27/08/2020 13:10
Chúng tôi gặp A Biếc khi anh đang thu hoạch mủ cao su. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu mô hình kinh tế của mình, lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại chảy dài trên mặt, anh đon đả: Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, hơn 2ha cao su cho năng suất đạt lắm. Các anh cứ tham quan vườn cao su đi, tôi tranh thủ làm thêm chút rồi qua thăm vườn cà phê.
Gia đình nghèo khó lại đông anh em, sau khi học xong lớp 12, A Biếc tự nguyện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Những năm tháng trong quân đội đã rèn luyện cho anh ý chí kiên cường, chịu khó. Năm 2011, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, lập gia đình.
“Lúc ra quân, tôi được hỗ trợ gần 15 triệu đồng. Dùng số tiền này dồn với tiền tích góp và vay mượn thêm, tôi đầu tư trồng cao su trên 2ha đất bố mẹ cho. Bây giờ vườn cao su đã đến tuổi khai thác, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, mỗi năm được hơn 120 triệu” - A Biếc tâm sự.
|
Là con trai út trong nhà, bố mẹ đã lớn tuổi, nên vợ chồng anh sống chung để tiện chăm sóc. Lúc bấy giờ, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào các loại hoa màu trồng xen canh với cao su, gánh nặng mưu sinh dồn lên đôi vai của anh, buộc anh phải cố gắng nhiều hơn. Ngoài việc làm rẫy, ai thuê làm gì, anh làm nấy, từ bốc vác, phụ hồ, cuốc đất, trồng cây… không hề nề hà.
Những năm đầu, khi cao su còn nhỏ, việc trồng xen canh cây mì còn đem lại thu nhập. Vài năm sau, khi cao su cao qua đầu người, cây mì không còn phát triển tốt, bố mẹ ngày càng già yếu, con cái đến tuổi đi học, áp lực về “cơm, áo, gạo, tiền” đè nặng lên vai vợ chồng anh.
Không để cảnh nghèo đói bủa vây, năm 2015, anh bàn với vợ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua sự hỗ trợ của chính quyền xã để mở cửa hàng tạp hóa cho vợ bán tại nhà, vừa chăm sóc gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập. “Vợ chồng tôi nhận được sự ủng hộ của bà con trong xóm. Mỗi năm, vợ chồng tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng từ việc buôn bán này” - anh A Biếc phấn khởi kể lại.
Năm 2017, thấy gia đình anh A Biếc chịu khó làm ăn, chính quyền xã Đăk Dục tiếp tục giới thiệu gia đình anh vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để phát triển kinh tế gia đình. Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng, cộng số tiền tích lũy được qua nhiều năm, vợ chồng anh đầu tư trồng thêm 300 cây cà phê, đào ao nuôi cá, xây chuồng nuôi 10 con heo nái và đàn heo sọc dưa bán thịt.
Anh A Biếc kể lại: Thời gian đầu mới nuôi heo, tôi tranh thủ vừa làm vừa tìm hiểu các kĩ thuật chăm sóc, thụ tinh nhân tạo qua các chương trình “Bạn của nhà nông”, đọc sách báo, đến các trang trại heo ở các xã khác học hỏi...
|
Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, bầy heo của gia đình lớn nhanh. Tiền lãi bán lứa heo đầu tiên, vợ chồng anh chị đầu tư vào mô hình “nuôi heo đen” và “nuôi bò sinh sản”.
“Nuôi heo mà chăm sóc tốt bán lời lắm, vừa bán heo giống, vừa bán heo thịt, mỗi năm trừ mọi chi phí gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng” - A Biếc phấn khởi cho biết.
Đưa tôi ra thăm ao cá, chỉ tay vào đàn vịt bơi trắng hồ, anh Biếc kể: Trong một lần đi chơi, thấy nhà người bạn nuôi vịt đẻ trứng nên tôi thử nuôi 150 con. Sau 4 tháng, đàn vịt đã cho kết quả, mỗi ngày gia đình thu hơn 100 trứng. Lượng trứng thu được không đủ đáp ứng cho bà con trong xã, trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 20 triệu đồng/năm.
Dạo quanh hồ cá được bao phủ bởi vườn cà phê xanh tốt anh, A Biếc khoe: Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, mới trồng hơn hai năm thôi mà vườn cây đã cao hơn đầu người. Năm ngoái là thu bói mà trái sai như cây lâu năm, trừ chi phí lãi ròng được hơn 20 triệu.
Năm 2018, gia đình anh A Biếc đã thoát nghèo, xây dựng được căn nhà mới khang trang, có của ăn của để, thu nhập hằng năm hơn 300 triệu.
Đánh giá về hội viên A Biếc, ông Đoạt Minh Diên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đăk Dục cho biết: Nhờ cần cù và biết tính toán trong làm ăn nên đến nay gia đình anh Biếc đã thoát nghèo và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương. A Biếc xứng đáng là tấm gương để thanh niên học tập và noi theo.
Văn Tùng