01/06/2018 07:09
“Mẹ ơi, nghỉ hè con làm gì?”, cậu con trai bảy tuổi hỏi tôi vào sáng nay. Sau một đêm say giấc và không còn phải lo bài vở cho buổi học ngày mai, tâm trạng con có vẻ thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Mẹ chưa kịp trả lời thì cậu bé đã vươn mình sảng khoái sau một giấc ngủ đủ đầy kèm với câu nói tiếp theo: “Lớp một ơi lớp một. Vậy là mình đã học xong lớp một, mình đã được nghỉ hè, mùa hè đầu tiên. Mình sẽ làm gì ta?”. Tôi lặng yên nghe con độc thoại mà không khỏi giật mình: Hè đến rồi sao?
Không riêng gì tôi, sau những băn khoăn dễ thương ấy, cho thấy con cũng có những khoảng trống “chông chênh”, phải tập quen khi ngày hè đến gần. Bởi, không còn những buổi sáng mẹ phải đôn đốc vội vã để kịp giờ đến trường, không được gặp bạn bè, thầy cô, không phải soạn sách vở và chuẩn bị bài ngày mới, mà thay vào đó là kỳ nghỉ ngơi, vui chơi. Hẳn sau một năm ý thức học tập miệt mài, con cũng đã mong đợi kỳ nghỉ hè đến thế nào rồi. Vậy nên, tôi chẳng thể nói với con rằng con sẽ đi học hè, học thêm môn này, môn kia. Bởi chỉ là trong suy nghĩ thôi, tôi biết con cũng đã mệt với việc học, học suốt hơn chín tháng rồi còn gì. Biết làm gì cho con và con sẽ làm gì trong kỳ nghỉ hè, để có những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ là điều không dễ.
Nghỉ hè, điều mà cả tôi và con cảm thấy dễ chịu nhất là không phải hò nhau dậy sớm, không phải vội vàng vệ sinh cá nhân nhanh chóng, để kịp ăn sáng và tới trường, mẹ còn đi làm. Và tôi, cũng thấy dễ chịu hơn vì không phải canh giờ đón đưa con. Thế nhưng, trong khi khả năng tài chính hạn hẹp, thời gian thì không có nhiều, tổ chức cho con những kỳ nghỉ hè thông qua những chuyến du lịch, tham gia các sự kiện dành cho trẻ em cũng chỉ là… dự định. Nhà neo người, ông bà nội, ngoại đều bận, cũng chẳng có nhiều thời gian giành cho cháu. Học hè thì nhà trường không tổ chức, với lại con cũng chẳng muốn. Còn các khu vui chơi, giải trí mang tính cộng đồng ở địa phương thì cũng hạn chế, thậm chí là không có. Trung tâm vui chơi tư nhân mở cửa kịp thời, nhưng cũng chỉ hấp dẫn trong thời gian đầu, bởi chơi đi chơi lại những trò cũ, trẻ cũng đã nhàm. Hơn nữa, các địa điểm vui chơi tư nhân mang hình thức kinh doanh, thương mại hóa, mỗi lần ra vào phải mua vé, bản thân phụ huynh phải sắp xếp thời gian hợp lý mới có thể đưa đón và chơi cùng con được.
Vậy ngày hè con làm gì? Tôi mang băn khoăn ấy quan sát nhà lân cận, rồi hỏi thăm người thân của mình, xem kỳ nghỉ hè của con họ thế nào. Hầu hết, những gia đình nào bố mẹ phải đi làm cả ngày, trừ những gia đình có con nhỏ phải đi gửi trẻ, còn các em học sinh cấp một, cấp hai, thì phụ huynh thường khóa trái cửa, “nhốt” con ở nhà tự chơi với nhau, đứa lớn trông chừng đứa bé, và kèm theo lời dặn như trong các phim hoạt hình: Người lạ gọi không được mở cửa nghe con. Nói vậy thôi, không hẳn ở nhà rồi là an toàn, “nhốt” con trong nhà, phụ huynh cũng không yên tâm, bởi những điều xui rủi, không may như các sự cố về điện, nước, chạy nhảy đuổi bắt té ngã… Thế nhưng, cũng đành chịu để cho con ở nhà tự chơi, vợ chồng đi làm thay phiên nhau tranh thủ chạy đi, chạy về.
Cuộc sống hiện đại ngày nay, gia đình nào cũng đầy đủ thiết bị công nghệ hiện đại. Con ở nhà, thoải mái xem tivi, xem chán tivi thì mở máy tính vào internet xem hoạt hình, rồi iPad, điện thoại tiếp cận các trò chơi điện tử… thôi thì còn hấp dẫn hơn thế giới thực ở bên ngoài nhiều.
Đi tìm câu trả lời “Mẹ ơi, nghỉ hè con làm gì?”, nhưng sao khó quá. Tôi nhớ lại những mùa hè trước. Khi ấy, hai con đang học mẫu giáo. Tháng đầu tiên của kỳ nghỉ hè, nhà trường chưa nhận trẻ, nên thời gian đầu của kỳ nghỉ, hai con quanh quẩn ở nhà hết ăn, ngủ, xem hoạt hình trên tivi, lại xem hoạt hình trong máy tính, điện thoại… đến mụ mị cả người. Tôi cũng học theo một số phụ huynh, đặt mua phần mềm học tiếng Anh, học Toán ở trên mạng về cài đặt cho con tập làm quen dần. Nhưng, cũng chẳng ăn thua, bởi những trò chơi vui nhộn hay những bộ phim hoạt hình lôi cuốn hơn.
“Nghỉ hè con làm gì?”. Chắc hẳn, đó không chỉ là câu hỏi của riêng con mà còn nhiều con trẻ khác. Bởi, mùa hè là kỳ nghỉ của con thơ, hoạt động chính là vui chơi, thư giãn đầu óc, dành cả thể chất và trí lực cho năm học mới. Và phải làm gì để con có những kỷ niệm ngọt ngào, nhớ mãi về sau là điều mà nhiều phụ huynh trăn trở…
Phạm Miên