Nghị lực của người thương binh nhiễm chất độc da cam

05/08/2021 13:00

“Trong mọi hoàn cảnh ông đều cống hiến hết sức mình cho xã hội, cho quê hương”- là nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đăk Hà khi nói về ông Hoàng Ngọc Lự, thương binh 3/4 ở tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà.

Là người trực tiếp cầm súng tham gia kháng chiến chống Mỹ bảo vệ đất nước, nay đã bước sang tuổi 80, lại mang trong mình di chứng chất độc da cam, nhưng ông Lự vẫn luôn cố gắng hết mình để xây dựng cuộc sống kinh tế gia đình, tham gia tốt các hoạt động ở địa phương.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Ngọc Lự vào một ngày cuối tháng 7 mới đây. Cho chúng tôi xem những vết sẹo của mình, ông hoài niệm: Những vết tích này đã đồng hành với tôi mấy chục năm qua. Hầu như khắp cơ thể, chỗ nào cũng có sẹo, như ở chân trái tôi bị trúng bom trong Chiến dịch Trị Thiên tại tỉnh Quảng Trị, hay ở tay cũng bị đạn xuyên qua một lần, trên đầu tôi bị 3 mảnh bom găm trúng… Những vết thương đó dù có nặng, nhưng rồi cũng thành sẹo, duy chỉ có ảnh hưởng do chất độc da cam là vẫn còn dai dẳng, “rỉ máu” cho đến bây giờ…

Nghỉ một nhịp lấy hơi, ông Lự cất giọng trầm buồn: “Bản thân tôi vẫn còn nhiều may mắn khi chỉ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam với tỷ lệ tổn thương cơ thể 40%. Trong khi đó, có những đồng đội, đồng chí của tôi bị liệt cả người, nằm một chỗ, chưa kể còn có nhiều anh em đã hy sinh… Bởi vậy, tôi luôn tâm niệm phải cố gắng và cống hiến hết mình, để làm những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời”.

Ông Lự nói về cuộc đời và những thành tích mình đạt được. Ảnh: T.T

 

Kết thúc chiến tranh, đến năm 1978, ông Lự xuất ngũ trở về quê hương Quảng Bình. Đến năm 1983, theo chủ trương khuyến khích người dân đi xây dựng kinh tế mới, ông đã cùng gia đình đến vùng đất Đăk Hà lập nghiệp. Ngày đầu đến với Đăk Hà là những ngày rất khó khăn, nhưng bản chất Bộ đội Cụ Hồ kiên trì, vượt khó… đã thôi thúc ông vượt qua những bất lợi về sức khỏe để bắt tay vào lao động sản xuất. Mặt khác, ông cũng kịp thời động viên vợ, con cần mẫn làm ăn, chăm chút “đặt từng viên gạch” xây dựng nền móng cho gia đình tại quê hương thứ hai này.

Chỉ vào ngôi nhà khang trang, mát mẻ của gia đình, ông Lự tâm sự: “Thời gian đầu đến đây, cả gia đình sống trong một căn nhà nhỏ, chỉ đủ che nắng, che mưa, trú ngụ qua ngày. Mình cứ siêng năng, cần mẫn, vun đắp…, dần dà cuộc sống cũng ổn định hơn”.

Chọn cây cà phê làm hướng đi chủ lực để phát triển kinh tế gia đình, ông Lự chú trọng việc khai hoang, dần mở rộng diện tích đất canh tác. Vừa làm, vừa học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những người đi trước và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, nhờ vậy, vốn kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê của ông ngày một hoàn thiện hơn. Hiện tại, gia đình ông có 4ha cà phê kinh doanh, thu nhập bình quân khoảng 600 - 700 triệu đồng (đã trừ chi phí) mỗi năm. Từ nguồn thu nhập này, ông có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đầy đủ. Ông mộc mạc chia sẻ trong niềm tự hào, phấn khởi: “Đến giờ, cả 6 đứa con đều đã có việc làm ổn định”.

“Mặc dù được hưởng các khoản trợ cấp, nhưng tôi luôn đặt ra những mục tiêu để bản thân phải nỗ lực lao động tiến lên. Bởi tôi quan niệm, cuộc sống cũng giống như một cuộc chiến, những người lính nếu lang thang vô định, không có mục tiêu cụ thể, đích đến rõ ràng, chắc chắn sẽ thất bại”- ông Lự chia sẻ.

Ảnh hưởng chất độc da cam, ông Lự được chẩn đoán bị viêm thần kinh ngoại biên. Vậy nên có nhiều lúc ông bị liệt chân hoặc đau nhức khắp cơ thể. Tuy nhiên không vì thế làm ông nhụt chí, mà trái lại ông cố gắng nhiều hơn với công việc. Trong phát triển kinh tế gia đình, ông thường đảm nhận những công việc mình có thể làm được để bớt chi phí cho gia đình, như: phun thuốc, tưới cà, chăm sóc cây cà phê… Còn đối với những công việc nặng, cần nhiều sức lực, ông thuê nhân công lao động, vừa tạo việc làm cho người dân tại chỗ, để họ có thêm thu nhập cho gia đình.

Không chỉ nổi bật về phát triển kinh tế gia đình, ông Lự còn là một trong những tấm gương sáng, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông Lự hào hứng: “Coi Đăk Hà như quê hương thứ 2 của mình, nên tôi luôn cố gắng để cống hiến. Gần 40 năm sinh sống tại đây, tôi đã tham gia đảm nhận nhiều vị trí công tác xã hội, như Trưởng ban bảo vệ dân phố của thị trấn Đăk Hà (trong 25 năm), Chi hội trưởng Người cao tuổi thị trấn Đăk Hà, tham gia sinh hoạt hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn… Tham gia các hoạt động, tôi tự hào khi được thực hiện quyền và trách nhiệm của người đảng viên, được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng địa phương ngày một phát triển”.

Với 80 năm tuổi đời và 50 năm tuổi Đảng, ông Lự là một trong những đảng viên tiêu biểu của huyện Đăk Hà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khoe với chúng tôi về giấy khen được Huyện ủy Đăk Hà trao tặng cho 28 đảng viên tiêu biểu nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2020), ông Lự nở nụ cười hạnh phúc: “Không cần quá cầu kỳ, hình thức, mình cứ cố gắng, nỗ lực hết mình”.

Hiện tại dù tuổi đã cao, phải sống chung với những di chứng do ảnh hưởng chất độc da cam, từ những trận chiến năm xưa, nhưng qua tiếp xúc, được trò chuyện với ông, tôi nhận thấy ông luôn luôn toát lên vẻ khỏe khoắn, yêu đời và niềm tin vào cuộc sống.

Tất Thành

Chuyên mục khác