Nghĩa tình nơi biên giới

18/02/2018 13:01

​Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, những người lính và người dân ở mảnh đất biên cương Đăk Blô (huyện Đăk Glei) và Đăk Ba (huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) luôn gắn bó keo sơn, chung tay giữ vững đường biên, cột mốc.

Tình anh em

Mưa suốt đêm khiến đường đến Đồn Biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) thêm cách trở. Lặn lội cả ngày, chúng tôi mới vào đến Trạm cửa khẩu phụ Đăk Blô.

Đón chúng tôi tại Trạm, đại úy A Dẻ - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Thanh niềm nở: Đường vào đồn bị cô lập rồi. Uống ngụm nước, nghỉ ngơi một lát rồi tôi dẫn qua thăm “Người anh em”.

“Người anh em” mà Đại úy A Dẻ nhắc đến chính là Đại đội Bảo vệ biên giới 532 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông). Dù mới kết nghĩa hữu nghị vào tháng 4 nhưng từ trước đến nay, Đồn Biên phòng Sông Thanh và Đại đội Bảo vệ biên giới đã gắn kết, keo sơn với nhau như anh em một nhà.

Đại đội Bảo vệ biên giới 532 của nước bạn chỉ cách trạm khoảng 100m. Phía trước Đại đội, cờ Việt Nam, Lào phấp phới tung bay dưới cái gió biên giới hanh hao.

Hôm chúng tôi đến, chỉ huy Đại đội đi vắng. Đại úy A Đại - Đồn Biên phòng Sông Thanh liền bấm điện thoại gọi cho Đại úy Sisavanh Chanviray – Chính trị viên phó, Đại đội Bảo vệ biên giới 532. Chỉ sau vài tiếng tút, Đại úy Sisavanh Chanviray bắt máy, tỏ ý luyến tiếc khi bận việc không gặp được đoàn.

Dù 2 đơn vị thuộc 2 nước khác nhau nhưng rất thân thiết, keo sơn. “Ở đây có vui buồn gì 2 đơn vị đều có nhau” – đại úy A Dẻ nói. Với chút vốn liếng tiếng Việt, Đại úy Sisavanh Chanviray cũng niềm nở qua điện thoại: Mọi người như anh em một nhà, cùng canh giữ đường biên, cùng sẻ chia vui buồn...

Về lại Trạm, nhấp ngụm nước chè đặc quánh, đại úy A Dẻ kể, từ mấy năm nay, sáng dậy, khi nghe tiếng kẻng báo thức của bộ đội ta, các cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 532 đều dậy, sang cùng tập thể dục.

Nghĩa tình không chỉ dừng lại ở việc sẻ chia, hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ tại 2 đơn vị cũng phối hợp, bảo vệ từng đường biên, cột mốc nơi biên giới. Và đặc biệt, mỗi lần gặp nhau, tất cả cùng hòa vang khúc hát Hà Nội – Viêng Chăn. Và bài hát “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” cũng được cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 532 thuộc làu.

Hàng xóm thân thiết

Mỗi lần thấy các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh đến, người dân tại bản Đăk Ba (Lào) lại vui mừng như hội. “Ma lẹo, ma lẹo” (đến rồi, đến rồi – theo tiếng Lào), bà con hân hoan ra chào đón.

Người dân ở bản Đăk Ba – Lào rất yêu quý cán bộ, chiến sỹ tại Đồn Biên phòng Sông Thanh. Ảnh: H.T

 

“Lâu lâu không thấy các chú bộ đội qua, bà con trong bản lại thấy thiếu thiếu, nhớ lắm thôi” - ông Chăn Phát - Phó thôn trưởng bản Đăk Ba bày tỏ.

Công tác tại Đồn Biên phòng Sông Thanh 9 năm, không chỉ thuộc làu những tuyến đường tuần tra, đại úy A Dẻ, A Đại còn rành rọt đường đi, lối lại, nắm rõ từng hộ dân ở bản Đăk Ba.

Đại úy A Dẻ bảo rằng, tuy hai nước nhưng như một nhà, cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Sông Thanh với Đại đội Bảo vệ biên giới 532 và bà con bản Đăk Ba thân thiết, keo sơn lắm.

Đại úy A Dẻ kể: Năm 2004, khi Đồn đang xây dựng cũng là lúc bản Đăk Ba mới thành lập. Lúc đấy cán bộ, chiến sĩ ở Đồn đã qua giúp bà con làm nhà. Và ngược lại, bà con cả bản Đăk Ba lại chạy sang, giúp đơn vị làm lán. 

Không chỉ giúp đỡ khi khó khăn, năm nào cũng vậy, Đồn Biên phòng Sông Thanh cũng gom góp, tặng quần áo và nhu yếu phẩm, giúp đỡ bà con bản Đăk Ba.

Những năm trước, khi đường sá cách trở, mỗi ngày, bà con ở bản Đăk Ba lại ghé sang Đồn Biên phòng Sông Thanh, Trạm cửa khẩu phụ Đăk Blô để được tận tình khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí.

Cùng với việc giúp người dân chữa bệnh, cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn hướng dẫn, giúp người dân làm kinh tế. “Cách đây vài năm người dân Đăk Ba chủ yếu dùng sức người vào sản xuất. Thấy vậy, mình hướng dẫn họ ra huyện Đăk Glei mua máy cày ruộng về làm. Từ vài hộ làm hiệu quả, đến nay, cả bản Đăk Ba đa số đều có máy cày, năng suất làm việc hiệu quả hơn nhiều” – đại úy A Dẻ kể.

Thường xuyên qua lại hỏi thăm, năm 2016, thấy gia đình Thạo Xi khó khăn (bố mất), cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh liền nâng bước, giúp đỡ Thạo Xi đến trường.

Mỗi tháng, ngoài việc động viên, đồn còn hỗ trợ 500 ngàn đồng để em mua sách, vở, dụng cụ học tập. Được sự nâng đỡ của đồn cộng thêm sự giúp đỡ của bà con trong bản, đến nay, Thạo Xi học tốt từng ngày.

Tưng bừng đón Tết Việt

Dù quốc tịch, tiếng nói khác nhau nhưng bất kể lễ hội, ngày kỉ niệm nào ở bản Đăk Ba, của Đại đội Bảo vệ biên giới 532, cán bộ, chiến sĩ ta đều có mặt. “Đám cưới, tết nhất… không có bộ đội Việt Nam cùng dự là bản mình buồn lắm” - ông Chăn Phát bộc bạch.

Rồi những ngày kỉ niệm ở Việt Nam, bà con ở bản Đăk Ba cũng nhớ đến. Lúc mang con gà, khi gạo nếp, bà con đem biếu bộ đội, đơn vị ta với tất cả chân tình.

Thân thiết, quý mến nhau như anh em ruột thịt nên tháng 4 bản Đăk Ba ăn tết Lào nhưng cuối năm vẫn rục rịch mổ heo, gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán Việt Nam.

Đại úy A Dẻ nói rằng, năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết, bà con bản Đăk Ba, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 532 đều qua cùng với đơn vị gói bánh chưng; quây quần, chuẩn bị cho năm mới.

Với đặc thù đóng quân giữa rừng và không quản lý địa bàn có dân, nhưng những ngày tết, tại Đồn Biên phòng Sông Thanh vẫn vui, ấm cúng như những nơi khác. Không vui sao được khi tầm 19h đêm 30 tết, bà con bên bản Đăk Ba lại hồ hởi rủ nhau sang đơn vị, cùng cán bộ, chiến sĩ xem chương trình xuân, ca hát, chờ đón thời khắc giao thừa.

Vào tết, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 532 cũng như bà con ở bản ghé sang, chúc các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh vững tay súng, làm tốt nhiệm vụ, bảo vệ tốt đường biên, cột mốc của Tổ quốc.

Giữa tiết xuân, những cái bắt tay nồng ấm, chân tình, hòa trong lời bài hát Hà Nội – Viêng Chăn càng thêm thắt chặt tình quan hệ hữu nghị của Đồn Biên phòng Sông Thanh với người dân nước bạn Lào.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác