Nghĩa tình Kon Plông

18/01/2023 06:20

Thấm thoát mới ngày nào mà đã 30 năm, kể từ lần đầu tôi đến với mảnh đất Kon Plông. Suốt ngần ấy năm gắn bó với mảnh đất này, tôi cảm nhận rất rõ những đổi thay về mọi mặt của bà con đồng bào DTTS nơi đây. Người Kon Plông đã và đang quyết tâm, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng mảnh đất ở vùng Đông Trường Sơn ngày càng phát triển. 

Tôi “bén duyên” với mảnh đất Kon Plông từ đầu năm 1993, khi tháp tùng cùng đoàn công tác của chú Nguyễn Hồng Quang - khi ấy đang là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến làm việc tại xã Hiếu - nơi ông từng nhiều năm gắn bó thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chuyến đi ấy kéo dài 3 ngày, nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về một vùng đất anh hùng, kiên cường trong kháng chiến, nghĩa tình, thuỷ chung, đầy ắp tình người trong thời bình.

 Đi 3 ngày đường, từ làng nọ đến làng kia để tìm hiểu tình hình thực tế kinh tế - xã hội, đời sống bà con - nơi từng cưu mang, che chở mình, tuy mệt nhưng chú Quang lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười trò chuyện cùng người dân. Những cái ôm hôn thắm thiết, đầm ấm, những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt thể hiện tình cảm bao la của những người cha, người mẹ chào đón đứa con đi xa lâu ngày mới trở về.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm mô hình nuôi, sản xuất cá niêng thương phẩm của hộ gia đình anh A Tông ở thôn Vác Y Nhông, xã Đăk Ring. Ảnh: Thanh Hà

 

Đêm đầu tiên tại nhà rông làng Vi Kơ Lơng, chú Quang, các thành viên đoàn công tác, tôi và bà con thức thâu đêm đến sáng. Chủ và khách vừa uống rượu cần, vừa trò chuyện ôn lại những kỷ niệm xưa. Qua câu chuyện, tôi biết chú Quang từng thoát chết 2 lần khi địch đưa quân càn quét các làng của xã Hiếu để lùng bắt cán bộ cách mạng nằm vùng. Chú Quang chia sẻ rằng, nếu không có sự mưu trí, gan dạ, dũng cảm của bà con thì ông bị địch bắt đi tù từ lâu và không biết còn được sống để về thăm lại bà con dân làng nơi đây như hôm nay không nữa.

Sau chuyến công tác đó, chú Quang về họp bàn với tập thể Thường vụ Tỉnh ủy về công tác định canh định cư cho đồng bào DTTS. Và làng Vi Kơ Lơng được chọn làm điểm, giao Ban Định canh định cư - Kinh tế mới tỉnh (bây giờ là Ban Dân tộc tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan cùng huyện Kon Plông tổ chức di dời, đưa bà con từ phía trong ra xây nhà, lập vườn, sống định cư tập trung gần Quốc lộ 24 và từ đó, bà con định cư ở nơi này cho đến nay.

Hàng chục năm sau này, tôi có hàng trăm chuyến đi công tác tại vùng đất này. Từng sống với bà con từ những năm gian khó cho đến hôm nay, khi đời sống kinh tế đã khấm khá hơn nhưng “tình người” của người dân Kon Plông vẫn vậy - đậm đà, thắm thiết, trọn vẹn nghĩa tình. 

Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc tỉnh Kon Tum, giữa 2 đèo Măng Đen và Vi Ô Lắc, huyện Kon Plông có diện tích tự nhiên 137.965ha, dân số hơn 28.000 người, trong đó, đa số là các dân tộc Xơ Đăng, Hrê. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng, phong tục tập quán khác nhau, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng dân cư vùng Đông Trường Sơn.

Kon Plông có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn xanh thẳm, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ dao động trung bình từ 17-250C. Ẩn dưới những tán rừng nguyên sinh là hệ thống sông, suối, thác, hồ mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất nơi đây. Và chính từ những đặc điểm “thiên thời, địa lợi, ấy đã tạo nên con người Kon Plông “nhân hòa” sống chan hòa, yêu thương, vẹn nghĩa, trọn tình.

Trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Đào Duy Khánh khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2022 sắp qua đi, ông vui vẻ cho biết: Từ xưa tới nay, người dân Kon Plông có tinh thần yêu nước nồng nàn, sống đoàn kết, biết yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau, mến khách, sống có nghĩa, có tình.

Về Kon Plông nghe thổi tà vẩu (một nhạc cụ độc đáo của người Xơ Đăng- nhánh Mơ Nâm). Ảnh: TÚ QUYÊN

 

Phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, 20 năm qua kể từ khi tách huyện (năm 2002), các thế hệ lãnh đạo huyện Kon Plông luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân địa phương, nhất là hộ nghèo DTTS, các gia đình có công với cách mạng.

Ông Khánh chia sẻ, trong năm 2023, huyện huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện để tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Mặt khác, đẩy mạnh phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Năm 2023, huyện Kon Plông phấn đấu đạt mục tiêu: Tổng giá trị sản xuất đạt 3.887,3 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 543 tỷ đồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 82,3%, thu hút 630.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu khoảng 200 tỷ đồng; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,5%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93%; phấn đấu có 73% số trường mầm non, 77,8% trường tiểu học, 63,3% trường THCS đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 xuống dưới 27,2%...

Dẫu biết rằng con đường phía trước còn nhiều thách thức đặt ra, song với những gì đã và đang làm được trong thời gian qua, tin rằng, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trong tương lai không xa, Kon Plông giàu mạnh, xứng đáng là 1 trong 2 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Kon Tum./.

QUANG ĐỊNH

Chuyên mục khác