Nghề báo giúp tôi trưởng thành hơn

18/06/2020 06:10

Đã thành thói quen, vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tôi lại dành thời gian nhắn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các cô chú, anh chị, bạn bè, những người đồng nghiệp cùng đam mê, gắn bó với nghề làm báo. Đây cũng là dịp để tôi hồi tưởng, nhớ lại về những hành trình, những trải nghiệm quý giá trong các lần tác nghiệp.

Tôi từng nghe một đồng nghiệp nói “Làm phóng viên phải luôn bám sát đề tài mà mình theo đuổi. Không chỉ quan sát bằng đôi mắt, lắng nghe bằng đôi tai mà còn phải phán đoán bằng lý trí để có thể tạo nên một tác phẩm phản ánh được thực chất vấn đề, mộc mạc và gần gũi với độc giả nhất. Vì thế mà những chuyến đi không thể thiếu đối với những người làm báo”.

Thật vậy, càng gắn bó với nghề nhiều hơn, tôi càng nhận thấy những suy nghĩ, chia sẻ của một đồng nghiệp vừa nêu trên là hoàn toàn thực tế. Với tôi, qua những chuyến đi, bản thân mình ngày càng có thêm những kiến thức, trải nghiệm, và những góc nhìn về cuộc sống…

Chuyến đi ấn tượng nhất của tôi trong năm vừa qua, có lẽ là lần tôi cùng một đồng nghiệp theo chân một nhóm thiện nguyện đến với xã Hiếu (huyện Kon Plông) để tặng quà, trao áo ấm cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Trong cái lạnh giá của tiết trời giữa đông, xen lẫn những cơn mưa ở Đông Trường Sơn, chúng tôi ngồi trong thùng xe chở quà chật ém để cùng đoàn thiện nguyện đến với cơ sở. Đường sá quanh co, gập ghềnh những dốc làm cả đoàn cảm thấy chếnh choáng, mỏi mệt. Đặc biệt là đối với những phóng viên chúng tôi, khi mỗi người đều còn phải lo giữ khư khư những đồ nghề tác nghiệp, để tránh bị va đập, hư hại trên suốt cả chặng đường dài.

Những phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TT 

 

Thời điểm xe vừa dừng bánh, cũng là lúc anh đồng nghiệp của tôi che vội cái áo mưa cho chiếc máy quay, rồi rời khỏi thùng xe, nhanh chóng tác nghiệp. Sau khi chọn vị trí, lấy góc cắt đúp khuôn hình ưng ý, anh mới vui vẻ trò chuyện với tôi: “Chắc em dùng máy ảnh cũng quá hiểu, ba cái đồ điện tử này nó “nhạy cảm” với nước nên khi mình tác nghiệp phải bảo quản kỹ càng, không thì chỉ dùng  được vài lần rồi phải đi sửa. Vậy nên, anh thà để bản thân mình ướt, chứ nhất định phải đảm bảo cho máy được an toàn”.

Tôi vui lắm, bởi anh và tôi cùng chung suy nghĩ. Với tôi, mỗi lần đi công tác cũng thường có thói quen mang theo trong ba lô 1 chiếc ô xếp để che nắng, che mưa cho chiếc máy ảnh và đồ nghề tác nghiệp của mình khi gặp điều kiện thời tiết xấu. Và có lẽ, không riêng gì tôi hay anh đồng nghiệp, mà bất kỳ ai đã gắn bó với nghề làm báo cũng sẽ làm như vậy. Bởi máy móc tác nghiệp chính là một phần không thể thiếu để giúp người phóng viên tạo ra những tác phẩm báo chí sống động và chất lượng nhất.

Hôm đó, chương trình diễn ra dưới trời mưa rả rích. Bất chấp thời tiết bất lợi, chúng tôi đôn đáo, tất bật chụp hình, phỏng vấn và lấy thông tin từ các nguồn. Cứ thế, mỗi người trong chúng tôi đều cố gắng để ghi lại những khoảnh khắc chân thật, ấn tượng nhất. Đó có thể là hình ảnh các em hào hứng với những chiếc áo mới, hồn nhiên chạy nhảy, khoe với bố mẹ, thầy cô; cũng có thể là hình ảnh các em tham gia các hoạt động vui chơi giao lưu với đoàn; hoặc những lúc các em vui vẻ, hồn nhiên chia cho nhau từng cái bánh, cái kẹo… tất cả những chi tiết này dường như đều được chúng tôi quan sát, ghi, chụp lại thành nguồn tư liệu quý phục vụ tin, bài viết cho trước mắt và sau này.

Khoảnh khắc người đồng nghiệp của tôi quay được cảnh một em tay giữ chặt thanh kẹo, ngủ ngon lành trên lưng mẹ, mặc kệ cơn mưa lớn ngoài hiên. Anh vui sướng ra mặt, háo hứng khoe: “Xem này! Anh vừa quay được cảnh “đắt giá” lắm. Từ đầu buổi đến giờ, đây là đúp hình anh ưng ý nhất. Trong một phóng sự, để tìm kiếm những đúp hình  ‘‘đắt’’ này, thật sự không hề dễ chút nào đâu”.

Đó là đối với truyền hình, sử dụng hình ảnh để phản chiếu tác phẩm của mình. Còn đối với những tác phẩm báo viết, đòi hỏi tác giả phải đi sâu nắm bắt tâm tư đối tượng, dùng những câu từ sao cho chuẩn nhất, để thể hiện được nội dung của tác phẩm mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả. Chính vì vậy, trong quá trình tác nghiệp, điều khiến tôi cảm thấy khó khăn, chính là làm sao để phỏng vấn các em nhỏ một cách thật nhất và tự nhiên nhất. Đặc biệt là với các em nhỏ người đồng bào DTTS, đa số trong các em khá nhút nhát khi giao tiếp với người lạ. Chính vì vậy, trong cả chương trình, tôi luôn dành nhiều thời gian để tạo sự gần gũi, sinh hoạt chung với các em. Dần dà, các em cởi mở bản thân mình nhiều hơn và trả lời những câu hỏi tôi đặt ra một cách tự nhiên, không bị gò ép trong quá trình phỏng vấn.

Còn với chụp hình, để có thể lấy được hình ảnh chụp các em một cách tự nhiên nhất, tôi chỉ có thể đứng từ xa và zoom ống kính máy ảnh lại cho đến khi tìm được những khoảnh khắc mà bản thân mình ưng ý chụp cho tác phẩm của mình.

Kết thúc chương trình, cũng là lúc tôi và anh đồng nghiệp toàn thân đều đã thấm ướt nước mưa và mồ hôi. Nhưng cả 2 chúng tôi đều cảm thấy hài lòng vì những tư liệu mà mình đã thu được từ chương trình. Được cảm nhận những tình cảm gần gũi, ấm áp khi được tận tay trao những phần quà của chương trình cho các em nhỏ trong chuyến đi này.

Đối với cả đoàn từ thiện, sau khi kết thúc chương trình cũng là lúc mọi người tự cho phép mình nghỉ ngơi, xả hơi sau một buổi làm việc mệt nhọc. Tuy nhiên, đối với phóng viên chúng tôi  thì thời gian tác nghiệp vẫn chưa kết thúc. Ăn vội cơm trưa, chúng tôi lại tiếp tục làm bạn với chiếc máy tính của mình. Mỗi người lại lụi cụi viết tin, dựng hình để kịp gửi về tòa soạn những thông tin, hình ảnh mới nhất.

Gian nan, vất vả không ít từ những lần tác nghiệp. Nhưng cũng vì vậy giúp bản thân tôi ngày càng trưởng thành hơn. 

Tất Thành

Chuyên mục khác