêu biên chế; tổ chức tuyển dụng công khai, thi tuyển, xét tuyển, hợp đồng thêm giáo viên theo định biên. Mặt khác, tạm thời điều chuyển giáo viên từ vùng có điều kiện đến dạy vùng khó khăn, đặc biệt là những bộ môn thiếu giáo viên giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018; phân công giáo viên cùng trường dạy kiêm nhiệm các bộ môn mà giáo viên được điều động tăng cường giảng dạy tạm thời cho các trường vùng khó.

Đối với học sinh DTTS, Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tổ chức dạy phụ đạo đối với những em yếu; phát triển và nhân rộng mô hình học tập “đôi bạn, nhóm bạn cùng tiến”; tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và khả năng học tập của học sinh. Đồng thời, điều chỉnh nội dung dạy học theo các chủ đề học tập phù hợp với từng đối tượng học sinh; vận dụng các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến, tiếp cận định hướng Chương trình GDPT 2018 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo.

Mặc khác, Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến, hệ thống bài giảng, kho học liệu số theo hướng dẫn của ngành. Nâng cao tần suất khai thác, sử dụng các phần mềm ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý, soạn giảng, dạy và học. Nâng cao việc chuyển đổi quản lý, sử dụng hồ sơ, sổ sách trên môi trường mạng. Vận dụng tối đa ưu điểm của công nghệ số để kết nối, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội và giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục.

“Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên, thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục duy trì các tổ tư vấn dạy học; trong đó chú trọng việc triển khai dạy học cho lớp 3, lớp 6, lớp 7 để nắm bắt tình hình, chỉ đạo điều chỉnh kịp thời. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua xây dựng các chuyên đề môn học, chuyên đề tích hợp liên môn; tăng cường hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học; xây dựng học liệu số, đồ dùng dạy học số để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giảng dạy của giáo viên và việc học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Kiều Quốc Tường nhấn mạnh.     

Quang Định

Chuyên mục khác