Nghĩa cử thầm lặng

14/06/2024 06:01

Từ một hoạt động nhỏ lẻ, hiến máu tình nguyện lan tỏa sâu rộng, trở thành hoạt động thường xuyên, bền bỉ ở mọi nơi, mọi lúc. Hàng triệu người đã thực hiện nghĩa cử hiến máu cứu người trong thầm lặng, khi người nhận không hề biết danh tính của mình.

Năm 1999, mẹ tôi có vẻ ngơ ngác khi tôi nói sẽ đi hiến máu. “Hiến máu là sao. Có phải là cho người ta máu của mày không, giống như mấy người bán máu ở bệnh viện ấy”- mẹ hỏi dồn dập.

Tôi giải thích rằng, hiến máu, nói nôm na thì đúng là cho người ta lấy máu của mình. Nhưng không giống như người bán máu, hiến máu là “cho không” những giọt máu của mình để bệnh viện dùng vào việc cứu người.

Trời đất ơi, gầy như que củi như vậy, liệu có lấy máu được không con. Mẹ từng thấy mấy người bán máu ở bệnh viện rồi, người nào cũng xanh mướt ra, trông sợ lắm. Rồi có an toàn không, có lây bệnh tật gì không?- giọng mẹ thoáng hoảng hốt.

Dù sau đó tôi đã giải thích rằng việc lấy máu được tiến hành ở bệnh viện, do nhân viên y tế thực hiện nên rất an toàn; rằng, hiến máu cũng là dịp để kiểm tra sức khỏe, vì sẽ được sàng lọc và kiểm tra; rằng, có khi hiến máu sẽ tăng cân, không còn gầy nữa. Nhưng mẹ vẫn rất lo lắng.

Hoạt động hiến máu tình nguyện đã và đang lan tỏa sâu rộng. Ảnh: HL

 

Cũng nên thông cảm với mẹ tôi, một phụ nữ sinh ra, lớn lên, rồi già đi đều ở nông thôn, tính lại hay lo nghĩ, nên bà lúc nào cũng rất lo lắng khi con cái làm điều gì đó “khác lạ”.

Và với bà, việc “rút máu từ cơ thể ra để cho người khác” là vô cùng khác lạ, thậm chí rất nguy hiểm. Hơn nữa, ngày ấy chuyện hiến máu còn khá xa lạ, ngay cả ở thành phố, nói gì đến nông thôn. Hình ảnh thấy được là những người bán máu chuyên nghiệp ở bệnh viện.

Trong suy nghĩ của mẹ tôi, lấy máu ra là mất, con trai bà sẽ kiệt quệ sức lực. Cho nên, việc thằng con lớn mật đi làm việc “tày đình” như thế có tác động rất lớn với bà. Vì vậy, tôi rất tốn công thuyết phục và động viên bà bình tâm lại.

Không chỉ mẹ tôi lo ngại, mà nhiều người xung quanh tôi cũng có suy nghĩ không đúng về hiến máu. Họ khuyên tôi không nên làm việc này, vì lo “ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. Bản thân họ cũng thừa nhận rằng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hiến máu. Và nếu như không may xảy ra chuyện cần đến máu thì sẽ… mua.

Vì vậy khi ấy, dù máu cho cấp cứu và điều trị thiếu nghiêm trọng nhưng không có bao nhiêu người hiến máu, lượng máu tiếp nhận được phần lớn dựa vào số người bán máu chuyên nghiệp.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, từ việc không có người cho máu, lượng máu tiếp nhận được phần lớn dựa vào số người bán máu chuyên nghiệp, đến hơn 21,3 triệu lượt người trên cả nước tham gia hiến máu tình nguyện (tính đến cuối năm 2023), trong đó có rất nhiều người hiến máu trên 50 lần, thậm chí trên 100 lần, là cả một hành trình dài và bền bỉ.

Và từ một hoạt động nhỏ lẻ, hiến máu tình nguyện đã thành cuộc "cách mạng" thay đổi nhận thức của mỗi người và toàn xã hội về hiến máu. Nghĩa cử cao đẹp này đang ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành hoạt động thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc.

Nhiều bệnh nhân được cứu sống từ nguồn máu hiến. Ảnh: H.L

 

Ở tỉnh ta, đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với hiến máu tình nguyện của các cấp chính quyền và nhân dân. Bởi vậy, hoạt động hiến máu tình nguyện đã và đang nhận được sự hưởng ứng ngày càng lớn của các tầng lớp nhân dân, ở các lứa tuổi. 

Trong những năm qua, nhiều chiến dịch vận động hiến máu lớn đã được tổ chức có hiệu quả, thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia, mang lại cảm xúc tích cực trong xã hội, lan tỏa trong cộng đồng.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh sâu rộng qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, quản lý, chăm sóc người hiến máu tình nguyện.

Đối tượng tham gia hiến máu tình nguyện là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, các tăng, ni, phật tử, chức sắc tôn giáo, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức, quan niệm của người dân về hiến máu tình nguyện.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được 35 đợt hiến máu tình nguyện thu hút trên 9.200 người đăng ký hiến máu, tiếp nhận được 6.498 đơn vị máu tình nguyện, đạt 127,4% so với chỉ tiêu Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện giao.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có gần 2.000 tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh tham gia hiến máu, thu được hơn 1.400 đơn vị máu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 10 ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ tỉnh đến cơ sở; trên 9.200 người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện; 7 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, với 510 thành viên, sẵn sàng hiến máu khẩn cấp khi cần.

Ngoài những con số thống kê ấy còn có đông đảo người dân sẵn sàng hiến máu khi cần, dù máu là vô giá, dù người nhận không biết danh tính người hiến. Với họ, hiến máu là “mệnh lệnh” từ trái tim, cũng là việc làm hết sức bình thường.

Nhưng đã có rất nhiều người được cứu sống nhờ những giọt máu ân tình, từ “việc làm bình thường” trong thầm lặng này của họ.

Để cảm ơn và khuyến khích những người hiến máu tình nguyện, đặc biệt là người hiến máu nhiều lần, năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới đã lấy ngày 14/6 để tôn vinh những người hiến máu.

Trong thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước nhân dịp tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 7/4 hàng năm là Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” (7/4/2000 – 7/4/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái, tính nhân văn sâu sắc của những người hiến máu tình nguyện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng điều đó thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mỗi người đối với cộng đồng, xã hội.

Tại tỉnh ta, để động viên, khích lệ các tình nguyện viên tham gia hiến máu, hàng năm Ban Chỉ đạo rất quan tâm đến công tác tôn vinh, khen thưởng. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã tôn vinh 445 cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện; cử 1 đại biểu tham dự Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu tại  Hà Nội.

Tại buổi gặp mặt 100 người hiến máu tiêu biểu năm 2023 tổ chức chiều 29/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khoa học, công nghệ ngày hôm nay chưa đủ khả năng để tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu. Trái tim con người không chỉ ủ dòng máu nóng hổi, mà còn nồng ấm tình nhân ái, sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc.

Hiến máu là nuôi dưỡng sự sống, thắp sáng niềm hy vọng, thắp sáng ước mơ, thắp sáng những điều tốt đẹp trong cộng đồng, trong xã hội.

Vậy thì, tất cả chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục hành trình thắp sáng, hành trình “hiến máu cứu người” đầy ý nghĩa lớn lao và trách nhiệm nhân văn cao cả.

Bên cạnh đó, đừng quên tôn vinh, trân trọng, biết ơn những người hiến máu tình nguyện đã và đang thực hiện nghĩa cử trong thầm lặng đang ở xung quanh mình.

Hồng Lam

Chuyên mục khác