19/06/2017 19:15
Với tôi, mới đó mà đã gần 12 năm đến với nghề báo. Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Kon Tum nhận công tác, một mình tôi phải khăn gói đi tìm nơi ở trọ, để rồi sau đó đưa gia đình bé nhỏ của mình từ Bình Định lên theo. Sau 12 năm công tác, thỉnh thoảng trong cuộc "trà dư, tửu hậu" tôi thường đùa bạn bè rằng: vốn liếng, gia tài của mình vẫn là những chuyến đi và vẫn là… ở nhà trọ.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) tôi nghĩ miên man, "tính năm, tính tháng" mình vào nghề vậy thôi. Song, tôi hiểu với một nghề như nghề báo thì ngần ấy thời gian "chỉ đủ để học những kỹ năng cơ bản của nghề báo và viết lách tạm ổn"- như một nhà báo lão thành từng tâm sự. Chính vì vậy, tôi vẫn đang tiếp tục học nghề, bồi dưỡng vốn sống bằng những chuyến rong ruổi ở vùng sâu, vùng xa, đến những "hang cùng ngõ hẻm" trên địa bàn tỉnh để trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm nghề và đẫm mình trong tình đất, tình người...
Nghề báo bên cạnh kiến thức, kỹ năng về nghề vẫn cần lắm vốn sống từ những chuyến đi. Vì thế, chúng tôi thường tâm niệm nghề báo là những chuyến đi không mệt mỏi. Đi để mà nghe thấy, cảm thông, suy ngẫm rồi chắt lọc, "cô" lại thành câu chữ, thành tác phẩm báo chí, đem đến cho độc giả những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc đời. Đó là nguồn vui, nguồn sống của chúng tôi - những nhà báo!
Trong các thôn làng của 102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum không có nơi nào mà cánh nhà báo địa phương như chúng tôi chưa từng đặt chân đến, ăn ngủ, ở lại qua đêm.
Tôi còn nhớ, cách đây hơn 10 năm tôi có chuyến công tác đầu tiên về làng Le thuộc xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) - đây là khu căn cứ cách mạng, hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng. Cả làng nhưng chỉ có vài chục nóc nhà, dân số ở thời điểm này chưa đầy 400 người, chủ yếu là người dân tộc Rơ Măm. Dân làng còn rất nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng họ đối đãi với cán bộ, với nhà báo rất nghĩa tình, thật thà, không tính thiệt hơn. Có gì ngon dân làng cũng dành để đãi khách nơi xa đến.
Con đường từ trung tâm huyện Sa Thầy vào xã Mô Rai thời điểm năm 2006 rất khó đi, đặc biệt là vào mùa mưa. Để vào được xã Mô Rai tôi nhờ anh Trần Văn Tiên (lúc bấy giờ là Phó Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Sa Thầy) chỉ đường. Anh Tiên cho biết: Mùa này xe máy không thể nào vào được xã Mô Rai vì đường rất khó đi. Nếu đi đường vòng từ xã Rờ Kơi thì dài khoảng 70km, nhưng đoạn đèo Ngọc Vin không thể đi được vì lầy lội và có cây cầu chưa làm xong, nước suối sâu chảy xiết. Nếu đi đường tắt Dốc Đỏ từ xã Sa Sơn qua xã Mô Rai thì phải luồn rừng đi theo lối mòn của những người đi làm rừng dài chừng 40km. Anh Tiên chân tình khuyên: Nếu chưa thật sự cần thiết thì nên hoãn chuyến đi vì trời đang mưa, đường sá lầy lội đi lại khó khăn, nguy hiểm…
Mặc dù nhận được lời khuyên của anh Trần Văn Tiên, nhưng vì cơ quan phân công vào điều tra, viết bài về tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép của một số cán bộ để chờ Nhà nước đầu tư mở rộng đường 14C nhận tiền đền bù nên tôi không thể không đi; sau một thoáng do dự, tôi quyết định đi đường Dốc Đỏ.
Đoạn đường rừng dài 40km, nhưng mới từ làng Ba Đgốc, xã Sa Sơn đến Dốc Đỏ dài chưa đầy 2km nhưng chiếc xe đã hỏng phanh sau, vì đường xuống dốc nhưng toàn đá trái to như quả bóng rổ nằm lởm chởm suốt đoạn dốc dài đã làm hỏng phanh. Thế là suốt đoạn đường còn lại chủ yếu chạy xe dùng bằng số và thắng trước. Xe và người tôi lúc này được "bao bọc" bởi một màu đỏ của bùn đất. Đèn trước, đèn sau xe đều bị lỏng sắp rớt. Có rất nhiều đoạn xuống dốc cao, trơn trượt, biết trước chắc chắn sẽ bị té ngã nhưng không còn cách nào khác… tôi đành phải chọn cách vượt qua.
Vật lộn với con đường cả ngày trời, chiều tối tôi cũng vào được đến xã Mô Rai. Khi biết tôi là phóng viên, bà con dành cho tôi rất nhiều tình cảm; mời tôi về nhà tắm rửa, uống rượu và ngủ lại.
Những tình cảm "cái thuở ban đầu" đó tôi không bao giờ quên được. Đến thời điểm này tôi vẫn giữ liên hệ với những người tôi gặp gỡ ngày ấy và hễ có cơ hội là quay lại thăm mọi người.
Sau này, mỗi chuyến công tác về với Mô Rai tôi lại được gặp thêm những con người thú vị và cảm nhận được tình cảm mọi người dành cho mình. Đó là món quà vô giá được tiếp thêm sức mạnh, thêm năng lượng để chúng tôi tiếp tục guồng quay của công việc của một nhà báo là thông tin, phản ánh đúng sự thật về đời sống của người dân, nói lên tâm tư nguyện vọng của họ. Đó cũng là điều thường nhắc nhở chúng tôi hãy sống và viết sao cho xứng đáng với tình cảm chân chất mà nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa đã dành trọn vẹn và gửi gắm cho mình. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy ngòi bút của tôi còn nợ bà con rất nhiều.
|
Làm phóng viên, với tôi vui không ít mà buồn thì cũng kha khá. Nhưng chính những chuyến đi về với dân với vùng sâu, vùng xa đã cho tôi nhiều cảm nhận và trải nghiệm đáng quý, nó mang cho tôi cảm giác mình sống có ích. Đến thời điểm hiện tại tôi cũng đã đặt chân đến hết 102 xã, phường, thị trấn của tỉnh Kon Tum đầy nắng và gió này. Tôi được nếm cái vị hoang sơ nguy hiểm đi lạc trong rừng sâu của một bên là núi một bên là vực, được nếm cái lạnh cắt da của các xã quanh chân núi Ngọc Linh hay cái nắng hầm hực, khô rốc đổ đầu làm người ta đen nhẻm của khu vực Nam Sa Thầy; được đến nơi mênh mông đồng lúa ruộng bậc thang của huyện vùng cao Tu Mơ Rông hay những nơi bạt ngàn thông và hoa của huyện Kon Plông… Vượt lên trên những gian nan, hiểm nguy của nghề thì tất cả đã cho tôi những kỷ niệm đẹp, mà không dễ nghề nào cũng có được- tôi nghĩ như vậy!
Cho tới bây giờ, tôi chưa từng hối hận khi chọn nghề báo để “lang thang” khắp nơi, dù có những chuyến đi khi nhắc lại vẫn muốn rơi nước mắt. Sau những chuyến công tác, đặt chiếc ba lô trên lưng xuống thềm nhà, tôi đã cảm nhận được nhiều những điều về cuộc sống, tự đối diện với biết bao suy nghĩ. Và, tôi thấy mình ngày càng trưởng thành, chín chắn hơn trong lời nói, việc làm. Hóa ra những chuyến đi đem lại cho con người ta nhiều cảm xúc lạ và bất ngờ…
Bảo Châu