Nghề truyền thống các DTTS tại chỗ được bảo tồn và phát triển

27/06/2020 06:08

Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh cấp 2,195 tỷ đồng để Ban Dân tộc tỉnh - cơ quan chủ quản trong việc triển khai Đề án - tổ chức thực hiện. Qua đó, nhiều nghề truyền thống như rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm... được bảo tồn và phát triển.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Y Thơi (thôn 7, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy) - một trong những người còn theo nghề chế biến rượu nếp cẩm ở địa phương. Không giấu niềm vui, chị Y Thơi cho biết, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư của Ban Dân tộc huyện, Tổ sản xuất rượu nếp cẩm xã Đăk Tờ Lung có nhiều sản phẩm rượu nếp cẩm ngon đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Còn nghệ nhân A Wich (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) bày tỏ, mặc dù hiện nay đời sống của người dân khá giả lên nhiều, nhưng các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình như gùi, rá, rổ, thúng, nia... đối với đồng bào DTTS vẫn không thể thiếu được. Vì vậy, khi nhà nước hỗ trợ kinh phí để bảo tồn và phát triển nghề đan lát truyền thống thì người dân rất mừng. Lớp người già có nhiều kinh nghiệm trong làng như chúng tôi cùng nhau truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ biết để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Nghệ nhân A Wich ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy đan gùi truyền thống. Ảnh: TVP

 

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tỉnh ta có 7 DTTS tại chỗ là Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm và Hrê. Do điều kiện sinh sống gần nhau nên các nghề truyền thống của các DTTS cơ bản giống nhau.

Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ, trong giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi để đầu tư và hỗ trợ, qua đó nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể của ông cha để lại cho con cháu đời sau. Trong đó, Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai “Đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh” (viết tắt là Đề án) là một trong những văn bản chính thức có hiệu lực để Ban Dân tộc tỉnh - cơ quan chủ quản trong việc triển khai Đề án tổ chức thực hiện.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Đề án được UBND tỉnh cấp 2,195 tỷ đồng. Qua quá trình triển khai, đến nay, Ban Dân tộc tỉnh xây dựng được 9 băng, đĩa về quy trình sản xuất 9 nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, làm rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm); đồng thời hỗ trợ khẩn cấp dạy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Măm và của dân tộc Hrê có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Nghệ nhân chế tác nỏ truyền thống. Ảnh: T.V.P

 

Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 10 hộ là dân tộc Rơ Măm (ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) và 10 hộ dân tộc Hrê (ở xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) với thời gian 30 ngày/lớp; tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền, vận động công tác bảo tồn và phát triển nghề trực tiếp tại các địa phương, có 1.446 người tham gia; cấp 350 khung dệt cho hộ gia đình và nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm.

Ban Dân tộc tỉnh xây dựng điểm trưng bày và tổ chức trưng bày hiện vật của 9 sản phẩm nghề truyền thống tại trụ sở cơ quan (số 163 đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum). Các hiện vật trưng bày này được chế tác bởi các nghệ nhân đang lưu giữ nghề truyền thống. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện quảng bá sản phẩm tại 3 hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh xây dựng 6 phóng sự và Báo Kon Tum thực hiện các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền nhằm góp phần đưa các sản phẩm rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm... ra thị trường.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của bà con DTTS. Bởi vì, chính họ là người làm ra sản phẩm của các nghề truyền thống đó, lại là người sử dụng các sản phẩm vào trong cuộc sống hàng ngày, phù hợp với điều kiện sống của núi rừng, rẫy vườn và phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Ông Đinh Quốc Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị-xã hội, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Đề án; đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách của nhà nước đối với đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh để khuyến khích bà con phát triển nghề truyền thống. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con DTTS ý thức hơn nữa trong việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của dân tộc mình; vận động những nghệ nhân và những người có tay nghề cao tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Hy vọng rằng, bằng sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của nhà nước và toàn xã hội, bằng ý thức người dân, các nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát triển, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. 

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác