21/06/2019 15:05
Từ những ngày đầu, một đồng nghiệp đi trước đã cho tôi lời khuyên rằng: “Phóng viên là nghề của những chuyến đi. Đi và trải nghiệm thì phóng viên mới có nhiều đề tài mới, tạo ra những tác phẩm hay và chất lượng”. Qua 1 năm gắn bó với nghề, tôi nghiệm ra điều này là hoàn toàn đúng. Càng trải nghiệm, tôi càng tìm thấy thêm nhiều điều thú vị, bổ ích để dần hoàn thiện bản thân mình.
Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ có lúc một mình chạy xe máy cả trăm cây số để đến một xã, một huyện nào đó để làm việc. Tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ dành cả ngày trời để trèo đèo, lội suối, cuốc bộ trên những con đường lầy lội, xe máy cũng không thể đi. Hay tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ “ăn gửi nằm nhờ’’ ở nhà một người mà mình chỉ mới gặp mặt lần đầu. Và còn rất nhiều những trải nghiệm khác mà nghề báo đã mang đến cho tôi…
Kể về những chuyến đi của mình, một trong những lần ấn tượng nhất của tôi chính là lần đi cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) để đến thôn Đăk Ba, Cụm bản Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào).
Chuyến đi với mục đích thăm hỏi và tặng quà của đơn vị cho em A Xi (14 tuổi) trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Trên con đường ngoằn ngoèo, bùn lầy, chúng tôi cuốc bộ dưới tiết trời mưa rả rích. Dù chỉ cách vài cây số đường rừng, nhưng cũng làm tôi thấm mệt. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh, tôi không nên giảm tốc độ lại, bởi như vậy sẽ ngày càng mệt, hơn nữa sẽ phải chịu sự “tấn công” của vắt và ruồi vàng.
Để có thể đến được với thôn Đăk Ba, chúng tôi phải lội qua một con suối khá rộng, sâu chỉ đến đầu gối nhưng nước chảy siết, nên việc di chuyển gặp không ít khó khăn. Tôi vẫn nhớ những lời bông đùa của anh bạn đồng nghiệp “có bị nước cuốn thì “bơi” một mình, chứ đừng để rớt máy móc xuống nhé, không là anh em công cốc cả đấy”. Sau khi lội từng bước một, chúng tôi đã vượt con suối an toàn, chỉ với tổn thất là một chiếc dép của anh bạn đồng nghiệp bị cuốn đi. Chúng tôi ai nấy đều ướt sũng, một phần bởi cơn mưa dai dẳng từ đầu chuyến đi đến giờ, phần khác là bởi mồ hôi đã thấm đẫm chiếc áo.
Tính từ con suối chảy xiết, cuốc bộ tầm khoảng 1km nữa, những ngôi nhà của người dân xuất hiện, báo hiệu cho chúng tôi biết đích đến đã ở ngay phía trước. Thôn Đăk Ba hiện lên trước mắt chúng tôi. Các ngôi nhà sàn trong thôn đều được làm bằng gỗ và lợp tranh. Bà con trong thôn rất hòa đồng và hiếu khách, ai ai gặp đoàn chúng tôi cũng đều cười chào vui vẻ và thân thiện.
Gặp được em A Xi, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, cùng những nỗ lực để nuôi em ăn học của người mẹ đơn thân, tôi cảm thấy mọi sự vất vả, mệt mỏi trong chuyến đi gần như tan biến. Được nghe những lời hỏi han, động viên của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh với gia đình em A Xi và trao phần học bổng cho em, tôi bỗng cảm thấy yêu nghề phóng viên hơn. Bởi nhờ đó, tôi đã có thêm nhiều góc nhìn về cuộc sống, có thể thấy được tình người nảy nở ở bất cứ nơi đâu.
|
Một trải nghiệm khác cũng rất đáng nhớ, là khi tôi quyết định viết về đề tài “Tết của những sinh viên xa nhà”. Trái ngược với những chuyến đi đến vùng sâu vùng xa, lần này tôi chỉ chạy loanh quanh trong thành phố, để phỏng vấn một số phụ huynh có con đang du học tại nước ngoài và dành đa số thời gian để làm việc online với các bạn qua internet.
“Sau 3 năm không liên lạc, thì bây giờ cậu mới chịu gọi điện hỏi thăm tớ à?” - bạn tôi nửa đùa nửa thật khi tôi liên lạc để phỏng vấn. Và lại một lần nữa, nghề báo khiến tôi nhận ra, cuộc sống bộn bề đã làm chính tôi lãng quên một số mối quan hệ mà mình từng rất trân trọng.
Sau khi trò chuyện với bạn, tôi mới hiểu được cuộc sống của những du học sinh xa nhà là như thế nào. Đó là những khó khăn khi phải thích nghi về ngôn ngữ, cách sống, những phong tục tập quán…
Thông qua những câu hỏi phỏng vấn, tôi biết được những tâm trạng bâng khuâng, chạnh lòng của các bạn du học sinh xa nhà khi nghĩ về gia đình, tình yêu ấm áp bên bố mẹ, người thân. Tôi biết trong đêm 30 tết các bạn thường tận dụng mọi khoảng thời gian để gọi điện về nhà, chỉ mong “ké” chút không khí năm mới của gia đình…
Dù thời gian chưa phải là dài, chỉ mới một năm, nhưng nghề báo đã giúp tôi cảm nhận được những sắc màu của cuộc sống. Có niềm vui, hạnh phúc, có cực nhọc, vất vả…, tôi như được lướt qua những “nốt nhạc” thăng, trầm trong cuộc sống.
Tất Thành